Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Varese, Ý. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h ngày 24/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 59.474.810 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.401.410 triệu ca tử vong.

Khoảng 41,1 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 16,9 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Số ca tử vong tại Ý vượt quá 50.000 người

Ngày 23/11, Ý - quốc gia châu Âu đầu tiên chịu tác động bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - đã ghi nhận tổng cộng hơn 50.000 ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

Bộ Y tế Ý ngày 23/11 ghi nhận thêm 630 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 50.453 người. Ngoài ra, Ý ghi nhận thêm 22.930 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia châu Âu này lên thành 1.431.795 người.

Số liệu trên cho thấy Ý đã gia nhập nhóm các nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh cùng ghi nhận số người chết do COVID-19 vượt ngưỡng 50.000 ca. Với việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, Ý đã kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, song số ca mắc mới lại tăng mạnh trong mấy tháng gần đây.

Chính phủ Ý đã tìm cách tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa sau khi biện pháp này làm tê liệt nền kinh tế, thay vào đó tập trung vào các lệnh hạn chế theo khu vực bên cạnh lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm.

Iraq ghi nhận thêm 2.136 ca nhiễm trong ngày

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 23/11, Bộ Y tế Iraq thông báo ghi nhận thêm 2.136 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 537.457 trường hợp.

Bộ này cũng cho biết có thêm 38 ca nhiễm không qua khỏi và 2.202 trường hợp được chữa khỏi tại Iraq trong ngày, nâng tổng số ca tử vong do nhiễm COVID-19 là 11.996 và tổng số trường hợp đã được chữa khỏi là 467.654.

Kể từ tháng 2/2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Iraq, nước này đã thực hiện tổng cộng 3.293.010 xét nghiệm, với tỉ lệ trung bình 24.908 xét nghiệm mỗi ngày.

Trước đó, Bộ Y tế Iraq cho rằng việc ca nhiễm COVID-19 tại nước này gia tăng một phần do dân chúng tuân thủ không nghiêm túc các chỉ dẫn y tế cũng như do Iraq gia tăng năng lực xét nghiệm tại Baghdad và một số tỉnh khác.

Algeria yêu cầu tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Bộ Y tế Algeria cho biết 120 nhân viên y tế đã thiệt mạng và 9.146 người khác bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện ở quốc gia Bắc Phi vào ngày 25/2 đến nay.

Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia, Giáo sư Lyes Rahal, người phát ngôn của Ủy ban quốc gia về giám sát sự tiến triển của đại dịch COVID-19, nhấn mạnh rằng, tính đến thời điểm hiện tại, 120 nhân viên y tế đã tử vong và 9.146 người khác bị nhiễm virrus”.

Về phần mình, Giáo sư Abderrazak Bouamra đã cảnh báo về tỉ lệ hiện nhiễm virrus SARS-CoV-2 tăng cao trong môi trường bệnh viện chuyên nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của Viện Pasteur Algiers, 17,1% nhân viên điều dưỡng được xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại Bệnh viện Frantz Fanon ở Blida, địa phương có số lượng mắc COVID-19 cao nhất ở quốc gia Bắc Phi này.

Ngoài ra, các nhân viên y tế, bác sĩ đa khoa và dược sĩ có tỉ lệ nhiễm bệnh cao hơn nhữngnhân viên hành chính và các cơ quan khác.

Trong những tuần gần đây, Algeria đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch bệnh mới, đặc biệt nhiều bác sỹ và các nhân viên y tế khác đã nhiễm bệnh và tử vong, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc yêu cầu tất cả người dân tuân thủ các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp cần thiết.

Bộ trưởng Y tế Algeria Abderrahmane Benbouzid nhấn mạnh rằng người dân cần phải bảo vệ chính mình và các nhân viên y tế cũng như tránh gia tăng áp lực lên các nhân viên y tế và các bệnh viện bằng cách tuân thủ các biện pháp ngăn ngừa.

Hiện Algeria nằm trong top 3 các quốc gia châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất châu lục, chỉ sau Maroc và Nam Phi. Hiện Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cũng đã mắc COVID-19 và đang được điều trị tại Đức kể từ ngày 28/10.

Nhóm Otttawa thúc đẩy kế hoạch thương mại ứng phó với đại dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, Nhóm Ottawa - gồm Liên minh châu Âu (EU), Canada và 11 nước khác, ngày 23/11 đã nhất trí về các biện pháp đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn cầu để ứng phó với đại dịch COVID-19 và các đại dịch trong tương lai, trong đó có việc loại bỏ hạn chế xuất khẩu.

Nhóm Ottawa dự kiến sẽ trình các đề xuất của mình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào giữa tháng 12 với hy vọng 164 thành viên WTO sẽ tham gia ký kết trong năm 2021.

Nhóm Ottawa muốn các thành viên WTO cam kết gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế, trong bối cảnh khoảng 70 thành viên WTO vẫn đang áp dụng các hạn chế này, các quan chức EU cho biết.

Theo Nhóm Ottawa (không có sự góp mặt của Mỹ và Trung Quốc), các thành viên WTO nên thực hiện các bước để nới lỏng dòng chảy thương mại, chẳng hạn như hợp lý hóa thủ tục hải quan, và không áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa liên quan đến đại dịch.

Nhóm Ottawa cũng kêu gọi sự minh bạch hơn và bày tỏ tin tưởng rằng WTO, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) có thể hợp tác chặt chẽ hơn để sẵn sàng đối phó với các đại dịch trong tương lai.

Nhóm Ottawa nhất trí sẽ thúc đẩy đàm phán về thương mại điện tử và ngư nghiệp; duy trì thị trường thực phẩm chế biến cởi mở và có thể dự đoán được; đồng thời lưu ý về tầm quan trọng của việc thảo luận sâu hơn về sự ổn định của thương mại và môi trường tại WTO.

Ngoài EU và Canada, các thành viên khác của Nhóm Ottawa gồm Úc, Brazil, Chile, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Sĩ.

Ngày 23/11, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của châu Âu (EMA) thông báo có thể cấp phép cho một số ứng cử viên vắcxin ngừa COVID-19 vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021 sau khi đánh giá các loại tiềm năng nhất.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tiết lộ rằng cuối tháng 12 tới, EMA có thể "bật đèn xanh" cho 3 loại vắcxin ngừa COVID-19. Đây là các loại vắcxin do tập đoàn Pfizer (Mỹ) phối hợp với BioNTech (Đức), tập đoàn công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) và hãng dược phẩm liên doanh AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm.

Trong một thông báo qua thư điện tử, EMA nhấn mạnh: "Rất khó để dự đoán chính xác mốc thời gian để có thể cấp phép cho các loại vắcxin ở thời điểm hiện tại, do các dữ liệu vẫn đang được cập nhật và quá trình đánh giá đang diễn ra".

Theo thông báo trên, tùy thuộc vào quy trình đánh giá, EMA mới có thể đưa ra kết luận đánh giá cuối cùng cho các ứng viên vắcxin tiềm năng nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. EMA đang thực hiện đánh giá theo hình thức "cuốn chiếu" nhằm rút ngắn thời gian phê chuẩn đối với với 3 vắcxin tiềm năng nói trên.

Trước đó, ngày 8/11 vừa qua, Pfizer-BioNTech thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vắcxin ngừa COVID-19 do hai công ty này phát triển cho thấy hiệu quả đến 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Đúng một tuần sau, tập đoàn Moderna thông báo vắcxin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2, trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ trong vòng một tuần báo cáo kết quả thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 có hiệu quả cao hơn mức dự báo.

Ngày 23/11, hãng dược phẩm liên doanh AstraZeneca thông báo vắcxin ngừa bệnh COVID-19 do hãng phát triển cùng với Đại học Oxford (Anh) có thể đạt hiệu quả tới 90% chỉ với một liều sử dụng. Cùng với kế hoạch thông qua một số loại vắcxin tiềm năng, một số quốc gia châu Âu cũng đã công bố các chiến lược triển khai tiêm vắcxin cho một bộ phận lớn dân số ngay sau khi EMA thông qua.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249239/dich-benh-covid-19-van-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-tai-nhieu-quoc-gia.html