Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững

Ngày 14/12, tại Hà Nội, gần 1.000 đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật và hạ tầng tại Hà Nội 2023 (GEOTEC HANOI 2023) với chủ đề 'Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững'. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự, phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Sự kiện do Tập đoàn FECON phối hợp cùng Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE), Trường Đại học Thủy Lợi (TLU), Hội Địa kỹ thuật Nhật Bản (JGS) và Viện Dầu Khí Việt Nam (VPI) tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, chủ đề của Hội nghị về địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững mang yếu tố sống còn nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho cộng đồng, khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng nhận định, sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị này cho thấy nhận thức của cộng đồng ngày càng đúng đắn hơn về không gian sinh tồn an toàn cho người dân. Địa kỹ thuật có mặt trong mọi lĩnh vực cuộc sống, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Điều này đặt ra nhiều vấn đề mới đối với lĩnh vực an ninh và đặc biệt trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế.

TS. Marc Ballouz, Chủ tịch Hội cơ học đất thế giới phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, con người đang sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng với những tai biến địa chất ngày càng gia tăng, đe dọa đến đời sống, sinh kế của người dân ở rất nhiều nơi trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngành địa kỹ thuật đóng vai trò ngày càng quan trọng để giải bài toán an toàn cho cuộc sống hiện nay.

Phó Thủ tướng mong muốn, Hội nghị sẽ có những đóng góp, khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ trong xây dựng chính sách, chiến lược và các giải pháp để góp phần hoàn thành một trong các nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của Việt Nam, đó là phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, xanh và bền vững.

TS. Phùng Đức Long - Chủ tịch Hội cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam đồng Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban Khoa học của hội nghị phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tiến sỹ Phùng Đức Long, đồng Trưởng ban tổ chức, Trưởng ban khoa học, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn đang được xây dựng tại các đô thị lớn như: Các tuyến tàu điện ngầm, hệ thống thoát nước ngầm; các dự án về năng lượng gió và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng công suất điện gió ngoài khơi là 6 GW vào năm 2023 và 90 GW vào năm 2050. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn như thiên tai, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, số hóa và các mối đe dọa an ninh, những dự án cơ sở hạ tầng đang được quan tâm hơn nhằm giảm bớt ảnh hưởng của nước biển dâng, chống xói mòn bờ biển, bờ sông, bảo vệ khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này cũng đòi hỏi nỗ lực lớn của các kỹ sư địa kỹ thuật trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham quan triển lãm thiệu các sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, thi công xây dựng hạ tầng, dự án nền móng, công trình ngầm. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Theo Tiến sỹ Phùng Đức Long, phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ là vấn đề quốc gia mà còn là vấn đề khu vực và toàn cầu. Hội nghị là dịp các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, góp phần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia để xây dựng, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng với những nhu cầu và điều kiện thay đổi.

Gửi thông điệp tới Hội nghị, Tiến sỹ Marc Ballouz, Chủ tịch Hiệp hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình quốc tế cho rằng, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến việc phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà khoa học, chuyên gia là đề xuất giải pháp tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, ứng dụng công nghệ phù hợp để mỗi công trình đảm bảo 3 tiêu chí: An toàn bền vững, thân thiện môi trường và giá thành thấp nhất.

Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật và hạ tầng tại Hà Nội 2023 gồm 6 chuyên đề lớn: Móng sâu; thi công hầm và không gian ngầm; cải tạo nền đất yếu; mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; trượt lở và xói mòn; năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Hội nghị đón nhận bài giảng chuyên sâu từ các giáo sư hàng đầu thế giới: Giáo sư Alessandro Mandolini (Đại học Campania, Italy), Giáo sư Giulia M.B. Viggiani (Đại học Cambridge, Vương quốc Anh), Giáo sư Rainer Massarsch (Geo Risk & Vibration Scandinavia AB, Thụy Điển); Giáo sư Antonio Gens (Đại học Kỹ thuật Catalonia, Tây Ban Nha), Giáo sư Mitsu Okamura (Đại học Ehime, Phó Chủ tịch Hiệp hội Địa kỹ thuật Nhật Bản), Giáo sư Richard Jardine (Đại học Hoàng gia London, Vương quốc Anh).

Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ có thêm chủ đề “nóng” trong phát triển bền vững nhưng lại còn nhiều mới mẻ và thách thức với cộng đồng các nhà khoa học và cả xã hội, đó là năng lượng tái tạo - năng lượng gió ngoài khơi.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị, không gian triển lãm với 55 gian hàng đã được tổ chức để giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, thi công xây dựng hạ tầng, dự án nền móng, công trình ngầm.

Thu Phương - Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dia-ky-thuat-vi-su-phat-trien-ha-tang-ben-vung-20231214174612488.htm