Di tích cách mạng Việt Nam trong ngõ nhỏ, phố nhỏ Paris

Ngoài những di sản nổi tiếng thu hút khách du lịch, Paris cũng có những điểm đến thú vị khác trong những ngõ nhỏ, phố nhỏ, ghi dấu chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà trong ngõ Compoint nơi nhà văn Émile Zola viết nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Có thể kể đến khu Gobelins, quận XIII, nơi Nguyễn Ái Quốc từng sống và làm việc trong thời kỳ đầu Người lưu trú tại Paris. Cụ thể là một số địa điểm từ phố Marcadet đến ngôi nhà số 6 phố Gobelins, rồi đến con phố nhỏ mang tên Du Marché des Patriarches cạnh đó. Tại đây, dưới một căn hầm ngầm mà hiện nay là một phòng thể thao dành cho trẻ em, Bác đã làm công việc của một thợ rửa ảnh. Những trang đầu của tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), một tờ báo châm biếm đả kích chế độ thực dân Pháp, cũng ra đời ngay tại căn hầm mà người chủ bút không ai khác là Nguyễn Ái Quốc. Nếu có dịp tới đây, sau khi tham quan các địa điểm kể trên, bạn có thể ghé qua nhà hàng Foyer Việt Nam nằm gần quận XIII - một địa chỉ quen thuộc của người Việt ở Pháp và khách quốc tế để thưởng thức ẩm thực mang hương vị quê nhà.

Một điểm đến khác vốn rất nổi tiếng với người dân Việt Nam khi nói đến những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở Pháp là ngôi nhà số 9 ngõ Compoint quận XVII. Tuy nhiên, vì nằm hơi xa trung tâm nên không phải ai cũng có điều kiện qua thăm.

Đáng chú ý là bạn sẽ phải đối diện với cảnh tắc đường tại Quảng trường Vichy đến Đại lộ Vichy, rồi tìm tới con phố nhỏ Guy Moquet và rẽ tay trái để vào ngõ Compoint. Trời vào thu, nơi đây thường rất đẹp, bầu trời xanh thẳm, trong veo. Khu phố cụt với những hàng cây bắt đầu điểm lá vàng, đón những tia nắng nhỏ xuyên qua với vẻ thanh bình, yên ả. Tới đây, ta như lạc vào một thế giới khác, thật thư thái. Tại số nhà 9 ngõ Compoint chúng ta sẽ thấy ngay một tấm bảng đồng gắn trên tường ghi rõ: “Nơi đây Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc từ năm 1921 đến năm 1923”. Đương nhiên, tòa nhà hiện giờ không còn dấu tích Nguyễn Ái Quốc đã ở xưa kia. Theo lời kể của người dân sống lâu năm trong khu phố này thì khi ba ngôi nhà nhỏ bị đập đi để xây lại, nhà thầu đã phải cam kết cho gắn tấm bảng đồng lên bức tường kia. Ai yêu văn học Pháp khi tới đây còn được biết thêm một điều thú vị khác là cách đó không xa có ngôi nhà mà bậc thầy văn học Pháp Émile Zola đã từng sống, và ông đã miêu tả nó rất chi tiết trong những tác phẩm của mình.

Hiệu Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/977195/di-tich-cach-mang-viet-nam-trong-ngo-nho-pho-nho-paris