Đích đến là chất lượng dạy-học

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội đang triển khai việc kiểm tra, rà soát để xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên.

Việc kiểm tra, rà soát này diễn ra đúng thời điểm thầy và trò đang phải nỗ lực “về đích” năm học 2019-2020. Chủ trương này được những người trong cuộc đánh giá là cần thiết.

Thầy cô thay đổi

Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 5-7, 100% giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá theo chuẩn quốc tế IELTS. Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết: Việc kiểm tra, rà soát này nhằm mục đích nâng cao năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế cho giáo viên ngoại ngữ toàn thành phố. IELTS là một trong những hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh đang được đánh giá uy tín nhất trên thế giới theo 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Sở GD&ĐT lựa chọn hình thức này để hỗ trợ giáo viên tiếng Anh phát triển tốt nhất 4 kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe-nói.

Ngay sau khi nhận được kế hoạch về việc nâng chuẩn quốc tế, không ít giáo viên tiếng Anh bày tỏ băn khoăn, nhất là đối với những thầy cô đã công tác lâu năm. Băn khoăn này xuất phát từ việc không chính xác như: Sẽ giảm tiết dạy, không phân công đứng lớp, xếp loại thi đua… đối với những giáo viên không đạt yêu cầu của đợt kiểm tra, rà soát. Tuy nhiên, thực chất, kết quả của đợt kiểm tra, rà soát này chỉ để Sở GD&ĐT sử dụng làm căn cứ phân loại, xếp lớp đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho giáo viên.

 Một tiết học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội).

Một tiết học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội).

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản chỉ có một giáo viên dạy tiếng Anh đã biên chế và một giáo viên tiếng Anh hợp đồng trên tổng số 41 giáo viên toàn trường. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Bạch Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Kế hoạch chuẩn bị cho đợt rà soát, đào tạo bồi dưỡng đã được Sở GD&ĐT TP Hà Nội gửi công văn tới các đơn vị từ tháng 9-2019. Theo chủ trương, giáo viên tham gia lớp đào tạo sẽ được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí, bao gồm cả công tác phí trong quá trình học tập bồi dưỡng và sẽ được giảm thời gian giảng dạy tại trường. Tôi cho rằng, việc rà soát này là thực sự cần thiết để nâng cao năng lực ngoại ngữ, tăng sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Ngại thay đổi là tâm lý của một số giáo viên, nhất là những thầy cô lâu nay vốn dĩ chỉ quen với cách dạy học truyền thống. Thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên tại một số trường học trên địa bàn thành phố, hầu hết các trường và các thầy cô giáo đều cho rằng việc rà soát, nâng chuẩn quốc tế đối với giáo viên tiếng Anh là chủ trương đúng đắn.

Mặc dù, đợt rà soát này diễn ra đúng thời điểm thầy và trò đang dồn sức hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, nhưng 7 giáo viên tiếng Anh trong Tổ tiếng Anh, Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) đều đồng tình, động viên nhau đăng ký tham gia đợt rà soát. Cô Hoàng Thị Mỹ Dung, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Bế Văn Đàn chia sẻ: “Đây không chỉ là thử thách lớn với chúng tôi mà còn là dịp để chúng tôi đánh giá lại trình độ, năng lực của mình, từ đó tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn”.

Nâng chuẩn vì học trò

Câu chuyện về giáo viên ngoại ngữ nhưng không thông thạo ngoại ngữ, nhất là kỹ năng nghe-nói đã được nhắc tới nhiều trong những năm qua. Thực tế hiện nay, chương trình dạy tiếng Anh ở các nhà trường vẫn nặng về ngữ pháp, học sinh ít có điều kiện được giao tiếp. Thế nên, để các con tăng khả năng nghe-nói tiếng Anh, nhiều phụ huynh phải cho con theo học ở các trung tâm ngoại ngữ. Chị Nguyễn Hoài Phương, phụ huynh một học sinh lớp 7, Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ) nêu ý kiến: “Hiện nay, tôi được biết, nhiều học sinh lớp 9 đã đạt IELS 6.5. Điều này đòi hỏi trình độ giáo viên ngoại ngữ cũng cần phải được nâng cấp”.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cũng nhìn nhận rằng, trình độ ngoại ngữ của học sinh ngày càng được chú trọng thì việc giáo viên tiếng Anh phải nâng cấp trình độ là rất cần thiết. Bà Nguyễn Bội Quỳnh cho biết: “Nhà trường không lấy kết quả của việc khảo sát để đánh giá tiêu chí xếp loại thi đua của các thầy cô. Việc các thầy cô nâng chuẩn trình độ đồng nghĩa với việc chất lượng dạy học trên lớp cũng được nâng lên. Vì vậy, nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa, chủ động tháo gỡ những khó khăn về mặt học liệu, thời gian cho các giáo viên để đợt rà soát, xếp lớp đạt hiệu quả cao nhất”.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, đích đến của việc kiểm tra, rà soát này là để xếp lớp đào tạo sao cho phù hợp với năng lực của từng nhóm giáo viên, từ đó phát huy hiệu quả cao nhất của quá trình đào tạo. Sau thời gian đào tạo, giáo viên sẽ tham dự kỳ thi IELTS với mục tiêu lên được tối thiểu 0,5 điểm. Ông Lê Ngọc Quang cho hay: “Giáo viên không cần phải tham gia các lớp luyện thi IELTS trước khi làm bài kiểm tra. Việc này không gây ra áp lực nào cho giáo viên, cũng không ảnh hưởng đến việc dạy học. Vì vậy, các thầy cô cần nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình khi tham gia kiểm tra, xếp lớp đào tạo”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dich-den-la-chat-luong-day-hoc-624562