Đi chữa bệnh, mắc thêm bệnh hoang mang...

Tại một bệnh viện chuyên khoa mắt ở TPHCM, tôi nhận được phiếu khám bệnh lúc đã gần 2 giờ rưỡi chiều. Đến trước cửa phòng khám được chỉ định, nhìn bảng điện tử thông báo 'số thứ tự - tên bệnh nhân' đến lượt vào khám, thấy còn cách tới mấy chục số, tôi yên chí ngồi chờ. Nhưng khi bảng điện cho biết gần đến lượt tôi thì một vị bác sĩ đi ra khỏi phòng khám. Từ lúc đó, số thứ tự trên bảng điện... đứng yên.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan nội dung bài viết phản ánh. Ảnh: Bệnh viện mắt Sài Gòn

Thời tiết Sài Gòn mùa này nóng oi khó chịu. Bệnh nhân ngồi gần kín sảnh chờ. Những con mắt bệnh thường chẳng muốn nhìn ngó ai trừ khi chúng chẳng may tình cờ gặp phải nhau. Thứ mà ai cũng có thể nhìn thấy là dãy phòng khám phía đối diện. Có năm phòng khám san sát nhau. Phía trước mỗi phòng, những thông tin được thiết kế rõ và to, ngoài số hiệu phòng khám và bảng “gọi” tên điện tử, là những bảng chữ “Không tiếp trình dược viên”. Bệnh nhân ngồi chỗ có góc nhìn rộng một chút là có thể thấy đủ cả 5 bảng chữ với cùng một nội dung như thế.

Chờ một hồi lâu, tôi sốt ruột bước tới khẽ gõ cửa phòng khám và chủ động ló đầu vô hỏi thăm để biết đích xác tình trạng không có bác sĩ khám bệnh, còn hồ sơ bệnh nhân thì đã được chất thành mấy chồng cao...

Lần này, tôi đi tái khám sau nửa tháng được cũng bệnh viện này điều trị viêm kết mạc. Thuốc đã hết nhưng mắt vẫn xót đau và tôi nhìn đọc kém hơn hẳn (lần trước đo thị lực trước khám thì một mắt 8/10, một 6/10; lần này cả hai con đều chỉ 6/10). Cả hai lần tôi đều sử dụng “khám dịch vụ”, bởi bạn bè mách nước “xài bảo hiểm y tế không được kê thuốc tốt...”. Chẳng biết họ nói có đúng không nhưng thôi thì xem như mua sự yên tâm vậy.

Nhưng theo kênh “dịch vụ” cũng vẫn phải chờ - một cách đầy kiên nhẫn. Tới gần 4 giờ chiều, trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện ý nghĩ không rõ các bác sĩ phải khám làm sao cho rất đông bệnh nhân với khoảng thời gian ít ỏi còn lại của ca làm việc. Dự cảm hoàn cảnh hôm nay không mấy thuận lợi, tôi nhanh chóng sắp xếp sẵn lời khai bệnh: chỉ hai ý thôi - hai ý quan trọng nhất, cần thiết nhất.

Vừa lúc ấy, vị bác sĩ lúc nãy quay trở lại phòng khám. Đáng mừng hơn là đi cùng ông có thêm một nữ bác sĩ nữa. Bệnh nhân nhanh chóng được gọi vào phòng. Phía trước bàn của mỗi bác sĩ lại có ghế chờ cho khoảng chục bệnh nhân. Tôi không hiểu vì sao họ lại cho nhiều bệnh nhân chờ ngay ở bàn khám đến vậy, cho tới khi “công nghệ khám bệnh” diễn ra trước mắt.

Theo thứ tự, tôi được gọi khám trước trong lượt bệnh nhân được gọi vào. Bà bác sĩ bảo tôi đưa mắt vào thiết bị chiếu đèn, đặt nhẹ ngón tay lên một bên mắt của tôi chỉ trong tích tắc rồi quay sang kê toa thuốc. Bệnh nhân là tôi cảm giác như ánh sáng đèn còn chưa lọt vào mắt, như bà bác sĩ chưa khám gì cả nên tôi tranh thủ nói, ý là nhờ bà xem toa thuốc tôi đã dùng vì hiện tôi nhìn đọc rất kém. Tôi còn chưa kịp nói ý thứ hai là mắt vẫn xót đau thì bà bác sĩ đã nói to: “Chị nhìn đọc kém thì phải ra phòng bên ngoài đo kiếng mà đeo”. Trời ạ! Sao bà cho là tôi chưa đo kiếng đeo chứ? Và bệnh nhân có cần phải khó nhọc tìm đến tận bác sĩ chỉ để nhận một chỉ định mà ngay cả đứa con nít cũng nói được hay không?

Bàng hoàng chưa biết nói gì thêm thì viên phụ tá của bà đã lịch sự mời tôi sang ghế khác cùng lúc với giọng bà bác sĩ gọi vang tên bệnh nhân kế tiếp. Toàn bộ cuộc khám bệnh mà tôi phải chờ đợi hàng giờ chỉ chưa tới ba mươi giây. Nhưng cảm giác còn đau buồn hơn là khi tôi nhận lại toa thuốc với kết quả chẩn đoán bệnh... lão thị. Tôi không biết tỷ lệ người ngoài 50 tuổi không bị lão thị là bao nhiêu nhưng lòng chết lặng!

Đã hơn 4 giờ chiều. Hai phía cửa nhà thuốc bệnh viện thì một phía đã hạ cánh. Tôi phải nhanh chóng quyết định có nên mua toa thuốc chữa lão thị hay không. Thấy toa cho một thứ thuốc nhỏ mắt, một thứ gel tra mắt và một loại viên uống dầu cá, tôi nộp toa để mua vì mắt tôi thật sự vẫn cần thuốc tra. Nhân viên phòng thuốc gọi tên tôi với tổng số tiền thuốc gần sáu trăm ngàn đồng. Một chút băn khoăn khi thấy toa chữa lão thị nhiều tiền gấp rưỡi toa chữa viêm kết mạc. Tôi ra về với mớ thuốc trên tay mà tâm trí miên man nghĩ về việc tên họ của các vị bác sĩ được ghi lưu rất rõ ràng trên hóa đơn tiền thuốc cùng hình ảnh ấn tượng của những hàng chữ “Không tiếp trình dược viên”.

Về đến nhà hồi lâu rồi mà lòng vẫn buồn rười rượi vì tôi không trả lời nổi tại sao mình phải đi khám bệnh. Bệnh mắt chưa chữa xong giờ mang thêm bệnh hoang mang! Chợt nhớ câu chuyện của người phụ nữ ngồi cạnh tôi lúc chờ khám bệnh: “Tôi ở Buôn Ma Thuột, dẫn đứa con vào đây nhập học và tranh thủ dịch vụ y tế tốt. Nhưng phải chờ thế này thì không về kịp hôm nay, đành phải ở lại thành phố thêm một đêm nay nữa...”.

Phương Đào (TPHCM)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293318/di-chua-benh-mac-them-benh-hoang-mang-.html