Đi lễ chùa cầu bình an

Hằng năm, vào dịp Tết đến, xuân về, không chỉ những người theo đạo Phật mà nhiều người tuy không là phật tử nhưng cũng đi lễ chùa đầu năm, với mong muốn bản thân, gia đình và những người thân được mạnh khỏe, bình an.

Lợi dụng lòng tin của người đi lễ, nhiều hoạt động vượt quá giới hạn của tín ngưỡng, nếu như không nói là mê tín dị đoan.

Gia đình bạn tôi làm kinh doanh, chị kể thỉnh thoảng lại nhận được điện thoại của thầy X, cô Y ở đền, chùa nào đó gọi tới. Không hiểu sao họ nắm rất chắc về tuổi tác, gia cảnh và bấm tử vi giờ này, tháng kia gia đình cẩn trọng, có hạn. Và để muốn hóa giải những điều xui xẻo, gia đình thành tâm đến lễ hoặc gửi thầy khấn giúp. Tùy theo sự tin tưởng hay lo lắng của gia đình, thầy đưa ra giá; thành tâm lễ mọn cũng vài triệu, còn không, tốn kém rất nhiều tiền.

Chị bảo, để tâm mình thanh thản, dù không tín ngưỡng nhưng chị vẫn gửi thầy ít tiền gọi là kêu cầu khấn giúp, mong mọi sự tốt đẹp. Một vài lần chuyển khoản cúng hộ, thỉnh thoảng chị lại thấy có “thầy” khác gọi đến và dần dà, chị từ chối khéo.

Hôm qua là ngày rằm tháng Giêng, theo các cụ thì “đi lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” lại đúng vào ngày nghỉ nên không ít người tổ chức ngày rằm linh đình, lên đình/ đền/ chùa nhờ cúng dâng sao giải hạn. Trước kia, báo chí đã phản ánh người dân xếp hàng cả đêm, đứng tràn ra cả đường để cúng dâng sao giải hạn ở một ngôi chùa ở Hà Nội. Giờ cảnh đó không còn nhưng đâu đó, không ít người vẫn tâm niệm, đầu năm có hạn hay không có hạn, cứ đi cúng sao giải hạn để tâm an.

Nhiều nhà nghiên cứu, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng có ý kiến: Trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này. Bởi, không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm, Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn.

Đầu năm, đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt. Đến đó, để tâm mỗi người được thanh thản, mong được bình an, hạnh phúc đến với mỗi người, mỗi nhà. Không phải cứ cúng mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã nhiều là thành tâm, là tai qua nạn khỏi. Họa hay phúc, xấu hay đẹp, tất cả đều từ bản thân con người mà ra.

Ai cũng muốn bản thân, gia đình mình luôn được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng thuận buồm xuôi gió. Quan trọng là trước mỗi sự việc, dù vui hay buồn, thuận lợi hay khó khăn mỗi người đều chủ động đón nhận bằng tâm thế lạc quan, mạnh mẽ, thậm chí chấp nhận cả được-mất, xem đó là cơ hội, thử thách rèn tâm, rèn trí thì mới hóa giải được vấn đề.

Phật tại tâm. Chỉ khi mỗi người mỗi ngày sống tốt, lạc quan, tích cực, lương thiện với chính mình và mọi người thì không khó khăn nào không vượt qua, bình an khắc tới. Không thể đi lễ nhiều hay cúng bái mâm cỗ to, dâng sao giải hạn lớn mà cầu là thấy, kêu là được; tất cả ở chính tâm thiện của mỗi người, do mình tạo ra.

Hồng Tâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/398952/di-le-chua-cau-binh-an.html