Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cái Chanh - nơi lưu giữ trang sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc

Căn cứ Cái Chanh (Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu) nằm trên địa bàn xóm Cái Chanh nhỏ, ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Từ trung tâm tỉnh Bạc Liêu theo Quốc lộ 1 về hướng Cà Mau khoảng 6km, qua cầu Dần Xây rẽ phải, theo lộ Cầu Sập đi Ngan Dừa khoảng 40km, đến trung tâm huyện Hồng Dân, theo đường giao thông nông thôn liên xã Lộc Ninh, Ninh Thạnh Lợi (khoảng 18km) là đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cái Chanh.

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh cho tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh cho tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Căn cứ Cái Chanh (Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu) nằm trên địa bàn xóm Cái Chanh nhỏ, ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, góp phần phát huy giá trị lịch sử của di tích, nâng cao nhu cầu tham quan, về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Đây cũng là nhiệm vụ của ngành Du lịch tỉnh Bạc Liêu trong những năm tới với việc đưa các di tích lịch sử - văn hóa vào phục vụ chiến lược phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trang sử đấu tranh vẻ vang

Trong nửa đầu của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ngày càng ác liệt, cách mạng Việt Nam nói chung, tại Nam Bộ và Bạc Liêu nói riêng đặt ra những yêu cầu ngày càng lớn, đòi hỏi từng vùng, từng khu vực, từng địa bàn phải có những cơ sở, căn cứ cách mạng bí mật và vững chắc để đảm bảo an toàn cho các cơ quan của Đảng, nhất là các đồng chí lãnh đạo để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân thù. Xuất phát từ yêu cầu đó, khu Cái Chanh, thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân đã được chọn làm Khu căn cứ cách mạng lúc bấy giờ.

Căn cứ Cái Chanh (tên gọi khác là Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu) nằm trên địa bàn xóm Cái Chanh nhỏ, ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Căn cứ Cái Chanh (tên gọi khác là Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu) nằm trên địa bàn xóm Cái Chanh nhỏ, ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Từ khi được chọn, Khu căn cứ Cái Chanh đã trở thành căn cứ địa vững chắc của nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng. Từ năm 1949 đến năm 1952, nơi đây là căn cứ đóng của một số cơ quan thuộc Xứ ủy Nam bộ; là địa bàn hoạt động của một số đồng chí lãnh đạo Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam như đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam bộ cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thượng Vũ, Nguyễn Văn Nguyễn…

Từ năm 1950 - 1954, đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ cũng đã chọn nơi đây làm nơi đứng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Có thể nói, từ khi được chọn làm Khu căn cứ cho đến khi kháng chiến giành thắng lợi hoàn toàn, Khu căn cứ Cái Chanh đã làm tròn vai trò, sứ mệnh lịch sử quan trọng của mình, chở che, nuôi dưỡng và phát triển lực lượng cách mạng, là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu.

Là một trong những địa bàn trọng điểm của khu Tây Nam Bộ, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu đã vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, góp phần cùng với quân, dân cả nước đấu tranh, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch. Và ngày 30/4/1975, bằng sự mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, Ban Chỉ huy tổng công kích của tỉnh Bạc Liêu đã kết hợp sáng tạo giữa đấu tranh chính trị, binh vận với việc điều lực lượng vũ trang áp sát thị xã tỉnh lỵ để tạo sức ép về quân sự; đồng thời, tổ chức đấu tranh tâm lý, thuyết phục, vận động, chính quyền Ngụy từ bỏ ý định tử thủ, tự nguyện buông súng đầu hàng, “bàn giao chính quyền” vô điều kiện cho cách mạng, mà không phải đổ máu.

Từ ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 26/1/2011, Khu căn cứ Cái Chanh, huyện Hồng Dân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và gần 10 năm sau, ngày 31/12/2020, Khu căn cứ này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Bảo tồn và phát huy

Di tích lịch sử Quốc gia đặc Biệt Cái Chanh nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Di tích lịch sử Quốc gia đặc Biệt Cái Chanh nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Để bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích lịch sử Khu căn cứ Cái Chanh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định tái hiện và tôn tạo di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu trên diện tích gần 40.000m2. Công trình được khánh thành vào thời điểm chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2015).

Công trình được phục dựng, tái hiện gồm các hạng mục: nhà bia giới thiệu di tích, nhà trưng bày về quá trình trú đóng và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ, Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ngoài ra còn có các công trình được phục dựng và lưu giữ như: Nhà ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ; nhà Hội trường của Tỉnh ủy và hầm chữ L; nhà ở và làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; bếp ăn tập thể; nhà ở và làm việc của bộ phận Y tế và Văn thư, bộ phận Thông tin (điện đài), cán bộ Cơ yếu; nhà Trung đội phòng thủ...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đồng thời, xây dựng Quy hoạch di tích nhằm kịp thời xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích nhằm phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt.

Cùng với đó, tỉnh chủ động tham quan học hỏi mô hình tổ chức quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại một số các tỉnh, thành trong khu vực, làm cơ sở đề xuất phương án thành lập bộ máy tổ chức quản lý di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh đạt hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm thêm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật để bổ sung, mở rộng và từng bước hoàn chỉnh nội dung trưng bày và phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, học tập của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, kết nối tour - tuyến để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

Một số vật dụng được phục dựng, trưng bày tại Di tích lịch sử quốc gia đặc Biệt Cái Chanh. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Một số vật dụng được phục dựng, trưng bày tại Di tích lịch sử quốc gia đặc Biệt Cái Chanh. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang và đoàn thể các cấp trong tỉnh thường xuyên có kế hoạch tổ chức về nguồn, thăm di tích, gặp gỡ nhân chứng để tìm hiểu lịch sử, tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên và làm công tác xã hội… để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; chăm lo, giúp đỡ người dân trong vùng căn cứ, đặt biệt là những gia đình có công với nước, nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Các cấp chính quyền huyện Hồng Dân, xã Ninh Thạnh Lợi quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, gia đình có công nuôi chứa các đồng chí lãnh đạo thời kỳ chiến tranh trong vùng căn cứ Cái Chanh, nhất là các gia đình còn nhiều khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức cho học sinh đến tham quan di tích để hiểu biết thêm về lịch sử, về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương; đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Nhật Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/di-tich-lich-su-quoc-gia-dac-biet-cai-chanh-noi-luu-giu-trang-su-dau-tranh-ve-vang-cua-dan-toc-20210430155012927.htm