Đi qua vùng thủy điện (4)

* Kỳ cuối: Trở lại ngôi làng 2 lần bị xóa sổ

(Cadn.com.vn) - Những ngày gần đây, người dân làng Đại Mỹ (xã Đại Hưng, H. Đại Lộc, Quảng Nam) tất bật di chuyển đồ đạc, vật dụng để về khu vực nhà mới ở khu TĐC Gò Dinh. Hơn 80 hộ dân nơi đây chấp nhận bỏ ngôi làng gắn bó bao đời nay để đi nơi khác sinh sống sau khi 2 trận lũ lịch sử vùi lấp.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam họp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý các hồ chứa TĐ.

Ký ức kinh hoàng

Người dân sống dọc sông Kôn không thể nào quên 2 trận lũ lịch sử năm 2009 và 2013 đã xóa sổ một số ngôi nhà của làng Đại Mỹ. Do nằm sát sông Kôn nên khi lũ về, cả làng Đại Mỹ bị nước xé toạc, cả làng bị cát bồi lấp. Sau trận lũ năm 2009, trận lũ năm 2013 làng Đại Mỹ có đến 83 ngôi nhà bị sập, sạt lở và bồi lấp hoàn toàn đến tận mái. Khi lũ đổ về không kịp trở tay, người dân chỉ biết bỏ của chạy lấy người nên bao nhiêu tài sản, vật dụng trong gia đình đều trôi theo dòng nước.

Theo người dân địa phương, trước đây chưa có các công trình thủy điện (CTTĐ) ở thượng nguồn, khu vực này không có lũ lớn và bất ngờ như vậy. Và, theo đánh giá của các ngành chức năng, 2 trận lũ kinh hoàng trên là TĐ xả lũ gây nên. Thiệt hại của TĐ gây ra là thế, thế nhưng từ đó đến nay, những CTTĐ có liên quan không có hành động gì để hỗ trợ cho người dân. “Sau những trận lũ kinh hoàng trên, bên TĐ có về kiểm kê mức độ thiệt hại của từng hộ dân, nhưng từ đó đến nay, nhà tôi cũng như mấy nhà lân cận không được hỗ trợ khoản kinh phí nào” - Chị Nguyễn Thị Hòa có nhà thuộc diện di dời cho biết.

Ngoài 2 trận lũ trên, hằng năm, mỗi khi nghe đài thông báoTĐ xả lũ, cả làng Đại Mỹ lại tất tả sơ tán chạy đến các điểm cao để trú ẩn. Khát vọng muốn di dời đến chỗ cao để yên tâm sinh sống, làm ăn là điều mà hàng trăm người dân làng Đại Mỹ mong mỏi. Trước thực tế đó, UBND xã Đại Hưng đã đầu tư xây dựng khu TĐC Gò Dinh trên địa bàn xã nhằm di dời 83 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu nằm trong diện sạt lở, bồi lấp nặng của làng Đại Mỹ có nơi ở ổn định. Công trình có quy mô 5,9ha với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương. Qua hơn 4 năm đầu tư xây dựng, đến nay khu TĐC đã bắt đầu đón những hộ vào làm nhà để ổn định cuộc sống lâu dài.

Mùa mưa đến, TĐ thượng nguồn Quảng Nam xả lũ khiến người dân vùng hạ du bất an.

Không thể sống chung với lũ

Chuẩn bị chuyển những tấm tôn còn tận dụng được đưa về khu TĐC Gò Dinh, anh Nguyễn Tấn Quang cho biết: “Cứ mỗi mùa mưa lũ đến, hàng loạt CTTĐ như A Vương, Sông Kôn xả lũ, cả làng chìm trong biển nước và cát. Giờ khu vực này cứ mưa lớn vài ngày là nước lên ngập nhà. Mới cách đây mấy ngày, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, chỉ vài trận mưa mà nước đã vào mép sân nhà tôi. Dù gia đình điều kiện còn khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định chuyển vào khu Gò Dinh để yên tâm làm ăn”.

Được biết, để tạo điều kiện giúp đỡ người dân vào khu Gò Dinh, H. Đại Lộc hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để làm nhà. “20 triệu chưa đủ để làm phần móng. Nhưng vì cuộc sống của gia đình và tương lai của con cái, vợ chồng tôi chấp nhận vay mượn thêm để làm nhà chứ ở ngoài này lòng lo sợ, không yên tâm sinh sống được” - anh Quang cho biết thêm.

Những đôi vợ chồng trẻ là thế, họ còn sức lực để xây nhà chạy lũ, trong khi đó những người già, neo đơn ở làng Đại Mỹ này phó mặc cho số phận. Nhà cụ Võ Thị Minh bên cạnh nhà anh Quang. Con cháu cụ đi làm ăn xa, chỉ mình cụ Minh ở nhà. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Minh cũng muốn có chỗ để an dưỡng tuổi già, nhưng với cụ, việc xây nhà mới để ở là quá tầm tay. “Tôi già rồi, chừ lấy tiền đâu mà xây nhà nữa. Chỉ ở đây thôi, trời có mưa lũ thì vào xóm trong ở nhờ” - cụ Minh ngậm ngùi.

Ngoài những hộ dân di dời vào khu Gò Dinh để ở, theo quan sát của chúng tôi, khu vực làng Đại Mỹ giờ có rất nhiều nhà treo biển “bán nhà”.

Một trong những ngôi nhà ở làng Đại Mỹ còn sót lại sau trận lũ lịch sử năm 2009.

Tăng cường công tác quản lý hồ, đập thủy điện

Tính đến tháng 10-2016, Quảng Nam có 42 dự án TĐ đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.606,76MW, bao gồm 10 dự án TĐ bậc thang do Bộ Công thương phê duyệt (7 công trình đã phát điện, 3 công trình đang xây dựng) và 32 dự án TĐ vừa và nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt (10 công trình đã phát điện). Như vậy so với cả nước, Quảng Nam được xem là địa phương có mật độ TĐ nhiều nhất.

Trở lại sự cố vỡ van hầm dẫn dòng xảy ra tại TĐ Sông Bung 2 (H. Nam Giang, Quảng Nam), trung tuần tháng 10, tại buổi làm việc với các nhà máy TĐ về công tác vận hành trong mùa mưa lũ năm nay, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phải thốt lên rằng: “Sự cố trên là bài học xương máu. Sự cố xảy ra ngay khi các hồ dưới còn dung tích để chứa, nếu sự cố xảy ra khi các hồ đó đã chứa tương đối nhiều, vấn đề sẽ phức tạp và hậu quả không biết đến mức nào”.

Để đảm bảo an toàn hồ đập TĐ cũng như sinh mạng hàng vạn người dân vùng hạ du, trước mùa mưa lũ năm nay, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các nhà máy TĐ trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 11 (22-4-2016) về công tác đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ và Chỉ thị số 15 (17-5-2016) về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016. “Quảng Nam hay xảy ra lũ cục bộ, mưa tập trung trong thời gian ngắn, vì vậy sẽ dẫn đến những tình huống phức tạp. Trước hết phải thực hiện tổng kiểm tra về cửa van, vận hành các trang thiết bị, máy móc, hệ thống dự phòng, hệ thống loa còi cảnh báo lắp đặt phía dưới vận hành có tốt không; các mốc cảnh báo lũ. Đồng thời thực hiện công tác kiểm định an toàn đập theo quy định” - ông Lê Trí Thanh nói.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương Quảng Nam chủ trì làm việc tại 12 nhà máy TĐ. Qua kiểm tra xác định tất cả các nhà máy trên đã lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, có phương án PCLB đảm bảo an toàn đập. Phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập TĐ cũng đã được Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, công tác vận hành liên hồ, quy chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý công trình thủy điện, hệ thống camera giám sát xả tràn… cũng đảm bảo.

Không thể phủ nhận những đóng góp của các CTTĐ cho sự phát triển KT-XH, song do công tác quản lý thiếu đồng bộ, sự tắc trách của một số chủ đầu tư và cả sự thiếu sâu sát của chính quyền địa phương đã dẫn đến những hệ lụy khôn lường về môi trường, đời sống dân sinh, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân sống trong khu vực và hạ lưu các công trình TĐ.

Bão Bình

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_157216_di-qua-vu-ng-thu-y-die-n-4-.aspx