Di dời ga Hà Nội: Ý tưởng 'chống' lại… văn hóa?

Ga Hà Nội đã là một dấu ấn không chỉ với người dân Hà Nội mà còn hiện hữu trong tâm trí người dân cả nước. Vì thế, nếu di dời Ga Hà Nội, sẽ có những ý kiến trái chiều.

GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa, cho rằng: “Phát triển của Thủ đô cần tính đến bài toán giao thông thống nhất và chuyện di dời Ga Hà Nội cũng là một ý tưởng cần bàn tính cụ thể. Tuy nhiên, Ga Hà Nội là kỷ niệm, dấu ấn, khi nói đến chuyện di dời sẽ có nhiều ý kiến trái chiều”.

GS.TS Trần Lâm Biền đặt câu hỏi: “Di dời Ga Hà Nội thì sẽ làm gì trên đó?”. Theo quan điểm của ông, để hài hòa giữa giao thông và lịch sử, nếu có di dời Ga Hà Nội ra ngoại thành thì nơi đây nên xây dựng bảo tàng đường sắt.

“Di dời ga không có nghĩa triệt tiêu luôn hình ảnh Ga Hà Nội đã tồn tại hàng trăm năm qua. Nếu di dời để sử dụng khu “đất vàng” đó vào mục đích khác thì khó được người dân chấp nhận. Kể cả trường hợp xây dựng bảo tàng đường sắt mà đi kèm đó là những khu trung tâm thương mại, chung cư "nuốt chửng" bộ mặt của ga (hay bảo tàng sau này-PV) thì sẽ vấp phải ý kiến phản đối.

Đề xuất di dời Ga Hà Nội vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh minh họa).

Phát triển đô thị và bảo tồn giá trị văn hóa phải rành mạch. Ga Hà Nội cũng là di sản, bỏ ga là chống lại văn hóa. Quy hoạch xây dựng bảo tàng chẳng hạn, ở phần đất thừa làm sao không ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian của bảo tàng đường sắt. Theo tôi, nên lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học về vấn đề này”, GS.TS Trần Lâm Biền nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến ý tưởng di dời Ga Hà Nội, trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, đó là một ý tưởng cần cân nhắc, điều quan trọng di dời Ga Hà Nội không chỉ là câu chuyện “cái nhà ga” mà là cả tuyến đường sắt, di dời rồi thì diện tích ga sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

Theo quan điểm của TS. Phạm Sỹ Liêm, quy hoạch của Hà Nội phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Không chỉ riêng Ga Hà Nội là “đất vàng” mà rất nhiều thứ có giá trị như: Cầu Long Biên, đường sắt chạy dài hàng chục cây số... Còn đường sắt chạy xuyên Hà Nội sẽ được sử dụng làm gì hay tạo điều kiện để người dân lấn chiếm? Làm cái gì cũng phải xuất phát từ quy hoạch, nếu không sẽ trở nên lỗ mỗ.

“Di dời Ga Hà Nội thì quy hoạch làm việc gì và cần phải đấu giá công khai. “Đất vàng” phải đem lại lợi ích cho người dân chứ không phải rơi vào túi người khác. Bỏ Ga Hà Nội mà thay thế vào đó là một trung tâm thương mại chẳng hạn thì bài toán ùn tắc có được giải quyết?”, TS. Liêm nói.

ĐBQH, nhà Sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm: “Phía công an đưa ra đề xuất là dựa trên thực tế tình hình an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu di dời ga, cần bảo lưu lại giá trị của Ga Hà Nội, thậm chí khôi phục lại hình dáng ban đầu để giữ lại vẻ đẹp cổ điển cho Hà Nội”.

Hương Lan

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/di-doi-ga-ha-noi-y-tuong-chong-lai-van-hoa--a335537.html