Đi chợ sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người 'ngã ngửa' khi nghe báo giá

Hàng loạt các loại rau củ quả và thực phẩm thiết yếu đã được các tiểu thương bày bán trở lại tại các khu chợ, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ khi hỏi giá.

Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 7 ngày, các siêu thị, cửa hàng và các khu chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, khác với ngày thường, khung cảnh mua bán khá thưa thớt, vắng vẻ.

Cầm trên tay 2 cây rau súp lơ xanh và túi rau tầm bóp, chị Hương, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết khá bất ngờ khi giá rau xanh ở Hà Nội còn rẻ hơn ở quê.

“Hôm qua nhà tôi từ Nam Định đi Hà Nội cũng mua khá nhiều rau củ, thực phẩm mang đi. Tối nay cả nhà định ăn lẩu nên ra chợ mua thêm ít gia vị, ai ngờ bà bán rau ế quá, nhờ mua giúp, hỏi giá thì rẻ giật mình", chị Hương nói.

Rau củ quả sau Tết có giá khá bình ổn do lượng khách mua thưa thớt, vắng vẻ.

Theo chị Hương, trước Tết, vào khoảng ngày 28 tháng Chạp, chị phải mua 15-20 nghìn đồng/cây súp lơ xanh, 20 nghìn đồng/kg cà chua, rau cải bắp 15 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá hôm nay chị mua giảm chỉ còn một nửa.

"Cứ nghĩ ở Hà Nội vài ngày sau Tết sẽ còn đắt hơn, ai ngờ rẻ bằng nửa ở quê. Súp lơ xanh hôm nay tôi mua chỉ 15 nghìn đồng/2 cây to, bắp cải 8 nghìn đồng/kg, cà chua 10 nghìn đồng/kg, rau cải canh 4 nghìn đồng/bó, rau cải cúc 20 nghìn đồng/4 bó, rau tầm bóp 5 nghìn đồng/bó”, chị Hương nói thêm.

Không chỉ các loại rau xanh có giá rẻ bất ngờ, chị Nga, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) còn cho biết, các loại hoa quả cũng có giá rất rẻ.

Hàng hóa ngập kệ ở siêu thị nhưng cũng khá vắng vẻ.

Cụ thể, hoa cúc chỉ 3 nghìn đồng/bông, táo nhỏ 20 nghìn đồng/kg, ổi 25 nghìn đồng/kg, chuối phấn 15 nghìn đồng/2 nải, dâu tây 140 nghìn đồng/kg loại to, 70 nghìn đồng/kg loại dâu bi ve…

Theo ghi nhận của PV tại một số chợ dân sinh vào những ngày dầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá các loại rau củ quả không có dấu hiệu tăng so với ngày thường.

Do quá vắng khách, nhiều người phải mang rau từ trong chợ ra ngoài đường bán.

Giá thịt lợn phổ biến ở mức từ 110-150 nghìn đồng/kg. Cao nhất là thịt nạc nọng có giá 150 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ và sườn thăn có giá 140-150 nghìn đồng/kg; vai sấn, mông sấn có giá chỉ 110 nghìn đồng/kg…

Giá thịt bò vẫn dao động ở mức 250-350 nghìn đồng/kg, tùy loại. Các loại cá như cá chép giòn có giá 150-160 nghìn đồng/kg, cá trắm trắng 70-90 nghìn đồng/kg, cá trắm đen có giá 180 nghìn đồng/kg…

So với những ngày cận Tết và Tết, giá thực phẩm đã giảm một nửa nhưng theo quan sát của PV, lượng khách mua bán vẫn còn khá thưa thớt. Tại một số siêu thị, hàng hóa đã đầy kệ nhưng vẫn khá vắng vẻ.

Bình thường ngồi gian hàng rau phía trong chợ nhưng mấy hôm nay, bà Thủy, tiểu thương tại Đống Đa (Hà Nội) bày rau ra tận ngoài vỉa hè để bán nhưng vẫn ế.

Súp lơ xanh có giá 7-8 nghìn đồng/cây.

“Trước Tết thì đắt hàng nhưng ra Tết năm nào cũng vắng khách. Năm nay tôi mở hàng từ mùng 4 nhưng hôm nay mùng 7 rồi vẫn chỉ có vài người đi chợ mỗi ngày. Chắc mọi người ở quê lên mang theo nhiều đồ, phải qua rằm tháng Giêng mới đông trở lại”, bà Thủy nhận định.

Theo bà Thủy, do quá vắng khách nên bà bán bằng giá nhập, nài nỉ khách mua nhưng vẫn ế. Cả chợ bình thường có chục hàng bán rau thì giờ có 2 người bán, thịt lợn hay thịt bò, cá cũng chỉ có 1-2 người bán do nắm bắt nhu cầu mua sắm của người dân chưa nhiều.

Hồng Cảnh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/i-cho-sau-ky-nghi-tet-nhieu-nguoi-nga-ngua-khi-nghe-bao-gia-a649935.html