Di dời nghĩa trang lịch sử của Ai Cập dấy lên những lo ngại về di sản

Chính phủ của tướng Sisi phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì kế hoạch phá hủy các nghĩa trang cổ ở Cairo để tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường giao thông đô thị. Kế hoạch này đang bị chỉ trích gay gắt vì ưu tiên các dự án đường bộ hơn là bảo tồn di sản văn hóa.

Đây là sự nâng cấp cần thiết

Kể từ năm 2020, chính quyền Cairo đã di dời hàng nghìn hài cốt người chết khỏi một nghĩa trang ở phía Nam thủ đô Ai Cập, bao gồm các khu vực trong “Thành phố của người chết” đã được UNESCO xếp hạng, một khu chôn cất rộng lớn chứa hài cốt của các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng, chỉ huy quân sự, nghệ sĩ và trí thức, đến vùng ngoại ô của vùng sa mạc Cairo.

Một phụ nữ sống ở “Thành phố của người chết” đứng gần phần còn lại của nghĩa trang đã bị phá hủy ở Qarafa Imam al-Shafi'i, do một dự án xây dựng mới trên đường Salah Salem, Cairo, Ai Cập, ngày 31/5/2023. Ảnh: Reuters

Mục tiêu chính của kế hoạch được cho là nhằm bảo tồn tính toàn vẹn của những hài cốt này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến cơ sở hạ tầng khác nhau, chẳng hạn như xây dựng đường sá và công viên công cộng. Tuy nhiên, động thái này làm dấy lên sự bất bình giữa người thân của những người được chôn cất tại địa điểm này, những người lo sợ việc cắt đứt mối liên hệ với người thân yêu của họ và các chuyên gia di sản, những người bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về khả năng mất đi địa điểm lịch sử.

Mustafa al-Sadek, một chuyên gia di sản và là người sáng lập nhóm vận động hành lang Facebook Bảo vệ các nghĩa trang lịch sử của Cairo, nói rằng “Nghĩa trang phía Nam Cairo chứa những ngôi mộ hiếm - những ngôi mộ ghi lại lịch sử Ai Cập”. Nhóm của Sadek nghiên cứu giá trị lịch sử và kiến trúc của các ngôi mộ trong khu vực. Ông mô tả việc di dời nghĩa trang là một “tội ác”.

Nghĩa trang, được chia thành nhiều khu vực có vị trí gần nhau, là nơi chôn cất số lượng lớn các nhân vật nổi tiếng của Ai Cập, chẳng hạn như Ahmed Urabi, một nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng thế kỷ 19 và là nhân vật kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Anh; Nữ hoàng Farida, vợ đầu tiên của Vua Farouq - vị vua cuối cùng của Ai Cập trước phong trào sĩ quan năm 1952; và Imam al-Shafii, người sáng lập một trong 4 trường phái luật Hồi giáo của người Sunni, qua đời năm 820.

Một số ngôi mộ của nghĩa trang có giá trị nghệ thuật quan trọng, với những viên bi đầy màu sắc và nhiều đồ trang trí và chữ khắc Hồi giáo. Souhir Hawass, giáo sư thiết kế đô thị tại Đại học Cairo cho biết “Đồ trang trí của một số ngôi mộ này được thực hiện bởi các nghệ sĩ và chuyên gia thư pháp Arab giỏi nhất thời bấy giờ. Những đồ trang trí này phản ánh rất nhiều tiêu chuẩn nghệ thuật cao đang thịnh hành vào thời điểm đó”. Và, một giếng nước có từ thời Mamluks, hàng trăm năm trước, đã được phát hiện trong khu vực vào đầu tháng 6 khi những người thợ đào tiến hành công việc phá dỡ các tòa nhà như một phần của dự án đã được lên kế hoạch.

Chính phủ Ai Cập cho biết việc chuyển giao là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm khôi phục khu phố Hồi giáo của thủ đô Ai Cập, một phần của thành phố bao gồm các khu vực và tòa nhà lâu đời, trong đó một số đã tồn tại hàng trăm năm. Những khu vực này, trong số nhiều khu vực khác, bao gồm Fatimid Cairo và nhà thờ Hồi giáo al-Azhar, trung tâm quan trọng nhất của việc học tập Hồi giáo Sunni được xây dựng hơn một nghìn năm trước.

Khu vực này cũng chứa thành Saladin, một pháo đài Hồi giáo thời Trung cổ ở Cairo được xây dựng hơn 800 năm trước để trở thành trung tâm cai trị và bảo vệ thành phố chống lại sự xâm lược của nước ngoài.

Chính phủ Ai Cập cho biết những địa danh quan trọng này khiến khu vực xung quanh chúng cần phải được nâng cấp, bao gồm cả việc phải loại bỏ các phần của nghĩa trang không còn phù hợp để sử dụng và khôi phục các phần khác không cản trở các dự án cơ sở hạ tầng đã được lên kế hoạch. Ibrahim Abdel Hadi, Phó Thống đốc Cairo, chia sẻ rằng: “Một hội đồng đặc biệt hiện đang xem xét cách tốt nhất để giải quyết khu vực và tìm giải pháp cho các vấn đề của nó”. “Đã có một số ngôi mộ bị nước ngầm làm hư hại và những ngôi mộ khác xuống cấp nghiêm trọng”, ông nói thêm.

Thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbouli đã đến thăm nghĩa trang vào ngày 24/6, bước vào một số ngôi mộ, bao gồm cả của Urabi và chứng kiến tình trạng tồi tệ của chúng. Một số ngôi mộ chứa đầy nước ngầm và những ngôi mộ khác đã bị bỏ quên trong nhiều năm. “Một số ngôi mộ xuống cấp đến mức không còn phù hợp để chôn cất người chết”, Thủ tướng Ai Cập nói với giới truyền thông bên lề chuyến công du của mình.

Trong một nỗ lực để giảm bớt những lo ngại xung quanh việc phá hủy, Thủ tướng Ai Cập tiết lộ trong chuyến thăm nghĩa trang vào tuần trước rằng chính phủ của ông đã xây dựng 20.000 ngôi mộ ở vùng ngoại ô sa mạc của Cairo để chứa hài cốt được di dời. Ông nói, nghĩa trang mới sẽ có một khu đặc biệt dành cho những người nổi tiếng Ai Cập đã khuất, được gọi là “Những ngôi mộ của những người vinh quang”. Ông tuyên bố rằng một số phần của địa điểm cũ sẽ được biến thành công viên công cộng, trong khi những phần khác sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án đường bộ nhằm chấm dứt tình trạng tắc nghẽn ở Cairo.

Tuy nhiên, rất ít người tin vào lời hùng biện trên. Một số lo ngại rằng Chính phủ Ai Cập sẽ lấy hài cốt của những người thân yêu của họ ra ngoài chỉ để sử dụng đất của nghĩa trang để xây dựng một cộng đồng đô thị mới và thu lợi từ việc bán tài sản ở đó. Gia tăng thêm sự tin cậy cho quan điểm như vậy là động thái của Chính phủ Ai Cập nhằm sơ tán khu vực xưởng thuộc da gần đó và xây dựng một khu phức hợp mới thay thế cho nó, nơi các căn hộ dự kiến sẽ được bán với giá hàng triệu bảng Ai Cập (1 bảng Ai Cập tương đương 764 đồng Việt Nam).

Giáo viên Osama Hamdi là một trong những nhà phê bình. Cha mẹ anh được chôn cất tại nghĩa trang phía Nam Cairo và anh nói rằng anh không thể tưởng tượng được cảnh đô thị hiện tại của Ai Cập lại chà đạp lên ngôi mộ của những người thân yêu nhất với anh. “Mọi người đều biết rằng vùng đất này sẽ được sử dụng để đầu tư đô thị trong tương lai. Chính phủ không muốn để lại cho chúng tôi bất cứ thứ gì, kể cả những ký ức của người chết”.

“Thành phố của người chết” ở Cairo là một nơi khác thường

Đây là nơi người sống và người chết cùng tồn tại. Thành phố rộng lớn có diện tích khoảng 7 km vuông, những ngôi nhà được tạo thành từ những căn phòng nhỏ với sân cát, trong đó có những ngôi mộ cổ. Không có điện và không có nước sinh hoạt, một số ngôi nhà tạm nằm trong các đền thờ xa hoa có những ngôi mộ bên trong phòng. Đôi khi đó là tổ tiên của những người thuê nhà, nhưng nói chung, việc chung sống được thực hiện với những người lạ.

Bà mẹ 5 con Naema Zaki chia sẻ “Tất cả chúng tôi ở đây quan tâm đến nhau, không giống như những người Carienes khác”. Ảnh: Reuters

“Vua Farouk được chôn cất gần nhà tôi,” Abdul Aziz Sahel, một người sống trong “Thành phố của người chết” chia sẻ, “Tôi đã sống ở đây tám mươi năm rồi”. Sahel và gia đình của ông ấy sống ở một trong những nơi ổ chuột không thể che giấu của Cairo.

Trong những năm qua, “Thành phố của người chết” đã phát triển từ một không gian yên tĩnh, trang nghiêm, thành một trong những khu ổ chuột lớn nhất, tồi tàn nhất của Cairo (theo Di Marco). Giữa hầm mộ và lăng mộ, giường và lò nướng được kê sát vào đá cẩm thạch, những ngôi mộ biến thành thứ chỉ có thể được mô tả là một cộng đồng nghèo khó có cổng ra vào. Không ai chắc chắn về dân số chính xác của những người sống trong “Thành phố của người chết”, mặc dù người ta cho rằng có hơn 1 triệu cá nhân “cùng tồn tại trong tình hàng xóm bệnh hoạn” với người chết.

Phải di dời do bị lấy đi đất canh tác hoặc thiên tai, mọi người đã phải ngồi xổm trong những hầm mộ bí mật, ngột ngạt để thoát khỏi tình trạng vô gia cư. Những người khác, vì thiếu không gian, đã xây dựng các công trình sắp đặt nhỏ - bằng gạch bùn dễ nhận biết - nằm gần giữa các khu lăng mộ và sâu trong nghĩa địa. Chúng không được phép nhưng được dung thứ như một minh chứng cho cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra ở Ai Cập và sự tồn tại cùng cực, không thể phủ nhận của tình trạng nghèo đói trên đường phố.

Việc bình thường hóa cái chết đã đi đôi với sự nghèo nàn này; “biểu hiện của sự đau buồn” là những nghi thức hằng ngày của người dân - từ việc chia sẻ chỗ ngủ chung với người chết, đến việc tái sử dụng quan tài gỗ làm bàn ủi. Giống như niềm tự hào ban đầu của Sahel, kiến trúc sư và học giả Reem Alaa nói rằng hầu hết cư dân “Thành phố của người chết” tự hào về sự sắp xếp của họ, vì thiếu quyền lực trong hệ thống phân cấp xã hội lớn hơn.

“Tôi thật may mắn”, Ismail, một người sống trong đó chia sẻ “Tôi là láng giềng của các hoàng tử và pasha”. Ismail không phải là người duy nhất chọn bầu bạn với người chết thay vì sống trên đường phố. Mặc dù tồn tại vô hình và ở dưới mức nghèo khổ, người dân cố gắng tìm một tia hy vọng trong tình trạng cùng cực của họ. “Cuộc sống ở đây thật yên bình”, Sahel thì thầm, “Sống với người chết là một điều tốt cho một người già. Họ không nói chuyện và rất yên lặng”.

Tương lai mơ hồ của người dân sống bên Người chết

Bất chấp sự lạc quan, dũng cảm của họ, cư dân “Thành phố của người chết” đã buộc phải sống cuộc sống dưới tấm màn che, bị tẩy chay ngay cả bởi những quận nghèo nhất trong cả nước. Nhiều cư dân nghĩa trang bị kỳ thị bởi các khu định cư không chính thức khác, bao gồm Manshiyat Nassir rộng lớn, còn được gọi là khu ổ chuột nghèo nhất Ai Cập và “Thành phố rác” của Cairo. Người dân giải thích sự khó khăn khi một cô gái kết hôn “có địa vị cao” trong xã hội với một người đàn ông Manshiyat Nassir.

Đôi vợ chồng sống trong “Thành phố của người chết”. Ảnh: Business Insider

Bị cô lập khỏi sự ồn ào và chính trị hỗn loạn của thủ đô, “Thành phố của người chết” nằm đối diện với Al-Azbakkiyyah, cạnh khu vực tàu điện ngầm mở rộng của nhà ga xe lửa Ramses. Trải dài hơn 6 km, đường phố không trải nhựa và không có ánh sáng, phụ thuộc vào ánh nắng buổi sáng và dây điện bất hợp pháp khi màn đêm buông xuống. Tuy nhiên, sự tĩnh lặng kinh niên của nó khác xa với những gì Cairo nổi tiếng, vẫn là đại diện cho các cuộc đấu tranh của nó.

“Tôi sẽ không di chuyển”, bà Zaki nói. “Tôi muốn thoát khỏi tâm trạng chán nản của nơi này, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi muốn sống lang thang trên đường phố. Chúng tôi xứng đáng có những ngôi nhà đàng hoàng”. Bất chấp nhu cầu đối thoại xã hội, tương lai “Thành phố của người chết” vẫn còn mơ hồ và không thể xác định được đối với hầu hết cư dân của nó. Dấu mộ vẫn được dùng làm bàn làm việc và “mùi thối rữa là một người hàng xóm kinh điển của nhiều người”. Trẻ em chạy qua những mê cung bằng đá vôi, được khắc những cái tên mà chúng còn quá nhỏ để phát âm, “Thành phố của người chết” là nơi sinh của họ.

Huyền Thanh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/di-doi-nghia-trang-lich-su-cua-ai-cap-day-len-nhung-lo-ngai-ve-di-san-i699229/