Đi theo con đường đá cổ, khám phá thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc

Tuyến đường đá cổ Pavie được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ trước, là một tuyến du lịch đặc sắc, kết nối du lịch giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, con đường đá cổ huyền thoại Pavi như ngủ quên giữa cánh rừng đại ngàn, nằm vắt mình qua ngọn núi Nhìu Cồ San kỳ vĩ, nối liền xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) với xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)...

Theo nhiều tài liệu và ghi chép, con đường đá cổ được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ trước. Ông Auguste Jean - Marie Pavie (người Pháp) là người khảo sát và chỉ đạo xây dựng tuyến đường này để vận chuyển lương thực, nông sản giữa các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Bởi vậy, đường được gọi tên Pavie.

Nhưng những người dân sinh sống ở đây cho rằng, từ trước đó, cha ông họ đã chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San bằng lối đi này và khai phá đến đất Lai Châu, người Pháp chỉ tiếp tục mượn con đường của người Mông để vận chuyển.

Ngày 8/12/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3130/QĐ -UBND về việc xếp hạng đường đá cổ Pavie là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

khu vực bảo vệ đường đá cổ Pavie, thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát được xác định theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ khoa học di tích.

Dọc theo con đường đá, có nhiều suối rất đẹp. Danh thắng đường đá cổ Pavie có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật đặc biệt. Ngày nay, con đường trở thành điểm tham quan trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên của nhiều du khách.

Con đường đá cổ Pavi được xây dựng từ thời Pháp thuộc vào năm 1927 và hoàn toàn bằng thủ công, với những tảng đá cuội, đá lớn. Với tổng chiều dài khoảng 80km, đường đá cổ Pavi là con đường nối 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai nhằm vận chuyển thảo quả, khoáng sản và các loại hàng hóa khác.

Con đường này nằm xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, rừng thảo quả và các dãy núi cao vút vùng Tây Bắc, đường đẹp và không quá dốc, ngựa thồ có thể đi lại được. Người Pháp còn xây cả một sân bay trên vùng bình nguyên rộng lớn gần bản Nhìu Cồ San để tập kết và vận chuyển hàng hóa.

Hiện tại, do tác động từ thời gian và thiên nhiên mà đường đá cổ Pavi chỉ còn khoảng 14km gần như giữ được nguyên trạng, đoạn đường nối giữa bản Sàng Ma Pho - xã Sin Súi Hồ - huyện Phong Thổ - Lai Châu và bản Nhìu Cồ San - xã Sàng Ma Sáo - huyện Bát Xát - Lào Cai.

Trước đây, con đường đá cổ này được ví như huyết mạch giao thông từ Lào Cai sang Lai Châu và ngược lại. Bởi nắm giữ vai trò quan trọng đó, con đường đã được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến, được mài nhẵn, chiều rộng nhiều đoạn lên tới 3m. Mặc dù được xây dựng chạy xuyên rừng nhưng cả người và ngựa đều có thể đi lại thoải mái

Du khách đi theo cung đường từ Lai Châu sang Lào Cai qua đường đá cổ Pavi sẽ không phải lên dốc nhiều, độ dốc cũng không lớn, điều đó giúp du khách đỡ tốn sức hơn so với hành trình ngược lại.

Càng đi vào sâu trong rừng, đường đá cổ Pavi càng trở nên đẹp một cách quyến rũ và huyền ảo, bí ẩn. Những con đường đá phủ đầy rêu phong xanh mướt sẽ đưa bước chân của du khách lướt đi. Và cũng chính vì thế, có những đoạn sẽ khá trơn trượt, đòi hỏi người đi đường phải có gậy để đảm bảo an toàn. Hai bên đường là những vạt rừng xanh thẳm, trên đầu bóng cây mát mẻ.

Nếu du khách xuất phát lúc 7 giờ 30 phút thì sẽ lên tới đỉnh đèo gió ở độ cao hơn 2.000 m vào khoảng 9 giờ 30 phút. Đây là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Kỳ Phong

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/di-theo-con-duong-da-co-kham-pha-thien-nhien-hung-vi-tay-bac-c14a70496.html