Di tích quốc gia kêu cứu

Từ năm 2018, đình làng Phú Lương, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã có quyết định trùng tu, tôn tạo. Điều đáng nói, sau khi người dân làm lễ di thần, nhà thầu chỉ dựng lán tôn rồi để đó. UBND xã Quảng Phú Cầu cũng như các cơ quan chuyên môn của huyện Ứng Hòa cũng chưa có phương án giải quyết, mặc cho ngôi đình xuống cấp ngày càng trầm trọng.

Kỳ quan Kiến trúc và Di sản Văn hóa

Vùng Ứng Hòa nổi tiếng với một công trình văn hóa cổ truyền độc đáo - Đình Phú Lương, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp thuộc thời kỳ Nguyễn. Nó được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, vững chãi và sự phong phú của trang thiết bên trong. Với những giá trị này, vào ngày 18/5/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin đã trao tặng bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cho Đình làng Phú Lương.

Đình Phú Lương nằm ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Đình thờ phúc thần Bạch Lợi, một vị tướng xuất sắc dưới thời vua Hùng Vương thứ 18. Một cuốn thần phả cổ từ năm 1674, được Nguyễn Bính và các nhà hàn lâm phụng soạn, được lưu trữ tại đình. Cuốn thần phả này đã được phụng sao vào các năm 1755 và 1852, thể hiện lòng tôn kính và trách nhiệm của người dân đối với vị thần của làng.

Bạch Lợi là người đã dẫn đầu công cuộc tập hợp người dân làm thủy lợi và khai phá vùng đất đồng lầy ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa ngày nay. Ông đã xây dựng các đồn binh để chống lại sự xâm lược của giặc ngoại xâm và giúp người dân trong làng có cuộc sống ổn định. Vì những đóng góp lớn đó, sau khi ông qua đời, người dân đã xây dựng đình thờ và tôn ông làm vị thần phù trợ cho làng. Hiện nay, đình Phú Lương vẫn giữ được 7 đạo sắc phong từ các triều đại phong kiến Việt Nam, đều ghi nhận công lao của vị thần Bạch Lợi.

Đình có diện tích 1408 m2 và nằm trong một vị trí địa lý tuyệt vời. Phía trước là một con lạch, với nước chảy suốt cả năm. Một con sông mới được khai thông, tạo nên cảnh quan hữu tình, khiến tòa đình cổ kính lên một cách tuyệt vời. Để đến thăm di tích này, du khách phải đi qua một chiếc cầu nhỏ, trên con đường uốn cong như rồng rắn. Xung quanh đình là những cây cổ thụ và tường bao quanh, tạo nên một không gian kín đáo nhưng cũng rộng rãi và thoáng đãng.

Trước cửa đình là một sân gạch và vườn cảnh rộng mở, từ từ dẫn xuống bên bờ nước sông. Đình hướng về phía Tây và hướng Nam, với mặt bằng kiến trúc được xây dựng theo hình chữ "Đinh". Bên ngoài có 5 gian đại bái và bên trong có 3 gian hậu cung. Cấu trúc kiến trúc của đình Phú Lương tuân theo kiểu chồng rường, sử dụng gỗ, chiêng và xà nách, kết hợp với kẻ bẩy hậu và hiên. Đây là một phong cách kiến trúc phổ biến trong thời kỳ Nguyễn. Tòa đại bái có 5 vị trí cột, với 3 hàng cột. Mỗi hàng có 6 cột, trong đó có 4 cột chính có đường kính khoảng 40 cm. Cột trên được đặt trên khúc gỗ vuông, và dưới cột là bệ tảng đá xanh hình tròn. Hệ thống cột này kết hợp với xà dọc để tạo ra khung kiến trúc đình. Đây là những đặc điểm cơ bản của kiến trúc truyền thống trong thời kỳ Nguyễn.

Trong hậu cung, có các tảng đá hình trống đồng, với thắt cổ hồng, và thân bệ được trang trí với hoa văn xen kẽ gạch, tạo nên sự vững chắc và duyên dáng. Trên các tượng thờ cúng, có các tác phẩm điêu khắc tinh xảo, bao gồm ngai thờ bài vị, kiệu bát cống, khám thờ, hạc gỗ, án gian, giá văn và sập thờ. Những tác phẩm này được chạm khắc tỉ mỉ, đầy tinh tế. Trên các đồ thờ, mô típ Tứ linh được trang trí rực rỡ. Các con rồng cũng là điểm chung trên các tượng thờ, có đầu to, dáng gồ ghề, bờm tóc xoáy, sừng và mắt lớn sáng quắc. Mọi hiện vật đều được phủ lớp sơn vàng rực rỡ, tạo nên sự lộng lẫy và tráng lệ. Đây là những đặc điểm nghệ thuật điêu khắc đặc trưng trong thời kỳ Nguyễn.

Trong suốt hàng trăm năm, đình Phú Lương đã trở thành nơi hội tụ của chính quyền và cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa. Nó là nơi gặp gỡ, hội họp của các tổ chức, hợp tác xã và cư dân. Hằng năm, đình cũng tổ chức các lễ hội truyền thống của làng, thu hút đông đảo người tham gia. Các lễ hội diễn ra với tinh thần vui tươi, lành mạnh và khuyến khích mọi người theo đuổi truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Đình Phú Lương là một biểu tượng của sự lao động và xây dựng, tạo nên một quê hương giàu đẹp và thịnh vượng.

Truyền thống và kiến trúc độc đáo của Đình Phú Lương là một phần quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam. Nó không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp mắt, mà còn đại diện cho một phần lịch sử và những giá trị văn hóa của xã hội. Việc bảo tồn và bảo vệ đình làng Phú Lương rất quan trọng để tiếp tục truyền bá và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ.mai sau.

Hãy cứu lấy ngôi đình vôgiá

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ bất kỳ lúc nào, nhân dân đã phải chằng chống nhiều cột thép, gỗ, phòng nguy hiểm xảy ra. Năm 2018, UBND xã Quảng Phú Cầu đã chọn được nhà thầu và ngày 21/12/2018 tiến hành ký hợp đồng thi công xây dựng số 20/2018/HĐ-XDCB với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoàng Hà. Dân làng đã di chuyển toàn bộ vật dụng, đồ thờ sang Miếu để tạm và mong ngày công trình tu bổ được hoàn thiện. Cụ Nguyễn Hữu Nam, từng là thủ từ, chia sẻ: “Thế nhưng càng mong thì càng xa. Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp, nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa. Bây giờ, ngói thi thoảng đã rơi xuống, phần dui đã mọt nhiều, mái đình có thể sập xuống bất cứ lúc nào”.

Theo tìm hiểu, nhân dân thôn Phú Lương Hạ, Phú Lương Thượng đã đóng góp số tiền 300 triệu đồng, UBND huyện Ứng Hòa cấp hơn 1,4 tỷ đồng, Cục Di sản văn hóa cấp 600 triệu đồng, kinh phí thu hồi đất cụm công nghiệp Cầu Bầu hơn 1,2 tỷ đồng. Cụ Nguyễn Hữu Quang chia sẻ: “Đình làng rất thiêng và ở vị trí đẹp. Nhìn vào các họa tiết, cột, kèo đang bị mối mọt đục, hễ mưa là dột, nước lênh láng mà xót xa. 5 năm, nhân dân chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lên các cấp, qua các cuộc tiếp xúc cử tri với thành phố. Chúng tôi đề nghị UBND xã Quảng Phú Cầu trả lời nhân dân bằng văn bản, UBND xã có còn làm được hay không, nếu làm thì thời gian nào? Số kinh phí đã có hiện ở đâu, nếu đình bị sập thì trách nhiệm về ai? Đề nghị UBND xã tổ chức hội nghị gặp mặt nhân dân làng Phú Lương (thời gian sớm nhất) để giải trình mọi việc cho nhân dân hiểu. Nếu không giải quyết được, chúng tôi sẽ cử đoàn đại diện lên cấp có thẩm quyền trình bày nguyện, xin trả lại bằng xếp hạng, để nhân dân tự tôn tạo đình làng. Đó là việc cực chẳng đã, nhưng người dân không còn cách nào khác”.

Cụ Lê Quý Vượng (88 tuổi), chia sẻ: “Chúng tôi tự hào vì có ngôi đình đẹp, đã được quan tâm xếp hạng. Nhưng xếp hạng rồi thì không quan tâm nữa là sao? Trước đây, huyện đã giao cho xã làm chủ đầu tư, nhưng mới đây lại giao cho huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư, vì sao có sự thay đổi này?”.

Hãy cứu lấy di tích, vì những cột gỗ lim hàng trăm năm này đang bị mối mọt nặng

Vẫn chưa hết loay hoay

Mang những câu hỏi của người dân lên gặp cán bộ UBND xã Quảng Phú Cầu, chúng tôi được ông Nguyễn Thế Hưng, cán bộ xây dựng xã, cho biết nguyên nhân của việc chậm tu bổ đình Phú Lương là do từ năm 2018 các văn bản, thủ tục chấp thuận cho tu bổ di tích còn thiếu. Đến cuối năm 2022 mới tạm lo thủ tục, nhưng quay lại xem bản hợp đồng với công xây dựng với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoàng Hà, thì hợp đồng này đã hết hạn. Theo hợp đồng, việc tu bổ phải hoàn thiện trong 210 ngày, tức là cuối năm 2019 phải xong. Chúng tôi cũng nhiều lần mời công ty này đến làm việc, nhưng họ không hồi âm.

Như vậy, hợp đồng thi công xây dựng số 20/2018/HĐ-XDCB giữa UBND xã Quảng Phú Cầu với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoàng Hà đã được ký khi chưa có đầy đủ giấy tờ, thủ tục của các cơ quan chuyên môn.

Trước câu hỏi, vì sao người dân đề nghị họp với lãnh đạo xã để có thống nhất, nhưng UBND xã Quảng Phú Cầu đã không họp dân? Ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, cho biết: UBND xã đã phân công một đồng chí Phó chủ tịch UBND xã nắm rõ, lắng nghe ý kiến của người dân. UBND xã cũng đã thực hiện báo cáo về huyện những khó khăn cũng như những bế tắc trong khi đơn vị ký hợp đồng thi công không hợp tác.

Sau nhiều lời hứa, đến nay việc tu sửa vẫn giậm chân tại chỗ

Tuy nhiên, phía người dân cho biết hơn một năm qua, chính quyền xã Quảng Phú Cầu không cho lấy ý kiến người dân, mà phải đến ngày 9/5/2023, khi có lịch phóng viên về làm việc, UBND xã Quảng Phú Cầu mới có giấy mời Bí thư, trưởng thôn Phú Lương Thượng và Phú Lương Hạ và một số đơn vị đến họp, về Hợp đồng thi công xây dựng với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoàng Hà, ký từ ngày 21/12/2018. Và Phòng Tài chính-Kế hoặc Ứng Hòa đã không về làm việc.

Rõ ràng, sự việc đã xảy ra từ cuốn năm 2018, không thể nói là UBND xã Quảng Phú Cầu - được giao là chủ đầu tư không nắm được thời hạn của hợp đồng. Hợp đồng xây dựng có hiệu lực sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa bên giao thầu và bên nhận thầu thi công xây dựng. Các cam kết theo hợp đồng có sự rõ ràng buộc pháp lý đối với mỗi bên, quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng luôn được đặt ra và yêu cầu các bên phải tuân thủ. Lẽ ra, UBND xã Quảng Phú Cầu phải trách nhiệm hơn trong đốc thúc, kiểm gia rõ thời gian cũng như các cam kết trong hợp đồng để có báo cáo cụ thể với các cơ quan chức năng.

Theo Quyết định số 534/QĐ-BT ngày 11/5/1993 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về xếp hạng di tích quốc gia, đã giao đình Phú Lương cho UBND huyện Ứng Hòa quản lý trực tiếp. Nếu để xuống cấp, sập đình, trách nhiệm sẽ thuộc về cấp huyện. Ngày 11/11/2021, UBND huyện Ứng Hòa đã có Tờ trình số 145/TTr-UBND, Về việc thẩm định Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phú Lương, gửi Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội; Ban Quản lý di tích danh thắng TP Hà Nội. UBND huyện Ứng Hòa nêu: Tu bổ, tôn tạo trên nguyên tắc giữ nguyên quy mô vốn có của các hạng mục di tích gốc. Bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ còn khả năng sử dụng. Loại bỏ các cấu kiện hư hỏng nặng không còn khả năng sử dụng do mối mọt, thay thế bằng các cấu kiện mới gia công đã qua xử lý mối mọt. Hình dáng và họa tiết hoa văn trang trí trên các cấu kiện phục chế phải đúng với cấu kiện nguyên gốc. Bổ sung các cấu kiện phù hợp với kiến trúc cổ truyền và yếu tố gốc của di tích.

Người dân mong được sớm tu sửa đình làng

Ông Phạm Anh Tuấn, khi đó là Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, cũng đã nêu hiện trạng di tích xuống cấp, mục tiêu dự án, đề xuất thiết kế phục hồi di tích; dự toán kinh phí; thời gian thực hiện là năm 2021-2022. Thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể thực hiện.

Làm việc với chúng tôi, ngày 16/5/2023, ông Nguyễn Văn Đăng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa, cho biết: Phòng Văn hóa và Thông tin là đơn vị tham mưu, giúp việc cho UBND huyện Ứng Hòa. Trước đây dự án là tu bổ đại bái và hậu cung đình Phú Lương. Hiện tại đình phải tu bổ toàn bộ, nguồn kinh phí không đủ. Nên chúng tôi đã đề xuất UBND huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư, theo “Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, trong đó có việc tu bổ tôn tạo di tích.

Ông Nguyễn Văn Đăng, nhấn mạnh: “Nguyện vọng của người dân mong mỏi ngôi đình được tu bổ là chính đáng. Chúng tôi mong người dân kiên nhẫn, chờ đợi. Mong UBND TP Hà Nội quan tâm hơn nữa đến huyện Ứng Hòa, nơi có nhiều di tích đang xuống cấp”. Còn bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng thôn Phú Thượng Hạ, kiến nghị: “Chúng tôi mong có đội ngũ người có chuyên môn nhập cuộc, tu bổ mau chóng ngôi đình, là di sản văn hóa của quốc gia”.

Diên Khánh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/di-tich-quoc-gia-keu-cuu-a18912.html