Di sản văn hóa - nguồn lực cho phát triển

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Nguồn: quochoi.vn

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan...

Thẩm tra dự án Luật, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, ông Vinh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân. Phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa. Đồng thời tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cần rà soát thêm về tính thống nhất của dự án Luật trong hệ thống pháp luật, đồng thời cần rà soát để khắc phục những vấn đề chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa và các luật khác. Cùng với đó cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh, một số vấn đề bổ sung cũng chưa được đánh giá tác động.

Liên quan đến tính thống nhất của dự án Luật này với các luật khác, theo ông Tùng, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy. Mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật với tinh thần kiến tạo phát triển.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa để thực hiện chủ trương tăng nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn, bảo vệ. “Ví dụ tại Huế, nguồn lực của Nhà nước chỉ một phần, nếu có nguồn lực tư nhân tham gia vào thì sẽ phát huy được, cộng hưởng cả du lịch” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính tương thích, đồng bộ dự thảo Luật này với các luật trong hệ thống pháp luật như: Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đất đai; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền.

Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, hiện có hơn 20 luật có liên quan đến di sản, hiện đã rà soát để tránh việc các quy định bị chồng chéo, và dự án Luật đã kế thừa những quy định còn có tính ổn định, phát triển của Luật hiện hành. Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật.

Kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa. Đây là dự thảo Luật liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều luật. Do đó cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Trình bày tờ trình dự án Luật, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự như: bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân.

Thẩm tra dự án Luật, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật với tính chất là một đạo luật chuyên biệt, quy định khá nhiều chính sách đổi mới về tư pháp người chưa thành niên sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung một số luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự.

Từ đó, bà Nga đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát đầy đủ, đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bổ sung đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-san-van-hoa-nguon-luc-cho-phat-trien-10277866.html