Đi làm việc, học tập ở nước ngoài là góp phần xây dựng quê hương

Đó là lời khuyên của đồng chí Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh về công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để bạn đọc hiểu rõ hơn chính sách về lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phóng viên Báo Trà Vinh có cuộc phỏng vấn với đồng chí Trịnh Minh Hùng, xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Đồng chí Trịnh Minh Hùng phát biểu chúc mừng lao động chuẩn bị xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh chụp ngày 16/6/2023 tại Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh). Ảnh: BT

Phóng viên: Đồng chí cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước nói chung và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh nói riêng về công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài?

Đồng chí Trịnh Minh Hùng: Chủ trương của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương lớn, góp phần tạo việc làm bền vững, giảm nghèo. Mục tiêu đưa từ 4.500 - 5.000 người lao động, học sinh, sinh viên đi học tập và làm việc ở nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Từ đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND, ngày 09/11/2020; Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 30/8/2021; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 18/01/2022 triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 30/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động, học sinh, sinh viên đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Hàng năm, UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; đồng thời cấp huyện cũng giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương và tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trên địa bàn tỉnh về công tác đưa người lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Trịnh Minh Hùng: Từ những chủ trương, văn bản chỉ đạo nêu trên đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người lao động nói chung, các sở ban ngành tỉnh, địa phương nói riêng đã tích cực chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác đưa người lao động đi làm việc, học tập có thời hạn ở nước ngoài. Kết quả năm 2022, toàn tỉnh đã đưa 915/900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 101% so với kế hoạch; 06 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đưa 849/900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 94% so với kế hoạch.

Trong đó, có 402 lao động nữ; dân tộc Khmer là 176 gồm: Nhật Bản 808 lao động, Đài Loan 35 lao động, Mỹ 03 lao động, Hàn Quốc 01, Hồng Kông 01 và UAE 01. Hiện tại đang có 817 lao động dự nguồn, trong đó có 447 đã có lịch bay và 370 dự nguồn chưa có lịch bay. Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục tổ chức hội nghị tạo nguồn từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo.

Có thể nói, tỉnh Trà Vinh đi đầu trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có chính sách hỗ trợ tốt nhất, đứng đầu cả nước. Đặc biệt, ngoài chính sách cho vay vốn với lãi suất thấp theo quy định của Nhà nước lên đến 150 triệu đồng. Ngoài ra, những người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài còn được hỗ trợ kinh phí không hoàn lại từ 12.194.000 đến 17.420.000 đồng (tùy thuộc vào đối tượng thụ hưởng).

Phóng viên: Những tác động tích cực từ công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với các đối tượng, gia đình và địa phương như thế nào?

Đồng chí Trịnh Minh Hùng: Công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) trong những năm gần đây tác động rất tích cực đối với người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động, như cơ hội để có thu nhập cao, được hỗ trợ tài chính từ chính sách, được học tập các kỹ năng và kinh nghiệm ở nước ngoài, đồng thời tạo triển vọng tương lai khi trở về địa phương.

Cụ thể, trường hợp gia đình ông Kiên Hương, ấp Sóc, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải. Gia đình đã đồng ý và ủng hộ quyết định của con gái đi làm việc ở nước ngoài sau khi hoàn thành chương trình đại học. Nhờ thu nhập ổn định từ công việc ở nước ngoài, con gái anh đã gửi về gia đình mỗi tháng 20 triệu đồng. Trong vòng 03 năm, ông Hương đã tích góp đủ tiền để xây dựng một ngôi nhà mới, mang lại niềm vui và sự ổn định cuộc sống cho gia đình… và còn nhiều trường hợp khác nữa. Từ đó, đã góp phần thay đổi diện mạo ở nông thôn trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Phóng viên: Đồng chí có những lời khuyên gì đối với lao động, các gia đình đã đang và chuẩn bị tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài?

Đồng chí Trịnh Minh Hùng: đối với người lao động khi tham gia các chương trình đi làm việc, học tập ở nước ngoài là chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nước đến làm việc, tránh vi phạm hợp đồng phải về nước sớm làm tăng gánh nặng tài chính cho gia đình khi phải trả nợ vay. Người lao động cố gắng học hỏi, trau dồi kỹ năng làm việc ở nước ngoài để sao này về nước có thể áp dụng ở địa phương (mở cơ sở sản xuất tự tạo việc làm hoặc phát triển thành lập doanh nghiệp để làm chủ).

Gia đình nên động viên, khuyến khích con em tham gia các chương trình đi làm việc, học tập ở nước ngoài để góp phần xây dựng quê hương, gia đình và phát triển bản thân, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm việc, tự lập và tạo được việc làm bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

BÁ THI (thực hiện)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doi-song-xa-hoi/di-lam-viec-hoc-tap-o-nuoc-ngoai-la-gop-phan-xay-dung-que-huong-30094.html