Đi mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm

Từ ngày 15-12-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị) đều bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH).

Đi mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm

(ANTĐ) - Từ ngày 15-12-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị) đều bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH).

Trước đó, từ ngày 15-9-2007, quy định được áp dụng trên tất cả các tuyến quốc lộ.

* Đi xe máy phạm luật sẽ bị tạm giữ xe 30 ngày trở lên

* Tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký xe máy ở các thành phố lớn

Tất cả các tuyến đường đều phải đội mũ bảo hiểm - ảnh Ngọc Quý

Theo nội dung Nghị quyết 32 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, một loạt các biện pháp kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật trật tự ATGT được đưa ra. Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý, sung vào công quỹ. Thực hiện đình chỉ lưu hành các phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT bằng hình thức tạm giữ phương tiện, hoặc tạm giữ đăng ký phương tiện, biển số đăng ký, sổ đăng kiểm theo thời hạn quy định của pháp luật hiện hành.

Từ ngày 1-1-2009, đình chỉ hoạt động các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm an toàn kỹ thuật.

Đặc biệt, lực lượng CSGT sẽ tạm giữ mô tô, xe máy 30 ngày trở lên nếu người điều khiển vi phạm một trong các quy định sau: chở quá số người cho phép; đi vào đường ngược chiều, đường cấm; lạng lách đánh võng; vượt đèn đỏ; không chấp hành hiệu lệnh của CSGT. Tạm giữ mô tô, xe máy 90 ngày không phân biệt sở hữu đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe máy.

Lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phải xử lý công khai và đúng pháp luật, không phân biệt người vi phạm đi bộ, đi xe đạp, đi mô tô hay lái ô tô.

Chương trình giảng dạy trật tự ATGT mới sẽ thực hiện từ niên học 2008-2009 ở tất cả các cấp học. Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo Hiệu trưởng các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp quy định việc đánh giá đạo đức đối với học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông. Bộ Công an ban hành quy định việc thông báo về cơ quan, trường học, phường, xã, tổ dân phố, cụm dân cư những cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, và người vi phạm luật giao thông để kiểm điểm, giáo dục.

Một số biện pháp mạnh khác cũng được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 32 như giao Bộ Tài chính nghiên cứu việc tăng lệ phí trước bạ, tăng lệ phí đăng ký mô tô, xe máy ở các thành phố lớn. UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quy định việc cấm mô tô, xe máy lưu thông trên một số tuyến đường trong khoảng thời gian phù hợp để giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Tường Lâm

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/di-mo-to-xe-may-phai-doinbspmu-bao-hiem-post3398.antd