Dịch tay chân miệng đang lây lan nhanh, chủ động các biện pháp phòng chống

Hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, virus bệnh truyền nhiễm có nguy cơ phát triển, lây lan trong cộng đồng, trong đó có bệnh tay chân miệng. Theo dự báo, trong gian tới, số ca mắc và ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhiều ổ dịch tay chân miệng tại Hà Nội

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, TP ghi nhận 161 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng 37 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố rải rác ở 28 quận, huyện, trong đó một số địa bàn có nhiều bệnh nhân, gồm: Ba Vì 23 ca, Hà Đông 14 ca, Thanh Trì 12 ca, Ba Đình và Hoàng Mai đều ghi nhận 10 ca. Trong tuần có thêm 3 ổ dịch tay chân miệng, trong đó huyện Ba Vì ghi nhận 2 ổ dịch và quận Thanh Xuân có 1 ổ dịch.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 585 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Ngoài ra, TP cũng đã ghi nhận 9 ổ dịch từ đầu năm đến nay. Hiện còn 5 ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 3 ổ dịch tại Ba Vì, Đông Anh và Thanh Xuân có cùng 1 ổ dịch.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, theo quy luật hằng năm, tháng 4, tháng 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng. Do đó, thời gian tới, số ca mắc và số ổ dịch, chùm ca bệnh có thể gia tăng.

Kiểm tra lớp học có trẻ mắc tay chân miệng.

Để chủ động phòng chống dịch tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới và không để xảy ra trường hợp tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tay chân miệng tại huyện Ba Vì và Đông Anh.

Ghi nhận tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì cho thấy, tính đến nay có 19 ca mắc tay chân miệng và 2 ổ dịch (1 ổ dịch cộng đồng và 1 ổ dịch tại Trường Mầm non Phú Châu). Các ca bệnh phân bố tại 3 thôn Phú Xuyên 1 (10 ca); Phú Xuyên 2 (3 ca) và Phú Xuyên 3 (6 ca). Giám sát ổ dịch tay chân miệng tại trường Mầm non Phú Châu, ghi nhận có 17 ca mắc và 3 ca nghi ngờ. Các ca bệnh phân bố ở 5 lớp học, trong đó nhóm tuổi có nhiều ca mắc nhất 24-36 tháng là 13 ca mắc. Các ca mắc đều được điều trị và theo dõi tại nhà.

Tại huyện Đông Anh, tính đến ngày 12/4, huyện ghi nhận 27 ca mắc tay chân miệng (số ca mắc đứng thứ 8 toàn TP). Trong đó, xã Mai Lâm ghi nhận 2 ca mắc và 1 ổ dịch tại Trường Mầm non tư thục Hồng Phúc. Ổ dịch tại Trường Mầm non tư thục Hồng Phúc gồm 4 bệnh nhân đều là trẻ cùng 1 lớp, trong đó 2 trẻ tại xã Mai Lâm và 2 trẻ tại xã Dục Tú.

Qua kiểm tra thực tế các trường học, Đoàn kiểm tra CDC Hà Nội đề nghị TTYT huyện Ba Vì và Đông Anh cử cán bộ theo dõi tình hình dịch, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh. 2 đơn vị điều tra, xử lý ca bệnh theo quy định.

Không để dịch bùng phát trên diện rộng

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, mỗi năm, dịch bệnh tay chân miệng có 2 chu kỳ đỉnh dịch vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Hiện, TP bước vào đỉnh dịch tay chân miệng chu kỳ lần 1. Do đó, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại khối trường mầm non, tiểu học. Việc vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng ở các trường cần chú trọng dụng cụ cá nhân của trẻ như: cốc, khăn mặt, đồ chơi… Ngoài ra, mỗi tuần, các trường cần tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, dụng cụ.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đống Đa khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Hoàng Minh Đức cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Mặc dù các ca mắc bệnh đều nhẹ và có thể tự khỏi sau 7-10 ngày, nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu nặng như sốt cao kéo dài, các dấu hiệu về thần kinh, khó thở, nôn ói liên tục và tình trạng mất nước nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Nếu trẻ không có bất kỳ dấu hiệu nặng nào, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ Dương Quốc Bảo – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dich-tay-chan-mieng-dang-lay-lan-nhanh-giam-sat-chat-khoi-truong-mam-non.html