Dịch chuyển năng lượng nhờ 'cú huých' nhận thức

Sự chuyển đổi từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và sạch là yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế xanh, bền vững trong tương lai. Song đòi hỏi nâng tầm truyền thông và nhận thức để thực hiện.

Phương thức hiệu quả

Điều phối viên Quốc gia của ETP/UNOPS Nguyễn Ngọc Thủy cho biết, chuyển dịch năng lượng là một vấn đề đa diện, đa ngành, lĩnh vực, giá trị, bao hàm những nội dung phức tạp như tài chính và đầu tư, phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo, việc làm xanh. Hay nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng sạch với giá cả hợp lý cho các đối tượng ở vùng sâu vùng xa.

Hệ thống kho cảng LNG của PV GAS thuộc Petrovietnam. Ảnh: Khắc Kiên

Sự chuyển dịch sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới về việc làm, phát triển công nghệ tiên tiến, tăng trưởng kinh tế - xã hội theo hướng xanh, nhưng cũng đặt ra nhiều bài toàn khó cho các nền kinh tế. Bao gồm, làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và sự thay đổi lớn về cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực liên quan đến năng lượng hóa thạch.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ để giảm thiểu tiêu hao năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên

"Chuyển dịch năng lượng là quá trình lâu dài, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp, hay cá nhân đơn lẻ. Mỗi hành động, dù nhỏ ví như tiết kiệm điện, tái chế, sử dụng các phương tiện và sinh hoạt thân thiện…, cũng góp phần quan trọng vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng" - vị này nói.

Theo một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, trong kịch bản net zero, thay đổi trong hành vi, nhận thức sẽ giảm lượng khí thải và giảm nhu cầu năng lượng cho tòa nhà, giao thông đường bộ và hàng không. Ước tính, tổng lượng khí CO2 phát thải trong kịch bản NZE từ năm 2021 - 2050 sẽ giảm khoảng 4% nếu có những hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam ngày càng tăng cao, ước tính 8.5%/năm, một con số cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc hiểu về các khía cạnh của năng lượng và thay đổi hành vi là điều quan trọng. Truyền thông là một phương thức hiệu quả và không thể thiếu, như đã được nhấn mạnh trong các các văn bản pháp lý quan trọng hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Mảnh ghép quan trọng

Bàn về vấn đề,TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, việc truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng rất quan trọng vì nhiều lý do. "Khi hiểu rõ về tầm quan trọng của việc chuyển dịch năng lượng, có thể được khuyến khích thực hiện các bước nhỏ như tiết kiệm điện, sử dụng các sản phẩm ít tốn năng lượng, hoặc đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi tích cực ở cấp độ cá nhân và cộng đồng" - TS Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Điện mặt trời áp mái cũng được nhiều doanh nghiệp đầu tư. Ảnh: Khắc Kiên

Đồng thời cho rằng, truyền thông hiệu quả cũng giúp thu hút sự chú ý và nguồn lực từ Chính phủ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Điều này là cần thiết để đảm bảo rằng các dự án về năng lượng sạch được triển khai rộng rãi và có đủ tài chính.

Khi đó có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhà lập pháp bằng cách nâng cao nhận thức về những lợi ích, nhu cầu cấp bách của chuyển dịch năng lượng sẽ thân thiện hơn với môi trường và hỗ trợ rộng rãi cho năng lượng tái tạo.

Dây chuyền công nghệ hiện đại ít tốn tiêu hao năng lượng của Tập đoàn Sơn Hà. Ảnh: Khắc Kiên

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia nhìn nhận, sự phát triển kinh tế xanh và bền vững trong tương lai cần nhìn vào các vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo, biến đổi khí hậu, và ô nhiễm môi trường là những thách thức lớn mà con người phải đối mặt ngày nay. Việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, nước và năng lượng sinh học không chỉ giúp giảm thiểu tác động đối với môi trường, mà còn giúp tạo ra các nguồn năng lượng ổn định và bền vững cho tương lai.

Thứ hai, chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo cũng tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy sự đổi mới công nghệ như lưu trữ năng lượng, xe điện và hệ thống thông minh... Thứ ba, việc đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch mà còn tạo ra cơ hội cho phát triển bền vững và tăng cường sự an sinh cho cộng đồng.

Tiềm năng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất lớn. Theo Kế hoạch Điện VIII, điện mặt trời và điện gió có thể cung cấp hàng triệu MW điện. Chỉ riêng điện mặt trời đã có khả năng đạt khoảng 963.000MW, trong khi điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt đạt 221.000MW và 600.000MW. Đây là một tiềm năng không thể bỏ qua trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước.
Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ dừng lại ở việc tìm ra nguồn cung. Kế hoạch phát triển toàn hệ thống điện cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Một trong những thách thức lớn nhất của việc phát triển năng lượng tái tạo là hệ thống hạn chế và chi phí cao... Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng và toàn diện. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các quy chuẩn về môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng điện phù hợp, khuyến khích đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Các biện pháp như tín chỉ carbon CO2 và sàn giao dịch carbon cũng có thể giúp tăng cường hiệu quả trong việc giảm phát thải CO2.

Hơn nữa, việc tạo ra nhận thức và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng cũng là một phần không thể thiếu. Nên khuyến khích sự tham gia của mọi người trong việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thông qua các biện pháp giáo dục, tuyên truyền và nâng tầm nhận thức.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dich-chuyen-nang-luong-nho-cu-huych-nhan-thuc.html