Điểm báo ngày 6/10/2010

Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng dự Hội nghị Liên minh Viễn thông Quốc tế

Hội nghị Liên minh viễn thông quốc tế (UIT) lần thứ 18 đã chính thức khai mạc sáng 4/10/2010 tại tại thành phố Guadalajara ở Tây Bắc Mexico, với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đến từ 192 quốc gia trên thế giới. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng thường trực Bộ TTTT Lê Nam Thắng dẫn đầu tham dự. Trong thời gian 3 tuần, các đại biểu tập trung thảo luận một loạt vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu như an ninh viễn thông, chiến lược phát triển đến năm 2015 nhằm đạt mục tiêu 50% số nước trên thế giới dùng băng tần rộng, công nghệ tương lai, phát triển mạng thế hệ mới... Hội nghị UIT diễn ra 4 năm một lần nhằm bầu ra 5 lãnh đạo cao nhất, 47 quốc gia thành viên Hội đồng và nước chủ nhà Mexico hy vọng trúng cử vào Hội đồng trong phiên họp lần này. (Vietnam Plus 5/10/2010) Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá đĩa DVD Việt Nam Theo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương, Tổng cục Thu nhập thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ vừa ban hành thông tư số 98/2010 - Customs, áp thuế chống bán phá giá đĩa DVD, mã HS 8523 (Recordable Digital Versatile Disc) nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Đối với Việt Nam, hàng do công ty Ritek Việt Nam (Ritek Co. Ltd.) phải chịu suất thuế 29,75 USD/1.000 chiếc. Các công ty khác đều chịu thuế suất 50,51 USD cho 1.000 chiếc. Các suất thuế theo Thông tư nêu trên có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày 12/4/2010, là ngày áp thuế suất chống bán phá giá tạm thời mặt hàng này có hiệu lực. Theo số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, đĩa DVD nhập khẩu của 3 nước này đã tăng từ 427.000 chiếc năm 2005 - 2006 lên 9,98 triệu chiếc năm 2008 - 2009. Được biết, ngày 2/7/2010, Tổng vụ Chống bán phá giá - Bộ Công Thương Ấn Độ (DGAD) ra kết luận cuối cùng, khẳng định các nhà sản xuất/xuất khẩu của Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã bán sản phẩm đĩa ghi DVD-R và DVD-RW tại thị trường Ấn Độ thấp hơn giá trị thông thường với biên độ phá giá của Malaysia là: 34,05% (tương đương 35,92 USD/1.000 chiếc); Thái Lan: 22,51% (tương đương 25,98 USD/1.000 chiếc) và Việt Nam 64,09% (tương đương 50,51 USD/1.000 chiếc). Trong quá trình điều tra của các cơ quan chức năng của Ấn Độ, duy nhất Ritek Việt Nam tham gia quá trình điều tra và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra Ấn Độ. Do đó, DN này đã được hưởng mức thuế suất riêng là 29,75 USD/1.000 chiếc. Malaysia và Thái Lan không có DN nào hợp tác với cơ quan điều tra Ấn Độ; do vậy, các DN xuất khẩu của 2 nước trên sẽ phải chịu mức thuế suất chung toàn quốc đối với từng quốc gia. (Lao Động 6/10/2010) Tổ chức thi giải toán qua Internet cho học sinh tiểu học và THCS Ngày 4/10/2010, Bộ GDĐT đã ra Quyết định ban hành thể lệ cuộc thi giải toán qua Internet dành cho học sinh cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Cuộc thi nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học tại các trường phổ thông; tạo ra sân chơi trực tuyến môn Toán cho học sinh cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở; tạo điều kiện cho học sinh làm quen với Internet và sử dụng Internet là một phương thức học tập và tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh tích cực giao lưu, học tập. Để đăng ký tham gia, thí sinh cần đăng ký thông tin thành viên trên website: www.violympic.vn. Mỗi năm học sẽ có 19 vòng thi. Các vòng thi do Ban tổ chức cuộc thi cập nhật trên website, trung bình 2 tuần một lần, bắt đầu từ ngày 5/9 hàng năm. Mỗi vòng thi và mỗi bài thi đều có quy định về thời gian và hiển thị trên màn hình. Học sinh chưa vượt qua được vòng thi nào thì có quyền thi lại cho đến khi vượt qua vòng thi đó, trừ vòng thi các cấp. Điểm thi và thời gian làm bài của mỗi vòng thi được thông báo trên website sau khi học sinh hoàn thành vòng thi. Kết quả này được lưu lại trong phần “kết quả “ của học sinh. Tổng điểm và tổng thời gian làm bài thi của học sinh qua các vòng thi là hai chỉ số để xếp thứ hạng học sinh trên trang web Violympic.vn. Sau mỗi vòng thi, ban tổ chức cấp quốc gia sẽ thông báo 10 học sinh đạt điểm cao nhất của cấp toàn quốc và cấp tỉnh. Cũng theo Điều lệ, vòng thi cấp toàn quốc hàng năm do Bộ GDĐT tổ chức, chỉ dành cho học sinh lớp 5 và lớp 9, được thông báo trên trang web Violympic.vn. (Hà Nội mới Online 5/10/2010) Xây dựng trạm quan trắc nghiên cứu địa lý và môi trường Bắc bộ Viện Địa lý (Viện KHCN Việt Nam) vừa khởi công xây dựng "Trạm quan trắc nghiên cứu địa lý và môi trường Đồng bằng Bắc bộ" trên diện tích 20.000m2 đất tại Cồn Vành (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Khi đi vào hoạt động, trạm không những cung cấp các chuỗi số liệu quan trắc về địa lý, môi trường vùng Đồng bằng Bắc bộ mà còn là trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ các nghiên cứu KHCN đối với vùng biển Tiền Hải nói riêng và Vịnh Bắc bộ nói chung. Đây cũng là công trình khởi động cho đề án phát triển khu liên hợp kinh tế dải ven biển Tiền Hải và Bắc bộ. (Hà Nội mới 5/10/2010) Quảng Ninh: Khai trương Thư viện điện tử Sáng 5/10/2010, tại TP Hạ Long, Sở VH-TT-DL Quảng Ninh đã tổ chức khai trương Thư viện điện tử Quảng Ninh giai đoạn 2. Dự án Thư viện điện tử Quảng Ninh giai đoạn 2 được triển khai thực hiện từ tháng 8/2010 với tổng vốn đầu tư 990 triệu đồng nhằm nâng cấp và thay thế các trang thiết bị cũ, lạc hậu, đồng thời giúp đồng bộ hóa giữa thư viện Quốc gia với hệ thống thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước, phù hợp với chuẩn nghiệp vụ mới thư viện Việt Nam và thư viện thế giới. Sau hai tháng triển khai, các hạng mục của Dự án Thư viện điện tử Quảng Ninh giai đoạn 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Qua ki ốt điện tử, bạn đọc có thể tra cứu các thông tin, tài liệu, hoặc có thể vào trang thông tin điện tử với địa chỉ www.thuvienquangninh.org.vn để tra tìm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi. (Nhân dân Điện tử 5/10/2010) Hải quan Hà Tĩnh khai trương thủ tục hải quan điện tử Ngày 3/10/2010, Cục Hải quan Hà Tĩnh đã khai trương thí điểm thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục cảng Vũ Áng. Để thực hiện việc này, ngoài việc đào tạo cán bộ, Cục đã đào tạo cho hơn 30 doanh nghiệp có nhu cầu, tiến hành lắp đặt thiết bị, nâng cấp phần mềm, đường truyền, chạy thử hệ thống tại Cục và Chi cục Vũng Áng. Nhân dịp này, 5 doanh nghiệp đã được trao giấy chứng nhận tham gia thủ tục hải quan điện tử. Điển hình trong số này là Công ty XNK Lilama, đơn vị đang cung cấp vật tư, thiết bị cho Nhà máy Nhiệt điện Vũ Áng 1. (Hải Quan 5/10/2010) TP.HCM: Bến xe Miền đông sẽ cập nhật thông tin trên mạng Theo bà Nguyễn Thị Thanh Dung, Phó giám đốc Bến xe miền Đông (TP.HCM), hành khách có thể kiểm tra tuyến xe, giá tiền và các doanh nghiệp đang hoạt động trong bến trên trang web benxemiendong.com.vn khi trang web này chính thức được vận hành vào giữa tháng 10/2010. Trang web này cũng sẽ đăng tải sơ đồ của bến. Thông qua sơ đồ, người dân có thể dễ dàng tìm thấy khu vực xe mình muốn đi để lên xe. Trong dịp lễ tết, bến xe sẽ tăng cường đăng tải trên trang web thông tin về thời gian tăng giá vé và mức giá. (Tuổi Trẻ 6/10/2010) Sắp có thêm một mạng di động trong năm 2010 Cuối năm nay, Công ty Viễn thông số (Digicom), một doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) sẽ đưa vào hoạt động mạng di động của mình dựa trên hạ tầng của Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom). Digicom đang đề nghị Bộ TTTT cấp đầu số riêng với dãy số 10 chữ số, khác biệt với đầu số 096 của EVN Telecom. (Tiền Phong 6/10/2010) Không thể dựa vào đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp điện tử Với những đầu tư lớn của nước ngoài trong ngành công nghiệp điện tử, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính của Việt Nam năm 2009 đã lên tới 3 tỷ USD. Tuy nhiên, 98% con số này cũng thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Còn các doanh nghiệp trong nước thì chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi còn lại và theo ông Trần Quang Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), để phát triển công nghiệp điện tử thì không thể dựa vào các dự án FDI vì nếu có dựa vào thì cũng chỉ như đi nhờ xe chứ không do thực lực. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là để kinh doanh chứ không theo chiến lược phát triển của Việt Nam. Thêm nữa là các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thể cung cấp được cho họ các sản phẩm phụ trợ cấu thành. Thực tế mà VEIA đã tiếp cận với Canon để cung cấp sản phẩm phụ trợ thì chỉ có vài ba cơ sở đáp ứng được. Còn nếu đặt vấn đề để các doanh nghiệp FDI giúp đỡ về kỹ thuật thì câu trả lời nhận được là không. (Đầu Tư 6/10/2010) Doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam khó đạt doanh thu 10 tỷ USD Theo mục tiêu của Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, đến năm 2015 doanh thu của các doanh nghiệp CNTT-TT phải đạt trên 10 tỷ USD và đến 2020 phải đạt trên 15 tỷ USD. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn thì việc đạt được mục tiêu này là không dễ với năng lực của các doanh nghiệp hiện nay. Trong số 5 doanh nghiệp được nêu tên trong bản đề án, có thể coi VNPT và Viettel là có năng lực cao nhất. Tuy nhiên, cả hai đều phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của thị trường viễn thông di động và sự sụt giảm của thị trường viễn thông cố định. Năm 2010, VNPT và Viettel đều đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng (tương đương hơn 5 tỷ USD). Vậy nhưng trong 9 tháng đầu năm, VNPT mới đạt 62.500 tỷ đồng và liệu trong 3 tháng còn lại, họ có thu được thêm 37.500 tỷ đồng nữa để đạt mục tiêu đề ra? Theo các doanh nghiệp, để có doanh thu, nhất là doanh thu lớn thì phải có thị trường lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, Chính phủ cần xác định một thị trường đủ lớn để nuôi doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Chính - Tổng giám đốc tập đoàn CMC cho rằng muốn phát triển công nghiệp phần cứng thì phải có lợi thế thị trường và lợi thế về năng lực sản xuất. Tuy nhiên, hiện CMC không có được lợi thế thị trường nên máy tính CMS của CMC khó cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài ngay trên sân nhà. Theo ông Chính, nhà nước không thể tạo bệ đỡ như thời bao cấp nhưng có thể xây dựng những rào cản kỹ thuật hay hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nghiên cứu phát triển. Còn với phần mềm, một số doanh nghiệp cho rằng, nhà nước cần tạo điều kiện triển khai các mô hình hợp tác công – tư; đồng thời bảo vệ thị trường trong nước thông qua các quy định pháp lý. (Đầu Tư 6/10/2010) Giải pháp CNTT cho tài chính công khó hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Theo ông Nguyễn Quang Khải - kiến trúc sư trưởng về giải pháp của SAP Việt Nam, hàng năm các doanh nghiệp Việt Nam phải mất đến trên 1.000 giờ để kê khai và nộp thuế. Việc áp dụng CNTT có thể giúp các cơ quan quản lý tăng khả năng thu thuế và tối đa hóa việc tuân thủ nộp thuế. Việc tuân thủ tự nguyện hiện là điều xa xỉ không chỉ ở Việt Nam. Điều này có nhiều nguyên nhân và khi nộp thuế thuận tiện cũng sẽ giúp người dân tự nguyện hơn. Giải pháp của SAP cũng cho phép tự dò và phát hiện sai phạm, nghi vấn. Việc này sẽ giúp ngành thuế tập trung điều tra sai phạm và đưa ra hình phạt chính xác. Ông thừa nhận, giải pháp CNTT cho tài chính công khó hơn nhiều so với doanh nghiệp vì nó liên quan đến nhiều người và nhiều hệ thống. Khó khăn là khi có sự thay đổi kéo theo thì quản lý sẽ gặp khó khăn. Thời gian qua, SAP đã thực hiện thành công nhiều dự án tại Việt Nam mà điển hình với Tổng cục Thuế về dự án Thuế Thu nhập Cá nhân. Đây là dự án lớn đầu tiên mà Chính phủ Việt Nam thực hiện cho khối tài chính công. (Đầu Tư 6/10/2010).

Nguồn PC World: http://pcworld.com.vn/articles/tin-tuc/diem-bao/2010/10/1221502/diem-bao-ngay-6-10-2010/