Di tích chiến thắng Chư Nghé (Gia Lai): Đúng nhưng chưa đủ! (Kỳ 2): Đánh Chư Nghé để 'nước sông Pô Cô chảy ngược, con cóc mọc râu!'

Với tuyên bố ngông cuồng của phía bên kia về cứ điểm Chư Nghé thì D631 anh hùng của chúng tôi đã làm cho 'nước sông Pô Cô chảy ngược và con cóc mọc râu' từ tháng 9/1972 bằng một trận đánh vô cùng xuất sắc, mẫu mực D tiêu diệt D địch trong công sự vững chắc!

Một số cựu chiến binh Tiểu đoàn 631 anh hùng trong trận đánh Chư Nghé năm 1972.

Tôi xin mượn sapo bài báo “Chư Nghé - Nửa thế kỷ hào hùng” của đồng nghiệp trên một tờ báo điện tử đăng ngày 25/9/2023 khi huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Chư Nghé (22/9/1973-22/9/2023). Đồng nghiệp viết: Bố trí hết sức kiên cố, có hỏa lực mạnh với hệ thống lô cốt, hầm hào, công sự vững chắc Tiểu đoàn (D) 80 Biệt động quân (Quân đoàn 2 ngụy) từng tự tin tuyên bố về cứ điểm biên phòng Chư Nghé “khi nào nước sông Pô Cô chảy ngược, con cóc mọc râu thì Chư Nghé mới thất thủ”. Với tuyên bố ngông cuồng của phía bên kia về cứ điểm Chư Nghé thì D631 anh hùng của chúng tôi đã làm cho “nước sông Pô Cô chảy ngược và con cóc mọc râu” từ tháng 9/1972 bằng một trận đánh vô cùng xuất sắc, mẫu mực D tiêu diệt D địch trong công sự vững chắc! Xin trở lại thời điểm năm 1972 ở huyện 4 Gia Lai...

Ngày 19/5/1972, D631 được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, nhưng là D mũi nhọn liên tục tác chiến nên cuối tháng 7/1972, đơn vị mới trở về hậu cứ và chuẩn bị cho buổi lễ đón nhận danh hiệu cao quý này. Đúng thời điểm này hơn 100 tân binh của huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vừa được bổ sung (đợt 1) cho D631. Tất cả tân binh quê huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa được biên chế về tất cả các đại đội, trung đội trực thuộc của 631. Cánh lính trẻ vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường đâu ngờ lại được đứng trong đội hình của một đơn vị lừng danh trên chiến trường Tây Nguyên.

Ngay trong ngày đón danh hiệu anh hùng, cánh lính nói chung, tân binh Nông Cống nói riêng có biết tí gì về công việc của các thủ trưởng D đâu. Sau này mới biết, chỉ sau ngày đón danh hiệu anh hùng, D631 đã nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh B3 gấp rút triển khai ngay phương án đánh cứ điểm Chư Nghé. Thế là, ngay lập tức lính trinh sát D bắt đầu đi trinh sát nắm tình hình. Cứ điểm Chư Nghé do D62 biệt động quân (VNCH) chốt giữ được bố phòng rất cẩn mật. Chư Nghé là cứ điểm kiên cố, chia làm 2 khu. Khu đồi A cao, đồi B thấp được bao quanh 9 lớp hàng rào kẽm gai dài 600 m và rộng 400 m hình củ lạc, có hầm ngầm kiên cố. Tổng quân số của D62 biệt động có 420 lính, 4 khẩu pháo 105 ly, 1 trung đội cối 81 ly cùng một số gia đình vợ con sĩ quan địch. Qua thời gian trinh sát theo dõi quy luật hoạt động của địch, thường ban ngày lính ra quanh đồn đi lùng sục với bán kính 5-10 km chia thành nhiều tổ sục xuống ấp, tổ chốt đường 5A, tổ lùng sục về ngã 3 Lệ Thanh. Tối đến chúng để lại 2 đến 3 tổ phục bên ngoài, còn lại rút về căn cứ.

Sơ đồ tác chiến Chư Nghé, đại tá Lê Văn Chương cung cấp.

Qua 10 ngày trinh sát, điều tra nắm chắc tình hình, ban chỉ huy D631 lên sa bàn, lập trận địa giả tương tự và luyện tập thuần thục cách đánh rồi hạ quyết tâm đánh chắc thắng với cách đánh đặc công nhưng đánh chắc, tiến chắc và hạn chế tối đa thương vong. Cụ thể: Đại đội 9 và đại đội 11 đột phá hướng Đông Bắc, đại đội 10 hướng Tây, đại đội 12 pháo cối ở giữa sau đội hình, đại đội 3 đặc công đảm nhận nhiệm vụ đánh mật tập táo bạo theo từng trung đội. Đánh đến đâu phải giữ và bám trụ đến đó. Vừa nghi binh, vừa tiếp thêm lực lượng để đêm thứ nhất nếu tấn công chưa dứt điểm thì đánh tiếp. Lực lượng D631 đánh Chư Nghé ban chỉ huy gồm: D trưởng Đại úy D trưởng Hà Xuân Bính, chính trị viên D Đại úy Nguyễn Ngọc Xuân, 2D phó là Thượng úy Trần Tất Thanh và Trung úy Lê Văn Chương, Chính trị viên phó D Trung úy Nguyễn Văn Thìn. Các đại đội tham gia đánh chiếm gồm đại đội 3 đặc công, các đại đội bộ binh: 9,10,11 và đại đội 12 hỏa lực. Các trung đội trực thuộc: trinh sát, thông tin, vận tải, đội phẫu... (Xin nói thêm một chút, đến hôm nay trong số 5 chỉ huy D631 đánh Chư Nghé năm 1972 hiện còn 2 chỉ huy là Đại tá Lê Văn Chương, nguyên D phó và Trung tá Nguyễn Văn Thìn, nguyên chính trị viên phó D còn sống đã ngoài 80 tuổi... 3 chỉ huy còn lại đều là cán bộ cao cấp của quân đội thì 2 chỉ huy đã quá cố. Riêng Thượng úy Trần Tất Thanh, nguyên D phó sau này là trung tướng, nguyên Tư lệnh QK 2, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 hy sinh tại Lào năm 1998 trong một chuyến công tác).

Trung tá Nguyễn Văn Thìn, nguyên trung úy, chính trị viên phó tiểu đoàn trong trận đánh Chư Nghé năm 1972.

Trở lại với trận đánh Chư Nghé, tối 31/8/1972, toàn bộ D631 hình thành các mũi tiến theo các phương án. Các bộ phận đào công sự, cắt hàng rào kẽm gai, đặt mìn DH 20 cùng tác nghiệp một lúc. Tất cả các mũi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo bí mật chỉ còn đợi lệnh nổ súng. Đúng 11 giờ đêm 31/8/1972, các mũi tiến công dùng mìn, bộc phá thổi bay 9 lớp hàng rào kẽm gai mở lối cho các đại đội bộ binh 9, 10, 11 vượt qua cửa mở tỏa ra các hướng trong cứ điểm Chư Nghé tiến công địch. Trận đánh vô cùng ác liệt, toàn bộ khu vực Chư Nghé pháo sáng khắp vùng, tiếng bom, đạn rền vang, ta và địch giành giật từng đoạn chiến hào, lô cốt, nhất là khu vực hầm ngầm (chiều dài 10m, ngang 5m, nắp hầm bằng ngang với mặt đất dày 1m) nơi đặt chỉ huy sở của D62 biệt động.

4 giờ sáng ngày 2/9/1972, bộ đội 631 đã làm chủ hoàn toàn đồi A, chiếm toàn bộ khu trung tâm, đánh sập cột ăng-ten, phá hủy hoàn hoàn trung tâm truyền tin, bịt cứng 2 cửa hầm ngầm, gọi hàng. Đại đội 9 dùng thủ pháo đánh vào cửa hầm, kêu gọi đầu hàng nhưng quân địch vẫn im lặng. Ngay lập tức chính trị viên D Nguyễn Ngọc Xuân và D phó Lê Văn Chương lệnh xạ thủ B40 lùi xa 10 m bắn trực tiếp vào cửa hầm và tiếp tục kêu gọi đầu hàng. Đến lúc này địch mới cởi áo lần lượt bò lên hàng gồm 17 tên và 1 phụ nữ bế một em bé chừng 2 tuổi. Đúng 5 giờ sáng ngày 2/9, bộ đội D631 đánh quả bộc phá cuối cùng (5 kg C4) vào cửa hầm chỉ huy của địch báo hiệu trận đánh cứ điểm Chư Nghé đã giành toàn thắng.

10 giờ ngày 2/9/1972, Ban chỉ huy D631 điện báo cáo nhanh kết quả trận đánh với Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. 14 giờ cùng ngày D631 nhận được điện của bộ tư lệnh biểu dương tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng của D631 anh hùng. Cấp trên khen trận đánh là mẫu mực đánh địch trong công sự vững chắc “D tiêu diệt gọn D của địch” đồng thời lệnh cho D631: “...các đồng chí ở lại thu hết pháo, đạn, chiến lợi phẩm. Riêng đạn pháo phải mang ra xa đào hầm cất giấu, bảo quản. Chuyển thương binh về phía sau, dẫn tù binh về bờ sông Pô Cô giao cho binh trạm”.

19 giờ ngày 2/9/1972 cả D náo nức vào Chư Nghé gùi chiến lợi phẩm, bộ đội chủ yếu lấy gạo và đồ hộp rất nhiều. Nhiều đến độ D631 còn gửi làm quà cho binh trạm, huyện 4 Gia Lai, các đơn vị bạn và gửi cả vào Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, là món quà chiến thắng của đơn vị báo cáo với cấp trên. Vâng, trận chiến thắng vang dội của D631 anh hùng là niềm tự hào không riêng của đơn vị chúng tôi mà còn là niềm phấn khởi chung của đồng bào huyện 4 Gia Lai... Vui mừng chiến thắng nhưng không khỏi ngậm ngùi xúc động khi 9 đồng đội của chúng tôi hy sinh, trong đó có anh Mùi đại đội trưởng đại đội 11 và gần 20 đồng đội khác bị thương...

Ngày 11/9/1972, D631 nhận lệnh: Công việc thu dọn cứ điểm Chư Nghé bàn giao lại cho E24 để hành quân về hướng Nam chuẩn bị tham gia Chiến dịch vây lấn căn cứ Đức Cơ. Và, xin nói vắn tắt một lần nữa D631 anh hùng lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với chiến thuật: vây-lấn-tấn-phá-diệt, suốt 3 tháng 10 ngày (từ 15/9 đến 25/12/1972) D631 anh hùng tham gia Chiến dịch Đức Cơ, đã cùng các đơn vị bạn làm chủ hoàn toàn căn cứ này. Chính Đức Cơ là nơi phái đoàn quân sự 4 bên đứng chân để giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris.

Cao Ngọ

(Cựu chiến binh Tiểu đoàn 631 anh hùng)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/di-tich-chien-thang-chu-nghe-gia-lai-dung-nhung-chua-du-ky-2-danh-chu-nghe-de-nuoc-song-po-co-chay-nguoc-con-coc-moc-rau/207747.htm