Dịch truyền không phải... “thuốc tiên”

SGTT - Khi mệt mỏi, không ăn uống được, nhiều người có thói quen đi truyền dịch mà không cần bác sĩ chỉ định. Có người còn tự mua về nhờ y tá đến nhà truyền giùm. Đây là những ứng xử rất sai lầm với sức khỏe và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người truyền dịch

Dinh dưỡng Trọc đầu, chết… vì dịch truyền Việc truyền dịch bắt buộc phải có sự chỉ định của bác sĩ. Ảnh: T.A Tại bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội) đã từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị tai biến do dịch truyền. Nghiêm trọng nhất là trường hợp của một bệnh nhi bị trọc đầu do truyền dịch sai cách. Cụ thể, bệnh nhi này truyền dịch ở vùng đầu nhưng do sự cố chệch ven đã dẫn đến da đầu bị hoại tử cả mảng lớn, làm mất hết tóc. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật để làm lại phần da đầu bị hoại tử. Mới đây, tại Hà Tĩnh cũng đã có một bệnh nhân tử vong do tự truyền dịch tại nhà. Sau khi truyền được một chai dịch 500ml, người này tiếp tục truyền dung dịch hoa quả. Truyền được hơn 2/3 chai thì có dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, lạnh người rồi tử vong ngay sau đó. Dịch truyền là dạng dược phẩm lỏng, vô trùng, được tiêm nhỏ giọt vào tĩnh mạch với khối lượng lớn. Trong cuộc sống, các loại dịch truyền được nhiều người gọi chung là “nước biển”. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số nhà thuốc, hiện có rất nhiều loại dịch truyền “thượng vàng, hạ cám” khác nhau, được người bán chào mời như một thứ “thuốc tiên”, giúp cơ thể khỏe mau. Phổ biến nhất là dịch truyền bù nước và cân bằng điện giải; dung dịch cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể như dung dịch glucose, đạm, vitamin và muối khoáng; dung dịch thay thế huyết tương; dung dịch chống toan, kiềm huyết. Gần đây chị em phụ nữ còn rủ nhau đi mua dịch truyền có đạm hoặc các vitamin phối hợp và một loại dịch truyền có tên gọi là nước hoa quả để truyền với mục đích làm… đẹp da. Tự ý dùng rất nguy hiểm Trao đổi với chúng tôi, TS. Lý Ngọc Kính, cục trưởng cục Khám chữa bệnh (bộ Y tế) khẳng định, truyền dịch phải theo đơn thuốc của bác sĩ. Trong quá trình truyền phải có sự theo dõi của nhân viên y tế, “truyền dịch cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về tốc độ, thời gian, dụng cụ đảm bảo vô trùng để đề phòng sốc thuốc”, ông Kính nhấn mạnh. TS.BS Nguyễn Viết Lượng, viện Bỏng quốc gia (nơi sử dụng rất thường xuyên dịch truyền) cho biết, bản thân các loại dịch truyền có tác dụng tốt cho cơ thể con người. “Tuy nhiên, không phải cứ tốt thì muốn dùng bao nhiêu cũng được và dùng tùy tiện. Chỉ khi người bệnh không sử dụng thuốc bằng đường uống được thì mới phải truyền như trẻ em, người bệnh bị tổn thương đường tiêu hóa… Nó cũng là thuốc nên cần có sự chỉ định dùng của bác sĩ. Người ốm có chỉ định thì nên dùng còn người khỏe truyền dịch sẽ không có tác dụng. Thậm chí truyền vào người thừa sẽ nguy hiểm cho tính mạng như tăng gánh nặng cho tim dẫn tới suy tim, khó thở, ảnh hưởng tới phổi do dịch vào quá nhiều trong khi cơ thể đã đủ không có nhu cầu nhận”, bác sĩ Lượng nói. Cũng theo bác sĩ Lượng, việc truyền dịch không có sự chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dễ gây sốc do tốc độ truyền quá nhanh. Hết dịch truyền mà không có bác sĩ theo dõi, để không khí lọt vào cơ thể, sẽ gây tắc nghẽn mạch dẫn đến tử vong. “Hiện nhiều người không hiểu tác hại này nên đã lạm dụng và tự gây nguy hiểm cho chính mình”, bác sĩ Lượng cảnh báo. Lệ Hà

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail31.aspx?columnid=31&fld=htmg/2009/0726/54687&newsid=54687