Di sản, văn hóa TP.HCM xưa qua con mắt họa sĩ trẻ

Kết hợp ăn ý với nhà báo Phạm Công Luận, họa sĩ Kha Liêm giới thiệu hình ảnh TP.HCM xưa bằng các kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong 'Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ'.

Sinh năm 1985, họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm được xếp vào hàng ngũ người trẻ ở TP.HCM, vào thế hệ Millennials lớn lên cùng những phát triển nhanh chóng của thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hiện đại mới mẻ, anh luôn dành một thứ tình cảm đặc biệt cho những di sản xưa, những biểu tượng một thời của thành phố hoa lệ. Ý tưởng về một artbook (sách tranh) tái hiện những biểu tượng văn hóa một thời của mảnh đất Kha Liêm sinh ra và lớn lên xuất hiện, để đến khi nó thành hình, giúp không chỉ bản thân anh mà còn độc giả ở nhiều thế hệ như có được tấm vé du hành ngược thời gian về chiêm ngưỡng mảnh đất Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước.

Sự kết hợp ăn ý của hai con người yêu Sài Gòn

Lần đầu chào sân làng sách, Kha Liêm bắt tay hợp tác với nhà báo, nhà văn Phạm Công Luận - một cây bút được biết tới với nhiều tác phẩm viết về TP.HCM như Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Sài Gòn - Chuyện đời của phố, Những bức tranh phù thế…

“Không phải khi thực hiện cuốn sách này tôi mới biết anh Luận mà cả hai đã quen từ trước đó vài năm. Khi tôi ngỏ ý nhờ anh viết bài cho cuốn sách, anh chia sẻ rằng đang bận với một số dự án khác. Nhưng có thể sự đồng cảm của anh dành cho tôi về vùng đất này đã khiến anh nhận lời”, họa sĩ Kha Liêm chia sẻ với Tri thức.

Trong quá trình thực hiện, họa sĩ sinh năm 1985 cũng bày tỏ anh nhận được sự tư vấn rất nhiều từ cây bút đầy kinh nghiệm trong việc biên tập, thêm hoặc bớt từng chủ đề để cuốn sách mạch lạc, đầy đặn nội dung hơn.

 Khổ sách độc đáo của Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ. Ảnh: Việt Linh.

Khổ sách độc đáo của Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ. Ảnh: Việt Linh.

Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ, ngòi bút của nhà báo Phạm Công Luận tái hiện, giới thiệu về những công trình kiến trúc biểu tượng, khu phố nổi tiếng, các sân khấu, vũ trường, minh tinh từng khiến bao khán giả điên đảo.

“Là một trong những công trình kiến trúc cổ điển ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 tại số 86 đường d' Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), nằm ngay đầu đường Nguyễn Huệ hướng ra sông Sài Gòn. Công trình do kiến trúc sư Femand Gadès thiết kế mô phỏng Tòa thị chính Paris theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp, với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái đăng đối, bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại. Dinh có bề ngang rộng đến 30 m”, nhà báo Phạm Công Luận viết về trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM, trước được gọi là Dinh xã Tây, trong cuốn sách.

Tái hiện vẻ đẹp xưa cho giới trẻ hôm nay

Là người sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, họa sĩ Kha Liêm chia sẻ lợi thế của anh khi vẽ về thành phố là những quan sát, trải nghiệm thực tế các di sản kiến trúc hay cuộc sống đời thường quá đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, đó cũng là cái bất lợi về góc nhìn và cảm xúc.

“Nếu một người ở phương xa đến Sài Gòn, họ sẽ có cái nhìn và cảm xúc khách quan tốt hơn so với những người sống ở đây lâu năm, khi những thứ đó đã quá quen thuộc, đôi khi họ sẽ không còn để ý tới”, anh chia sẻ.

 Họa sĩ Kha Liêm sử dụng cách vẽ chi tiết và mảng màu những năm 1960. Ảnh: NVCC.

Họa sĩ Kha Liêm sử dụng cách vẽ chi tiết và mảng màu những năm 1960. Ảnh: NVCC.

Qua cuốn sách, Kha Liêm muốn thể hiện một Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn xa xưa qua những nét vẽ và gam màu đặc trưng của thời đó bằng kỹ thuật và công nghệ hiện đại bây giờ, như một sự kết hợp giữa cũ và mới. Điều này sẽ tạo cảm giác quen thuộc với những người từng sống ở Sài Gòn trước đây, hay mang tới cảm giác trẻ trung so với lớp trẻ bây giờ.

Ngoài ra, việc Kha Liêm lựa chọn khổ sách độc đáo 42,5 x 20 cm theo ý tưởng màn ảnh đại vĩ tuyến cho Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ cũng góp phần vào việc nâng cao trải nghiệm của độc giả. Từng trang sách được lật giở tạo cảm giác các chủ đề nối tiếp nhau như một bộ phim tua ngược về quá khứ.

Sau khi cuốn sách ra mắt, anh nhận được nhiều phản hồi và góp ý tích cực cho artbook, đa phần là các bạn trẻ, trong đó phần nhiều về sự ấn tượng của khổ sách cũng như về lối sử dụng màu. Khuyến khích, thôi thúc được các bạn trẻ đọc, tìm hiểu về những di sản, nét đẹp xưa cũng là điều anh kỳ vọng.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-san-van-hoa-tphcm-xua-qua-con-mat-hoa-si-tre-post1448781.html