Di sản mang tên Rennie Davis

Khi nói về nhà hoạt động hòa bình Rennie Davis, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, tình cảm và di sản mà ông để lại sẽ là ngọn lửa tiếp tục cháy sáng niềm tin về mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau vì hòa bình, hợp tác và phát triển giữa nhân dân Việt-Mỹ trong hiện tại và tương lai.

Tháng Hai vừa qua, Rennie Davis, một trong những nhà lãnh đạo của phong trào hòa bình Mỹ trong thập niên 1960 và 1970 đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, đã qua đời tại nhà riêng ở tiểu bang Colorado, hưởng thọ 80 tuổi.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, cũng như nhiều bạn bè quốc tế, đồng thời là tấm gương về tầm nhìn, sự quả cảm và tinh thần dấn thân của tuổi trẻ...

Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Việt – Mỹ tại Lễ tưởng niệm ông Rennie Davis tại Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Việt)

Ấn tượng “Chicago 7”

Rennie Davis sinh ngày 23/5/1940 tại thành phố Lansing, bang Michigan. Xuất thân trong gia đình có vị thế trong nền chính trị bảo thủ ở Mỹ nhưng từ thời sinh viên, ông đã tỏ ra là người có tư tưởng tiến bộ, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh dân quyền, đòi công lý cho mọi người, tham gia các cuộc biểu tình, diễn thuyết phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Trong những năm 1960, Rennie Davis là một nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng, một trong những người sáng lập và lãnh đạo tổ chức “Sinh viên vì một Xã hội dân chủ” (Students for a Democratic Society - SDS) và là điều phối viên, Giám đốc Chương trình của Ủy ban Vận động toàn quốc đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam (The National Mobilization Committee to End war in Vietnam - NMCEW).

Rennie Davis đã tổ chức các hoạt động phản đối chính quyền bắt bớ những người tham gia phong trào bất tuân dân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, tham gia tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam thu hút hàng chục ngàn người, có ảnh hưởng mạnh mẽ trong phong trào hòa bình, đòi dân sinh, dân chủ ở Mỹ.

Dư luận Mỹ còn nhớ Vụ án Chicago 7 (Chicago Trial 7) mà Rennie Davis là một trong số bảy nhà hoạt động hòa bình Mỹ bị xét xử vì các cáo buộc liên quan đến cuộc đụng độ với cảnh sát vào ngày 27/8/1968 trong thời gian diễn ra Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ. Thời báo New York Times mô tả đây là một vụ án chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cho đến nay, những diễn biến của “Chigago 7” vẫn đang là đề tài của nhiều cuốn sách và nhiều bộ phim. Chính vì vậy khi Rennie qua đời, những hình ảnh về “Chigago 7” lại được các tờ báo lớn của Mỹ nhắc đến. Nhiều bạn bè ông ở Mỹ trong đó có minh tinh màn bạc Jane Fonda và những người bạn cùng trong phong trào phản chiến cũng đã dành cho ông những lời tri ân cảm động.

Duyên nợ Việt Nam

Trong cuộc đời hoạt động hòa bình sôi nổi của mình, Rennie Davis đã thăm miền Bắc Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Năm 1967, sau khi dự gặp gỡ Bratislava (Slovakia) giữa những nhà hoạt động hòa bình, phản chiến Mỹ với các đại diện của nhân dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc, nhận lời mời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt Nam), ông tham gia đoàn bảy nhà hoạt động hòa bình Mỹ vào thăm miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên.

Chuyến đi nhằm tìm hiểu về tình hình cuộc sống, lao động và chiến đấu của nhân dân, và tận mắt chứng kiến tội ác chiến tranh của Mỹ.

Hai năm sau, Rennie Davis trở lại thăm miền Bắc Việt Nam lần thứ hai với tư cách đại diện cho phòng trào hòa bình Mỹ giúp đưa tù binh Mỹ từ Việt Nam trở về nước đoàn tụ với gia đình. Từ 1969-1973, ông đã nhiều lần tới Paris, Pháp để gặp gỡ phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình bốn bên.

Đặc biệt, năm 1969, trong bối cảnh cuộc chiến của Mỹ leo thang ác liệt, Rennie Davis đại diện cho phong trào hòa bình và sinh viên Mỹ sang Paris (Pháp) gặp gỡ và trao đổi với bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Mục đích của ông là để giới thiệu sáng kiến của đại diện sinh viên các trường đại học ở Mỹ “Hiệp ước hòa bình giữa nhân dân Mỹ với nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc” đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sáng kiến này được cả hai phái đoàn ta tại Paris ủng hộ, được ký kết vào cuối năm 1970 và được công bố vào tháng 1/1971. Những hoạt động tích cực của ông cũng đã góp phần chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam vào năm 1975.

Rennie Davis còn là một người phát ngôn có uy tín, được mời tham gia nhiều cuộc phỏng vấn trên Chương trình “Những huyền thoại” sản xuất bởi CBS, Larry King Live, Barbara Walters, VH1, CNN, nhiều diễn đàn của hệ thống truyền thông khác của Mỹ. Bên cạnh đấu tranh đòi dân chủ, vì hòa bình, ông còn là Chủ tịch Quỹ Nhân đạo (Foundation for a New Humanity) và Chủ tịch của Công ty iPower Living, một công ty đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ có tính đột phá.

Một bức ảnh của Rennie Davis được chụp vào 1/10/1968.

Trong trái tim những người bạn

Tháng Tư này, tại Colorado và nhiều nơi trên nước Mỹ, các thành viên gia đình và bạn bè tổ chức lễ tưởng niệm Rennie Davis. Mới đây, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Việt - Mỹ cũng đã tổ chức Lễ Tưởng niệm ông để tỏ lòng kính trọng, yêu mến và tiếc thương người bạn thủy chung của Việt Nam.

Tại Lễ tưởng niệm này, vì lý do sức khỏe không thể đến dự, nhưng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gửi đến những chia sẻ và chia buồn với gia đình Rennie Davis. Trong bức thư của mình, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, Rennie Davis là nhà hoạt động không mệt mỏi, một lãnh đạo, nhà tổ chức xuất sắc của phong trào hòa bình, phản chiến, đấu tranh cho dân quyền và tiến bộ Mỹ, một người bạn lớn, thủy chung, thân thiết của nhân dân Việt Nam.

Bà Bình viết: “Đối với cá nhân tôi, Rennie Davis là hiện thân của một con người sống có lý tưởng, bao dung, có lòng yêu nước gắn với tình yêu hòa bình, nhân loại, tình đoàn kết quốc tế chân chính, luôn dấn thân không mệt mỏi đấu tranh vì dân chủ, tiến bộ, hòa bình và công lý cho mọi người và mỗi người, cho nhân dân Mỹ và cả nhân loại.

Rennie có tình cảm đặc biệt đối với đất nước, con người Việt Nam, luôn tin tưởng vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước”.

Là người may mắn có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc với Rennie Davis, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Việt - Mỹ Nguyễn Văn Huỳnh cũng cho biết, tháng 1/2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, ông Rennie Davis cùng vợ là bà Kirsten Liegmann đã tham gia đoàn 16 người gồm chín nhà hoạt động hòa bình Mỹ từng đến Việt Nam trong chiến tranh dự các hoạt động kỷ niệm, kết hợp thăm tìm hiểu Việt Nam, hậu quả chiến tranh.

Đặc biệt, sau chuyến thăm, Rennie Davis và các bạn bè đã viết cuốn sách “Người dân làm nên hòa bình: Những bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam” được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Vào năm 2015, ông bà Rennie Davis và Kirsten Liegmann cũng trở lại Việt Nam cùng một doanh nhân Mỹ để trao đổi về sáng kiến phát triển và trao bản quyền cho cơ sở ở Việt Nam sản xuất một số loại thuốc thảo dược “Enercel” chữa trị, phục hồi sức khỏe các nạn nhân da cam và sáng kiến dùng công nghệ mới để tẩy độc chất dioxin ở những điểm nóng chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Ông Huỳnh cũng chia sẻ: “Tưởng nhớ Rennie, chúng ta nguyện sẽ tiếp tục thực hiện những mong ước của ông như lời Giáo sư Edavid Farber: Rennie luôn mong muôn có một xã hội công lý hơn, tốt đẹp và công bằng hơn. Và vì nó ông đã đấu tranh bằng những biện pháp hòa bình”.

An Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/di-san-mang-ten-rennie-davis-143707.html