Điểm báo 1/12: Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giảm áp lực, chi phí

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giảm áp lực, chi phí; Doanh nghiệp khoa học và công nghệ khát vốn; Lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng tinh vi; Thu hẹp khoảng cách giới tại Việt Nam;...là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 1/12.

PHƯƠNG ÁN THI TỐT NGHIỆP THPT TỪ NĂM 2025: GIẢM ÁP LỰC, CHI PHÍ

Bộ GD&ĐT vừa chốt phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.Với 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, phương án thi này được đánh giá là bảo đảm đồng thời nhiều tiêu chí như gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận của xã hội. Thông tin đáng chú ý có trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.

2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm; nội dung thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Việc tổ chức kỳ thi theo phương án 2+2 không chỉ giảm áp lực, giảm tốn kém mà quan trọng là đánh giá đúng năng lực của học sinh, bảo đảm chất lượng, đủ độ tin cậy cùng những yếu tố khác. Sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra.

DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ "KHÁT" VỐN

Việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn luôn rất khó khăn bởi những quy định và tài sản thế chấp, thậm chí nhiều trường hợp gần như không thể vay được. Nhưng việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân sách dành cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng nhiều thử thách và rào cản không kém, khiến doanh nghiệp không dễ chạm tới...

Để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù mức tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn khó có thể đạt để được hưởng ưu đãi. Rất nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ đều cho rằng Ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ còn rất ít và thủ tục thì nhiều và khó giải ngân. Vốn ngân sách cho khoa học và công nghệ tiếp cận đã khó nhưng lại giảm dần qua các năm, từ 1,1% năm 2017 xuống còn 0,82% năm 2023. Việc thực hiện các đề tài, dự án có hỗ trợ ngân sách Nhà nước còn nhiều thủ tục phức tạp. Chính sách thuế còn chưa ưu tiên so với các doanh nghiệp khác.

LỪA ĐẢO TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ NGÀY CÀNG TINH VI

Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Thông tin đáng chú ý trên báo Hà Nội mới.

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm, nhưng đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo, tranh chấp thương mại quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hóa kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây. Bên cạnh các doanh nghiệp bị lừa đảo khi xuất khẩu còn không ít doanh nghiệp do quá tin tưởng đối tác, trong khi nhiều trường hợp đối tác đã phá sản, nên vẫn xuất hàng dẫn đến chậm trả hoặc không thanh toán được tiền hàng.

THU HẸP KHOẢNG CÁCH GIỚI TẠI VIỆT NAM

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó, các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Theo các chuyên gia, bình đẳng giới dựa trên nền tảng khai thác thế mạnh của giới, ghi nhận những ưu điểm và sở trường của từng giới và đặc trưng giới. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng. Cụ thể, vấn đề định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối, tỷ lệ phụ nữ bị xâm hại, bạo lực còn ở mức rất cao. Nhìn chung, bình đẳng giới đã được lồng ghép vào các chính sách an sinh xã hội một cách đa dạng, phong phú và có nhiều cải tiến đáng kể. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh “Trong giai đoạn hiện nay, thích nghi với bối cảnh mới, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục xác định việc thực hiện bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ và đảm bảo sự cân bằng giới tính hợp lý là một mục tiêu trong định hướng phát triển của đất nước”.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-1-12-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-giam-ap-luc-chi-phi-200755.htm