Đi học phải vui

LTS: Vậy là đã bắt đầu một năm học mới. Và sau tiếng trống khai giảng vang lên ở mỗi mái trường, chúng ta cũng nên đào sâu thêm câu hỏi: 'Làm thế nào để cho con trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui'?

Quyền được chơi và bóng tối sau nụ cười

Năm 2007, Howard Chudacoff, một tác giả người Mỹ, đã làm một việc khá “trời ơi đất hỡi”, là viết một cuốn sách để đòi lại quyền được… chơi cho trẻ em.

Cuốn sách có tên: “Trẻ con chơi bời, một lịch sử nước Mỹ”. Trước ông, chưa ai đặt vấn đề nghiêm túc đến vậy. Chudacoff cho rằng nửa đầu thế kỷ 20 chính là “thời kỳ vàng” của quyền được chơi của trẻ con.

Nó hóa ra phản ánh lịch sử nước Mỹ thật. Từ năm 1900 trở đi, nhu cầu lao động trẻ em giảm mạnh, vì thế trẻ em có thời gian rảnh. Nhưng từ khoảng những năm 1960, người lớn bắt đầu hạn chế tự do được chơi của trẻ em, ngay cả khi chúng không phải đi học hoặc làm bài tập về nhà. Các lớp học bên ngoài được người lớn tổ chức để “gia tăng kiến thức” cho học sinh, thay thế những sở thích cá nhân.

Và trong những thập kỷ mà thời gian chơi đùa của trẻ em bị giảm đi, các rối loạn tâm lý thời thơ ấu đã tăng lên. Các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra một bảng câu hỏi lâm sàng nhằm đánh giá lo âu và trầm cảm của nhóm đối tượng là học sinh tiểu học kể từ những năm 1950 cho đến nay. Kết quả trả về rất đáng lo ngại: tỷ lệ học sinh bị chẩn đoán và mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm nhiều hơn gấp 8 lần số này vào năm 1950. Trong cùng giai đoạn, tỷ lệ tự sát ở nhóm tuổi 15-24 tăng gấp đôi, và tăng gấp bốn lần với nhóm học sinh dưới 15 tuổi.

Khi nghĩ về chuyện làm sao để trẻ em hạnh phúc khi đến trường, tôi nhanh chóng rơi vào bế tắc: thực ra để một đứa trẻ vui rất dễ, và hầu như chúng ta không thể đo đếm được điều này. Khoa học về tâm sinh lý trẻ em cho biết rằng 90% trẻ em dưới 5 tuổi sẽ dành hầu hết thời gian trong ngày để… cười.

Nhưng tôi phát hiện ra rằng hóa ra chúng ta có thể đo được xem có bao nhiêu đứa bé đã trầm cảm, và thế giới đã nghĩ về chuyện này từ cách đây hơn… 7 thập kỷ. Vâng, là chuyện những đứa trẻ từ 10 tuổi trở xuống liệu có nguy cơ trầm cảm hay không, đằng sau nụ cười khanh khách hàng ngày.

Theo thống kê vào năm 2020, vị thành niên chiếm 14,3% cơ cấu dân số Việt Nam, một con số khổng lồ. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về tỷ lệ rối loạn tâm thần của nhóm này, và đấy là một lỗ hổng nghiêm trọng: các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho biết rằng những rối loạn tâm thần ở tuổi vị thành niên, đặc biệt các rối loạn không được điều trị lâu dài, sẽ gây ra những tổn thương suốt đời.

Các tài liệu hiện có hạn chế vì dù có một số nghiên cứu nhỏ lẻ về chuyện này trước đây, nhưng cỡ mẫu của chúng là rất nhỏ. Tức là chúng ta có một thực tế đáng báo động ở đây: mối quan tâm về nguy cơ trầm cảm của trẻ em là rất ít, ngay cả trong giới nghiên cứu, là những người có ý thức sâu sắc nhất về một vấn đề cộng đồng nào đó, theo chuyên ngành hẹp của họ.

Vì không nghĩ về điều này (tôi nghĩ rằng bất cứ người lớn nào ở đất nước chúng ta có lẽ cũng sẽ bất ngờ nếu biết tỉ lệ một đứa trẻ bị trầm cảm cao thế nào, và tổn thương có thể theo chúng cả đời), nên chúng ta mới hay tranh cãi về chuyện trẻ con có nên đeo cặp sách… nặng quá hay không, hay nên học hè, học thêm nhiều lên hay không.

Và điều này hóa ra lại phụ thuộc vào… trường học. Tại Massachusetts (Mỹ), có một mô hình trường học thử nghiệm đã tạo tiếng vang nhờ việc cho phép trẻ em được chơi: Sudbury Valley là một ngôi trường với định nghĩa khác hẳn hiểu biết thông thường của chúng ta. Các học sinh, trong độ tuổi từ 4-19, được tự do nguyên ngày để làm bất cứ điều gì chúng muốn, miễn là không vi phạm nội quy.

Đối với hầu hết mọi người, chuyện này nghe có vẻ điên rồ: trường học mà không học thì làm cái gì? Tuy nhiên, ngôi trường đã tồn tại 45 năm và có hàng trăm học sinh đã tốt nghiệp và làm việc rất tốt trong thế giới thực, không phải vì trường học của họ dạy họ bất kỳ điều gì, mà chỉ đơn giản là nó cho phép họ học bất kỳ điều gì họ muốn (học sinh được đóng mọi vai họ muốn trong thế giới thực, từ một nhà buôn cho đến công nhân). Tức là hóa ra việc cố nhồi nhét kiến thức không quan trọng bằng việc cho phép học sinh được… chơi.

Nhưng chúng ta hầu như không nghĩ đến chuyện này. Trẻ con tí tuổi trầm cảm cái gì. Chơi nhiều rồi sau này trả giá.

Đấy có thể là sai lầm lớn, và như đã nói ở trên, sai lầm này khiến nhiều đứa trẻ mang theo những vết thương suốt đời. Chúng ta không thể đo đếm xem chúng vui cỡ nào, nhưng có thể biết được liệu chúng có nguy cơ trầm cảm hay không.

Phạm An

Khi thầy viết bảng

Khi nhận đề tài của chuyên đề này từ ban biên tập, tôi bỗng tự hỏi câu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” ra đời như thế nào?

Nếu biết được bối cảnh ra đời của câu khẩu hiệu, ai đã nghĩ gì khi viết ra nó, tôi sẽ dễ trả lời hơn câu hỏi “Làm thế nào” chăng? Làm thế nào để mỗi ngày đến trường là một ngày vui?

Rất may mắn là nó có một tác giả: Trương Quang Lục, người nhạc sĩ huyền thoại với các ca khúc “Vàm Cỏ Đông”, “Màu mực tím”, hay nổi tiếng nhất, là người đã phổ nhạc cho “Trái đất này là của chúng mình” – bài hát bất tử với mọi thế hệ thiếu nhi Việt Nam kể từ khi nó ra đời. Trước khi trở thành khẩu hiệu, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là tên một sáng tác của Trương Quang Lục.

Nếu bây giờ bạn nghe lại các ca khúc kể trên, bạn sẽ nhận ra rằng bức tranh mà Trương Quang Lục vẽ ra cho tuổi thơ thật trong sáng. Sự trong sáng đó bắt nguồn từ đâu? Sẽ vô duyên nếu liên hệ để hỏi một nhạc sĩ rằng tại sao ông viết nhạc cho thiếu nhi lại trong sáng. Giới sáng tác có kỹ thuật của họ. Nhưng có một dữ liệu để chúng ta suy nghĩ: Trương Quang Lục cũng nổi tiếng với hình ảnh của một người thầy.

Ca khúc “Bụi phấn” – một huyền thoại khác về chủ đề học đường tại Việt Nam – mở đầu bằng mấy câu thơ mà hẳn ai cũng thuộc: “Khi thầy viết bảng/ Bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/ Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…”.

Và hình ảnh người thầy đó chính là Trương Quang Lục. Nhà thơ Lê Văn Lộc đã viết ra những câu ấy khi ngồi trong lớp sáng tác của thầy Lục năm 1982, khi nhìn thầy mình gầy gò viết bảng.

Tức là người sáng tác ra những bài hát xúc động về mái trường, không chỉ đóng vai người “hô khẩu hiệu”. Chính con người ông, còn tạo ra cảm hứng để tạo ra một ca khúc huyền thoại khác. Nếu có thời gian, bạn hãy nghe lại “Bụi phấn”, để nhận ra sự xúc động chân thành dấy lên trong chính mình.

Và giây phút đọc về “Bụi phấn”, nghe lại “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tôi nhận ra: Niềm vui đi học, không phải chỉ đến từ kiến thức. Niềm vui luôn hình thành từ mối quan hệ giữa người với người. Một người thầy trên bục giảng có thể làm cho học trò thương yêu như trong bài “Bụi phấn”, là một người có tư cách nói về niềm vui đến trường.

Niềm vui đến từ mối quan hệ giữa thầy và trò, phụ huynh và thầy cô, giữa bản thân và chúng bạn. Và thực tế đã chỉ ra, chúng không phải những mối quan hệ dễ vun đắp. Cách đây vài năm, có một loạt tờ báo đã trích dẫn câu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” chỉ để mở bài cho một thực tế: bạo hành học đường đang diễn biến phức tạp.

Mối quan hệ giữa người với người trong học đường lại không phải “độc quyền phân phối” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như chương trình học cung cấp kiến thức. Nó đòi hỏi sự vun vén của cả thầy cô, học sinh, nhà quản lý, và đặc biệt là gia đình.

Bạn có thể đang ở trong một nhóm chat của phụ huynh, hoặc đã nghe kể về những nhóm chat của phụ huynh nơi mà các cuộc cật vấn theo kiểu “người mua - người cung cấp dịch vụ” diễn ra cộc cằn. Giáo dục đúng là một dịch vụ, nhưng không có dịch vụ nào lại chứa đựng các mối quan hệ người-người mong manh đến thế. Mong manh vì chủ thể nhận chăm sóc là những đứa trẻ chưa hoàn thiện về tinh thần. Sau một cuộc gây lộn với người giao hàng, bạn có thể trút bực dọc bằng cách chấm anh ta một sao trên ứng dụng. Cái giá phải trả nếu một mối quan hệ rạn nứt trong môi trường học đường là không thể đo được (vì ai mà biết nó tác động thế nào đến “niềm vui”, hay là tâm hồn những đứa trẻ?).

Việt Nam trong 40 năm qua chứng kiến một cuộc lột xác hoàn toàn từ tư duy kinh tế bao cấp sang tư duy kinh tế thị trường. Nôm na là từ việc nhà nước cấp phát sang việc mua bán bằng tiền, bằng sức lao động. Rất nhiều dịch vụ công hoàn toàn trở thành giao dịch bán-mua. Nhưng việc áp sự thay đổi khái niệm nôm na này lên giáo dục, tạo ra nhiều bi kịch: dẫu bạn có chi tiền, thầy cô không thể được coi là người cung cấp dịch vụ thuần túy được.

Bạn liệu có vô tình biết một “kịch bản hút khách” nào đó trong mối quan hệ tay ba giữa nhà quản lý, thầy cô và phụ huynh. Khi một phụ huynh trong lớp phàn nàn, thầy cô lập tức bị thuyên chuyển, bất chấp sự buồn rầu của các bố mẹ khác – và việc đứt gãy kết nối mới chớm hình thành giữa thầy và trò. Một thầy khác được điều tới làm chủ nhiệm, và làm quen lại với lớp từ đầu. Nhà quản lý giờ cũng có thể bị trấn áp bởi cái tư duy “cung cấp dịch vụ” trong thời đại mà ai cũng có quyền lên mạng bóc phốt này. Nhưng cái giá phải trả khi đặt vấn đề như thế là gì? Thầy, cô sống cùng các con đôi lúc nhiều hơn cha mẹ (người có thể chỉ ăn với nó một bữa cơm một tiếng rưỡi mỗi ngày và thăm hỏi bâng quơ), có thay thế được như là thay nhân viên phục vụ ở nhà hàng không?

Có rất nhiều ví dụ và trạng huống để thấy rằng mối quan hệ tình cảm giữa người và người trong môi trường học đường có thể bị thách thức ra sao, và vô tình bị làm tổn thương như thế nào. Câu hỏi để bạn suy nghĩ: Bạn muốn người viết lên câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là một Trương Quang Lục, hay chỉ đơn thuần là một người cung cấp dịch vụ đơn thuần? Bạn có muốn con mình mang tình cảm như người học trò trong bài “Bụi phấn” không?

Đức Hoàng

Dạy có vui thì học mới vui

Dạy có vui thì học mới vui. Nói vậy dễ gây hiểu lầm rằng để trẻ có thể có được không khí vui vẻ khi đến trường, và từ đó kích thích sự ham học của trẻ, rất cần giáo viên phải có phương pháp dạy không cứng nhắc, linh động, dí dỏm và cuốn hút. Đúng là những thầy cô giáo có lối truyền đạt giàu cảm hứng và dễ tạo nụ cười luôn được học trò yêu thích thật nhưng không phải lối giảng dạy ấy là chuẩn mực mà mọi thầy cô nên làm theo. Phong cách sư phạm, phương pháp sư phạm của mỗi thầy cô là mỗi khác. Khó có thể bắt một thầy cô vốn giàu mô phạm, nghiêm túc, thậm chí là nghiêm khắc, phải thay đổi để bục giảng mang tính “giải trí” hơn. Kỳ thực, “dạy vui” ở đây hàm ý khác. Đó chính là việc trả lời câu hỏi “Làm thế nào để các thầy cô đến trường luôn trong trạng thái tâm lý vui vẻ nhất?”.

Hãy hình dung, một lớp học với sĩ số 60 học sinh của trường công lập khác gì với một lớp học sĩ số chỉ bằng 1/3 ở trường quốc tế? So sánh trường công với trường quốc tế tất nhiên là khập khiễng, và lố bịch. Nhưng việc so sánh sĩ số một lớp cho thấy áp lực tâm lý mà một giáo viên trường công nhận về không chỉ gấp 3 lần một giáo viên trường quốc tế theo lượng tính sĩ số trên lớp. Nói không ngoa, nếu không phải là người có bề dày kinh nghiệm, cùng một sức chịu đựng phi thường, một giáo viên công lập hoàn toàn có thể phát điên chỉ sau vài năm đi dạy.

Trong buổi gặp mặt trực tuyến các đại diện giáo viên cả nước vừa qua của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, có một ý kiến của một thầy giáo lớn tuổi rất đáng được quan tâm và chính Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lập tức ghi nhận đóng góp của thầy. Đó là thầy Nguyễn Văn Hiếu đến từ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội. Ông kể lại kinh nghiệm của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong việc khắc phục vấn nạn bạo lực học đường. Đi từ phân tích các ảnh hưởng tâm lý mà học trò đón nhận từ gia đình và thầy cô giáo, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tổ chức các khóa bồi dưỡng tâm lý học cho giáo viên để họ lấy lại cân bằng sau áp lực và có một thái độ sống, thái độ tiếp cận tích cực. Chính vì thái độ tích cực ấy, tác động đến học sinh là cực lớn. Thầy Hiếu đề xuất lên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn rằng mỗi trường nên có giáo viên tâm lý và nên thường xuyên có các khóa bồi dưỡng tâm lý cho giáo viên.

Chuyện giáo viên tâm lý có mặt ở trường học thực tế là cực phổ biến ở các trường quốc tế. Còn ở các trường công, sau bao nhiêu lần cải cách giáo dục, qua bao đời bộ trưởng, hầu như chưa một trường công nào có một giáo viên tâm lý đúng nghĩa.

Rất may mắn cho tôi là thời gian gần đây, trên Facebook cá nhân của mình, tôi được trao đổi với rất nhiều giáo viên trên khắp cả nước. Lắng nghe những câu chuyện của họ, nhất là những bức xúc mà họ kể ra, tôi nhận thấy đề xuất đưa nghề giáo viên mầm non vào dạng ngành nghề độc hại là đúng đắn. Thậm chí, nếu chuẩn xác hơn nữa, nên đưa nghề giáo vào diện ngành nghề độc hại chứ không chỉ riêng mảng giáo dục mầm non đơn thuần.

Một trong những ý kiến tôi được nghe nhiều nhất chính là các than phiền của giáo viên từ áp lực thành tích. Với cách xét tuyển đại học hiện nay, chủ yếu căn cứ trên học bạ và điểm thi tốt nghiệp, áp lực thành tích còn lớn hơn nữa. Đơn cử, các giáo viên ở một trường THPT còn gửi tôi bảng điểm thi thử tốt nghiệp cùng với học bạ cuối năm của các em học sinh lớp 12 năm học 2022- 2023 vừa rồi. Phần lớn điểm thi thử chỉ đạt ở mức 4-7 điểm nhưng bất ngờ nhất là gần như 100% học bạ các em đều trên 9,0. Chính các thầy cô của trường này cho tôi biết “Chấm cho các em được trên 9 điểm cho đẹp học bạ là nhiệm vụ chứ không phải là đánh giá chuẩn mực công tâm theo tiêu chuẩn của nghề”.

Áp lực khiến việc chấm điểm giả kiểu này đến từ hai hướng. Thứ nhất là từ một bộ phận không nhỏ phụ huynh học sinh với nỗi ám ảnh thường trực rằng “không vào đại học thì con mình biết làm cái gì?”. Họ chỉ cần thấy con mình chưa đạt điểm cao như ý muốn là lập tức có những than phiền với Ban giám hiệu. Than phiền này dẫn tới chuyện giáo viên hoàn toàn có thể bị thay thế bất kỳ khi nào mà phụ huynh không hài lòng. Thứ hai là áp lực đến từ chính Ban giám hiệu, từ giáo viên chủ nhiệm. Với chỉ tiêu được nhiều trường áp dụng là chỉ cần lớp có 1 học sinh yếu thì giáo viên chủ nhiệm không đạt thành tích thi đua cuối năm, chấm điểm nương tay đã thành một cái phao cứu sinh đúng nghĩa cho các thầy các cô.

Nhưng một khi triền miên phải chấm bài theo kiểu ấy, sự cắn rứt với giáo viên sẽ nảy sinh. Khi sự cắn rứt ấy kéo dài, nó tạo nên một trạng thái tinh thần rất mệt mỏi, thậm chí có thể là trầm cảm. Nếu giáo viên đến trường với tâm trạng như vậy, thử hỏi họ sẽ đối diện học sinh thế nào, học sinh có thể cảm thấy vui trong từng tiết học hay không?

Những điều kể trên là phổ biến trong giáo dục hiện nay song đó cũng chưa phải là thứ duy nhất tạo ra một không khí chán nản cho giáo viên mỗi khi tới trường. Đời sống khó khăn cộng với chế độ đãi ngộ chưa tương xứng còn tạo ra một áp lực tinh thần khác khủng khiếp hơn. Một ví dụ rất cơ bản và cũng khá nóng hổi chính là tình trạng của các giáo viên mầm non ở Tuyên Quang hiện nay. Cả tỉnh còn tồn đọng lại 1.395 giáo viên mầm non chưa được vào biên chế và đang làm việc dưới dạng “hợp đồng 60” (hợp đồng căn cứ theo quyết định số 60/2011/QĐ-TTg). Và oái oăm cho họ là trong số 1.395 “hợp đồng 60” ấy, người thì được ký một bản hợp đồng ghi là “hợp đồng trong biên chế”; người thì ký bản hợp đồng ghi “không trong biên chế”. Nhưng đa số họ đều có thời gian làm giáo viên mầm non ít nhất cũng 7-8 năm, thậm chí có người đã cống hiến 20 năm. Và khi Bộ Nội vụ ra công văn số 5378/BNV-CCCV đề nghị các địa phương tuyển dụng đặc cách vào biên chế các giáo viên mầm non, phổ thông cơ sở đang ở dạng “hợp đồng 60” mà có đóng bảo hiểm từ trước 31/12/2005, đa số trong 1.395 giáo viên kia đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Tuyên Quang đã có báo cáo tuyển dụng đặc cách hoàn tất từ 2022. Số giáo viên tồn đọng bắt buộc phải tham gia thi tuyển và tất cả họ đều chung một suy nghĩ “thi là trượt chắc”. Đau lòng hơn cả, nhiều cô giáo đang làm việc ở các xã vùng sâu, vùng xa và khi họ không nhận được đãi ngộ xứng đáng, điều gì sẽ xảy ra với họ mỗi khi họ bước tới mái trường mà mình làm việc? Chắc chắn sẽ không thể có được một tâm trạng tốt để “dạy vui” được rồi.

Làm thế nào để mỗi ngày đi học là một ngày vui? Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi mái trường đón nhận học sinh là một môi trường vui tươi và tích cực. Nhưng những vui tươi và tích cực đó không chỉ đến từ cơ sở vật chất, từ hoạt động ngoại khóa, từ bạn bè mà phải đến từ những người thầy. Nói gì thì nói, tới trường là để học chứ không phải để chơi. Mà để học thì cần phải có người dạy. Chỉ có người dạy vui thì mới có thể có người học cũng vui. Nhưng quan trọng, ai biết, ai dấn thân để quyết làm cho giáo viên được vui đây?

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/di-hoc-phai-vui-i704988/