“Điểm cộng” cho lễ hội khai Ấn đền Trần

Như Đại Đoàn Kết đã thông tin, đêm 23-2 (đêm 14 tháng Giêng), nghi lễ khai Ấn - điểm nhấn của Lễ hội khai Ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP.Nam Định) đầu xuân Quý Tỵ đã diễn ra trong điều kiện an ninh được siết chặt và sự quan tâm theo dõi đặc biệt của báo chí. Ban Tổ chức cho biết đã huy động đến 2.500 nhân viên an ninh để làm nhiệm vụ này tại đây. Nghi lễ khai Ấn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang…

Xếp hàng”lĩnh” ấn Đền Trần

Ảnh: TL

Siết chặt an ninh

Những ai đã từng tham dự Lễ hội khai Ấn đền Trần những năm trước đây hẳn chưa quên những hình ảnh lộn xộn, mất an ninh trật tự tại lễ hội này, đặc biệt là trong đêm diễn ra nghi lễ khai Ấn. Vậy nhưng, theo cảm nhận của báo chí, nhất là của nhiều du khách, trong đêm khai Ấn năm nay tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự trên cơ bản đã được khắc phục. "Điểm cộng” này có được trước hết nhờ việc Ban tổ chức đã chủ động, nỗ lực hơn rất nhiều trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt những thay đổi trong công tác tổ chức đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Cụ thể, thay bằng việc phát Ấn ngay trong đêm khai Ấn và ngay sau khi nghi lễ này được thực hiện như những năm trước đây, Ban tổ chức đã cho lùi việc phát Ấn đến 7 giờ sáng hôm sau, qua đó hạn chế đáng kể cùng lúc có quá đông người trong khuôn viên đền Thiên Trường - nơi diễn ra nghi lễ khai Ấn vốn không phải quá rộng…

Tại thời điểm diễn ra nghi lễ khai Ấn trong sân đền Thiên Trường năm nay, số lượng người có mặt trên thực tế đã được hạn chế đáng kể. Theo đó, chỉ những người có "thẻ hồng” kèm theo giấy mời (bắt buộc) của Ban Tổ chức mới được vào. Không những thế, trên đoạn đường dài khoảng hơn 1km từ Quốc lộ 10 vào đến cổng đền, những người có "đủ thẻ và giấy mời” còn phải trải qua 4 vòng kiểm soát của lực lượng an ninh xem "có đủ” không mới được vào. Ban tổ chức như đã lường trước việc giấy mời có thể sẽ bị "quay vòng” đồng nghĩa với việc "phá sản” mục tiêu hạn chế lượng người có mặt nên khi "khách mời” qua cửa đền Trần, 1000 giấy mời được phát ra (con số do Ban tổ chức công bố) đều bị hủy bỏ. Sự kiểm soát có thể nói rất chặt chẽ nhằm hạn chế lượng người này dẫu có khiến nhiều người đã "tiếng bấc, tiếng chì”, dẫu có khiến không nhiều người dân, kể cả người dân địa phương (chủ thể của lễ hội) được chứng kiến vào giờ Tý - thời khắc được cho là "thiêng liêng khi đất trời giao hòa” - nghi lễ khai Ấn được tiến hành bởi những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Nhưng, theo "điều tra xã hội học dạng bỏ túi” của phóng viên, nhiều ý kiến cho rằng đó là việc làm cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự trong một sự kiện có quá đông người như lễ hội khai Ấn đền Trần. Nếu chẳng may xảy ra sự cố dẫm đạp, chết người sẽ chẳng có sự đông vui, nhộn nhịp nào bù đắp được.

Lễ khai Ấn đền Trần thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người

Trong lời khai mạc nghi lễ dâng hương, nghi lễ khai Ấn, Chủ tịch UBND TP. Nam Định Phạm Đình Nghị tái khẳng định tục lệ khai Ấn đầu Xuân là một hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn. Nơi triều đình ban phước lộc, tri ân những người có công trạng. Cũng là dịp để vua, quan cùng dân chúng bày tỏ nguyện cầu quốc thái dân an, một năm làm việc mới nhiều may mắn. Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng tái khẳng định việc tái hiện nghi lễ khai trong lễ hội đền Trần ngày nay là cách bảo tồn, lưu truyền những giá trị, ý nghĩa nhân văn này. Theo đó, vào giờ Tý nghi lễ khai ấn đã được cử hành. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trân trọng được mời lên đóng những lá Ấn đầu tiên. Trước đó nghi lễ rước kiệu Ấn, bắt đầu từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính, rẽ trái đi vòng quanh bờ hồ vào cổng chính đền Thiên Trường do 120 người dân làng Tức Mạc thực hiện đã được được cử hành…

Nhiều người "Xông vào” đền "cướp lộc” trên các ban thờ

Vẫn còn đó những hình ảnh phản cảm

Mặc dù công tác đảm bảo an ninh được tăng cường nhưng không phải vì thế mà những hình ảnh phản cảm - từng xảy ra nhiều lần trong nhiều năm ở lễ hội này - không tái diễn. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau nghi lễ dâng hương và khai ấn kết thúc, rất đông những người tham dự nghi lễ khai Ấn đã "xông vào” đền Thiên Trường với mục đích "cướp” lộc trên các ban thờ. Bất chấp việc Ban tổ chức đã thiết lập tại cửa đền một hàng rào barie, liên tục nhắc nhở trên loa, nhưng nhiều người có mặt vẫn tìm mọi cách cách vọt qua, kể cả "liệu pháp kênh kiệu” để đạt được mục đích. Đáng chê trách nhất là không chỉ những người trẻ, những người "ăn chưa no, lo chưa tới” mà nhiều "người lớn, mũ cao áo dài” cũng tham gia thực hiện hành vi phản cảm này. Trước đó, khi kiệu Ấn được rước vào sân đền Thiên Trường để chuẩn bị cho nghi lễ khai Ấn, một "cơn mưa” tiền đã được nhiều người có mặt "ném rào rào” lên kiệu Ấn. Để "ném trúng”, nhiều người đã vo tròn những đồng tiền với nhiều mệnh giá.

Sáng ngày 15 - thời điểm phát Ấn cho du khách bắt đầu, phóng viên ghi nhận không hiểu sao chỉ mới phát được khoảng 2 tiếng, Ban Tổ chức đã thông báo dừng phát Ấn đến đầu giờ chiều. Việc này khiến nhiều du khách phải vạ vật chờ đợi. Nhiều du khách ở xa không thể chờ đợi, phải ra về khi chưa được cầm trong tay lá Ấn theo "lời hứa” của Ban tổ chức "sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của du khách” với tâm trạng "ấm ức”. Trong khi đó - theo quan sát của phóng viên - một số người có phiếu đăng ký từ trước (do Ban tổ chức cấp) và đã đóng tiền từ trước vẫn được phát Ấn như bình thường…

Trần Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61445&menu=1437&style=1