Đi xa hơn nhờ chuỗi giá trị

Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về tư duy sản xuất, hướng tới đa giá trị, kinh tế tuần hoàn. Để khởi hành 'chuyến tàu' này, mỗi ngành hàng không thể không phát triển các chuỗi giá trị. Trong đó, chính sách hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của các thành phần trong chuỗi rất quan trọng.

Liên kết sẽ giúp mỗi ngành thay đổi thực trạng mạnh ai nấy làm, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của sản phẩm, đồng thời thu được nhiều giá trị và phát triển thị trường một cách bền vững.

Liên kết lỏng lẻo, mất lợi thế ngay sân nhà

Tuy vậy, việc đơn lẻ, mạnh ai nấy làm đang là thực trạng chung với nhiều ngành hàng. Đơn cử, sầu riêng là ngành hàng trái cây tỷ USD nhưng kèm theo đó bộc lộ nhiều khó khăn. Chia sẻ với VnBusiness, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy – Tiền Giang), cho hay giá sầu riêng cao nông dân hưởng lợi nhưng đối với thương lái, HTX, DN gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu mua và cạnh tranh.

Tạo dựng chuỗi giá trị sẽ giúp ngành hàng sầu riêng thu thêm nhiều giá trị, phát triển bền vững hơn.

Thực tế, nhiều thương lái, DN Trung Quốc với lợi thế về vốn, am hiểu thị trường đã sang các vựa sầu riêng Việt Nam “mua tận gốc, bán tận ngọn” khiến các HTX, DN của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

“Nông dân ai đặt cọc tiền nhiều, mua giá cao thì người ta bán. Ví dụ, họ có 10 tấn mà tôi chỉ đặt cọc 5 triệu thì tất nhiên họ sẽ bán cho thương lái Trung Quốc đặt cọc tới 500 triệu đồng”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, mỗi tháng, HTX túc tắc mua từ 5-10 container tùy từng thời điểm. “Mấy hôm nay tôi không làm vì đầu chuỗi không có lời nên họ không mặn mà mua”, vị Giám đốc HTX cho biết.

Hay với ngành hàng lúa gạo, thời gian qua, giá cao xuất khẩu lập đỉnh nhưng với nhiều DN Việt Nam câu chuyện lời – lỗ là vấn đề khá đau đầu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2023 ghi nhận kết quả xuất khẩu gạo ở mức cao nhất từ trước đến nay với giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao.

Tuy nhiên, hiệu quả xuất khẩu lại khá hạn chế do hầu hết các thương nhân đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động, gây ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của DN. Với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107 cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, cung – cầu về chủng loại lúa, gạo sản xuất vụ Đông Xuân 2022/20123 trên địa bàn các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long không cân đối, làm hạn chế công tác thu mua và xuất khẩu của cộng đồng DN. Chi phí vận chuyển và sản xuất cũng gia tăng do giá nhiên liệu biến động mạnh.

Không chỉ nông nghiệp, sự thiếu gắn kết giữa các thành tố trong chuỗi giá trị diễn ra với nhiều ngành khác khác. Việt Nam, với vai trò là mắt xích mới của châu Á, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu. Với ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực đã và đang được nhắc tới nhiều trong thời gian qua, nhưng nhiều người cũng lo ngại khi khối nội có đủ sức chen chân vào chuỗi cung ứng hay vẫn giống ngành điện tử.

Muốn đi xa thì đi cùng nhau

Thực tế, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã hình thành và trải qua một thời kỳ phát triển dài hơn 40 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp thiết bị với linh kiện và các vi mạch chính đều được mua của nước ngoài. Phương thức hoạt động này làm cho các sản phẩm điện tử ở Việt Nam có giá trị gia tăng rất thấp, khó cạnh tranh với các sản phẩm điện tử được sản xuất ở nước ngoài và nền công nghiệp điện tử đã phát triển rất chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế đất nước.

Trong khi đó, các DN đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào hoạt động gia công để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, chứ chưa có dấu hiệu đầu tư vào công nghệ nguồn, cụ thể là công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn.

“Không làm chủ được công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn, Việt Nam không thể tạo ra được các sản phẩm điện tử có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn, và càng không thể tạo ra các sản phẩm mới có tính chất đột phá về mặt công nghệ sử dụng cho các mục đích khác nhau và đặc biệt là cho an ninh quốc phòng”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đánh giá.

Để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà cả các DN cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững tạo ra những giá trị mới. Trong đó, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách khuyến khích đẩy mạnh hợp tác giữa DN và viện nghiên cứu, đại học; kết nối giữa người mua và bán, sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và thực hiện cơ chế thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó nói về liên kết tạo thành chuỗi giá trị nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tới câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết. Vừa qua, chúng ta đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật HTX sửa đổi. Quốc hội ban hành các luật, Chính phủ ban hành các nghị định, các bộ ban hành các thông tư để tạo hành lang pháp lý cho nông dân liên kết, hình thành, phát triển các HTX.

Ngoài Trung ương, các địa phương cũng phải tham gia cùng người nông dân thành lập các HTX với sản phẩm phù hợp, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cùng nhau phát triển thương hiệu của vùng, địa phương… Người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó các HTX cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tiến hành xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại…

Ông Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Có ai nghĩ rằng, trồng lúa không chỉ bán thóc, gạo, rơm rạ mà còn bán được tín chỉ carbon; có ai nghĩ rằng, nhiều nơi đang bán hệ sinh thái nông thôn để làm du lịch. Người tiêu dùng thế giới không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cả cách tạo ra sản phẩm đó. Do vậy, dư địa cho phát triển HTX trong chuỗi giá trị còn rất lớn. HTX không phải phép cộng của các thành viên mà là cấp số nhân tạo ra sức sống mới cho nông thôn, hay nói cách khác phát triển kinh tế nông thôn dựa trên phát triển HTX.

Ông Võ Quan Huy

Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An

Thực tế, liên kết giữa nông dân và DN vẫn còn có sự không thấu hiểu. Qua quá trình liên kết thực tế, tôi thấy rằng người nông dân muốn lời nhiều, nhưng với DN nếu mua giá cao lại sợ lỗ. Đôi khi mua, DN phải phân loại hàng hóa nhưng điều này ảnh hưởng tới giá, lợi nhuận thấp hơn nên dẫn đến xung đột lợi ích giữa nông dân và DN. Để giải quyết xung đột này, DN và nông dân cần ngồi lại với nhau, cùng mục tiêu, thấu hiểu và giải đáp thắc mắc cùng nhau. Đây là câu chuyện đường dài, cần phải ngồi với nhau thường xuyên hơn để thấu hiểu.

GS. TS. Nguyễn Mại

Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài

Việt Nam cần có chính sách kết nối tốt hơn DN trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng trong nước, với tư cách không chỉ chuỗi giá trị thấp mà tham gia vào chuỗi giá trị cao. Muốn như vậy thì Việt Nam phải bồi dưỡng nguồn lực trong nước, chú trọng chính sách hỗ trợ DN trong nước phát triển. Có chính sách riêng với tập đoàn lớn nhưng đồng thời có chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo với DN vừa và nhỏ.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/di-xa-hon-nho-chuoi-gia-tri-1099203.html