Dịch bệnh COVID-19: Châu Âu ghi nhận nhiều ca nhiễm mới

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ - Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers, tính đến 8 giờ 30 sáng 21/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 57.894.631 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 1.376.796 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 40.096.686 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 260.240 ca tử vong trong tổng số hơn 12,2 triệu ca nhiễm. Trong một tuần qua, ước tính Mỹ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới, tăng 26% so với tuần trước đó.

Tiếp đó là Ấn Độ với 132.764 ca tử vong trong số hơn 9 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 168.662 ca tử vong trong số hơn 6 triệu bệnh nhân.

Cơ quan Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) ngày 20/11 (theo giờ địa phương) đã lên kế hoạch cuộc họp của ủy ban cố vấn nhằm thảo luận đơn xin cấp phép ủy quyền khẩn cấp vắcxin ngừa COVID do tập đoàn Pfizer và BioNTech đệ trình. Theo đó, ủy ban này sẽ nhóm họp vào ngày 10/12.

Trước đó cùng ngày 20/11, các công ty trên đã nộp đơn xin cấp phép ủy quyền khẩn cấp cho loại ứng cử viên vắcxin được họ công bố là đạt hiệu quả 95%. Đây là loại vắcxin COVID đầu tiên tìm kiếm sự chấp thuận của FDA Mỹ. Pfizer và đối tác từ Đức, BioNTech cho biết một tuyên bố hôm 20/11 rằng ứng cử viên vắcxin của họ, được gọi là BNT162b2, sẽ có khả năng được sử dụng cho các nhóm dân số có nguy cơ cao ở Mỹ vào giữa đến cuối tháng 12. Việc đệ trình lên FDA dựa trên kết quả từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắcxin Pfizer, bắt đầu tại Mỹ từ ngày 27/7 và thu hút hơn 43.000 tình nguyện viên tham gia. Phân tích cuối cùng từ cuộc thử nghiệm cho thấy vắcxin này có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh, ngay cả ở người lớn tuổi và không gây ra lo ngại nghiêm trọng về an toàn.

Trong một diễn biến khác, Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 20/11 đã gia hạn các hạn chế đi lại trên biên giới phía bắc và nam đất nước đến ngày 21/12 trước tình hình dịch bệnh diễn biến tiêu cực hiện tại. Bộ này đã gia hạn các hạn chế đi lại trên các đường biên giới của Mỹ hàng tháng kể từ khi bắt đầu áp đặt vào cuối tháng 3 do dịch COVID-19.

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (15.575.960 ca), trong đó Ấn Độ đứng đầu. Với gần 15,3 triệu ca, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 14.361.980 ca và Nam Mỹ với 10.623.415 ca. Châu Phi (hơn 2 triệu ca) và châu Đại Dương (hơn 43.400 ca) là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Hiện dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu, trong đó các nước như Nga, Pháp, Đức và Anh đều ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 22.882 ca mắc mới và 1.138 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 2.109.170 ca và 48.265 ca.

Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết nước này có thể đã vượt qua được đỉnh dịch của đợt lây nhiễm thứ hai, nhưng cảnh báo chính phủ và người dân nên duy trì các biện pháp phòng dịch.

Trong khi đó, Đức có thêm 23.648 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 879.564 ca. Số ca tử vong cũng tăng 260 ca lên 13.630 ca. Anh cũng thông báo thêm 20.252 người dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.473.508 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 511 ca tử vong mới, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 54.286 ca.

Trong khi đó, Nga ghi nhận thêm 24.318 ca mắc, trong đó có 6.902 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.039.926 ca. Đây cũng là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 35.311 ca.

Tại Bồ Đào Nha, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa tuyên bố gia hạn lệnh "tình trạng khẩn cấp" cho tới ngày 8/12 tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ông cũng cảnh báo nguy cơ nước này phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba, có thể bùng phát từ giữa tháng 1 và tháng 2.

Tại Phần Lan, Thị trưởng thủ đô Helsinki Jan Vapaavuori thông báo sẽ cấm các cuộc hội họp công cộng từ 20 người trở lên tại vùng Helsinki nhằm đối phó với số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 23/11 tới.

Tại Trung Đông, số ca mắc COVID-19 tại Iran, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, đã tăng lên 828.377 ca, với 13.260 ca mắc mới. Hiện số ca tử vong tại Iran là 43.896 ca, tăng 479 ca trong 24 giờ qua.

Trong khi đó, Iraq ghi nhận thêm 2.543 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 531.769, trong đó có 11.883 ca tử vong. Bộ Y tế Iraq khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, vệ sinh tay và duy trì khoảng cách xã hội, cảnh báo nhiều ca mắc mới là những người đã bình phục trước đó.

Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp ở Maroc khi nước này ghi nhận thêm 4.760 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 316.260 ca, trong đó có 5.182 ca tử vong.

Cùng ngày 20/11, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa liên tiếp đã gây thiệt hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng triệu trẻ em ở Trung Đông và Bắc Phi.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, kết quả cuộc khảo sát đối với hơn 7.000 hộ gia đình với 13.000 trẻ em tại 7 quốc gia trong khu vực cho thấy hơn 90% số người được hỏi tin rằng đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến con cái của họ. Cuộc khảo sát của UNICEF được thực hiện tại Algeria, Ai Cập, Jordan, Maroc, Qatar, Syria và Tunisia trong thời gian từ tháng 4-7/2020.

Trong báo cáo công bố trùng Ngày Trẻ em thế giới (20/11), Giám đốc UNICEF khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Ted Chaiban cho biết “việc hạn chế đi lại và đóng cửa trường học đã có tác động nghiêm trọng đến thói quen hằng ngày, tương tác xã hội của trẻ và cuối cùng là sức khỏe tinh thần của chúng”.

Cuộc khảo sát của UNICEF cho thấy hơn 50% người được khảo sát cho rằng con cái họ gặp khó khăn về tinh thần và cảm xúc. Báo cáo cho biết lo lắng và căng thẳng đã gia tăng trong các gia đình bị hạn chế đi lại, làm tăng khả năng xảy ra bạo lực gia đình, trong đó phụ nữ và trẻ em thường là nạn nhân chính.

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng, hầu hết chính phủ các nước trong khu vực đã áp đặt lệnh đóng cửa trường học vào tháng 3/2020. Khi tình hình lây nhiễm giảm dần trong mùa hè, nhiều quốc gia đã cho phép trường học mở cửa trở lại vào mùa thu hoặc áp dụng hình thức học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Tuy nhiên, khi mùa đông đến gần, nhiều người lo ngại về đợt lây nhiễm COVID-19 thứ hai, có thể dẫn đến việc đóng cửa trường học trở lại. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy gần 40% số phụ huynh và người giám hộ bày tỏ quan ngại về việc giáo dục con cái của họ.

Nhiều người cho rằng học trực tuyến “không hiệu quả” vì thiếu nguồn lực, hạn chế truy cập Internet, thiếu sự hỗ trợ từ người lớn và ít có khả năng tiếp xúc trực tiếp với giáo viên. Báo cáo của UNICEF cũng đưa ra cảnh báo về những nguy cơ mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với sức khỏe thể chất của trẻ em trong khu vực.

Báo cáo cho biết có 9 triệu trẻ em đã bỏ lỡ các mũi tiêm chủng chống lại các bệnh truyền nhiễm cao, bao gồm bại liệt và sởi, do hạn chế về phương tiện đi lại, lo sợ lây nhiễm COVID-19 và các phòng khám y tế gần nơi ở bị đóng cửa.

Trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 bùng phát, các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh cần thận trọng hơn trong việc dỡ bỏ các hạn chế. Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 19/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói: "Chúng ta phải nhìn nhận những bài học trong quá khứ và thận trọng khi dỡ bỏ các hạn chế," đồng thời nhấn mạnh việc dỡ bỏ cần được tiến hành “dần từng bước một”.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Việc vội vàng dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã tác động xấu tới tình hình dịch tễ trong mùa hè và mùa thu. Chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất về cách tiếp cận từng bước và có sự phối hợp để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế”. Bà Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh điều quan trọng là phải tránh một làn sóng lây nhiễm mới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết chính phủ nước này có thể sẽ nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để cho phép các gia đình sum họp vào dịp Giáng sinh bởi hiện có những dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh ổn định nhờ các biện pháp phòng bệnh đang được áp dụng.

Ông Hancock cũng nói rằng ông đang làm việc với chính quyền các vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland để vạch ra các nguyên tắc phòng dịch trên toàn quốc trong dịp Giáng sinh. Lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt đang được áp đặt tại England trong hai tuần, đến ngày 2/12 tới, nhưng giới chức Anh không loại trừ khả năng sẽ gia hạn các biện pháp này.

Cùng ngày 20/11, chính quyền vùng Bắc Ireland của Anh cho biết các cửa hàng, quán rượu và nhà hàng tại đây sẽ tiếp tục đóng cửa trong hai tuần đến ngày 11/12 tới để cắt đứt chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các cơ sở kinh doanh này lẽ ra được phép mở cửa trở lại vào ngày 20/11 khi các biện pháp hạn chế được áp đặt tại khu vực này hết hiệu lực sau năm tuần. Các quán càphê, tiệm cắt tóc và thẩm mỹ viện cũng được phép nối lại hoạt động cùng ngày, song sẽ phải đóng cửa trở lại từ ngày 27/11 tới.

Bên cạnh đó, các cửa hàng bán lẻ mặt hàng không thiết yếu cũng sẽ tạm dừng hoạt động. Người dân được khuyến cáo nên ở nhà hoặc làm việc tại nhà nếu có thể. Trong khi đó, các trường học trên toàn Bắc Ireland sẽ vẫn mở lại theo kế hoạch đã được chính quyền Belfast nhất trí vào tối 19/11.

Từ tối 20/11, các khu vực phía Tây và Trung Scotland sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế có hiệu lực trong ba tuần đề phòng dịch. Theo đó, từ 18 giờ GMT cùng ngày (1 giờ giờ Việt Nam ngày 21/11), các cửa hàng không thiết yếu, khách sạn, phòng tập thể dục, thẩm mỹ viện, sẽ đóng cửa trong khi các trường học sẽ duy trì hoạt động.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249136/dich-benh-covid-19--chau-au-ghi-nhan-nhieu-ca-nhiem-moi.html