Đi chợ đồ cũ

Trung tâm thương mại, cửa hàng cửa hiệu mọc lên khắp nơi ở thành phố. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn có thói quen đi săn lùng đồ cũ, vừa là cách để gợi lại ký ức; đồng thời mong muốn sở hữu những món đồ độc đáo, mà giá thành lại rất phải chăng.

Đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM) đoạn gần cầu vượt Phạm Văn Đồng, không biết từ khi nào, hàng loạt cửa hàng bán đồ cũ mọc lên san sát nhau. Mỗi cửa hàng chẳng khác nào một tiệm tạp hóa đồ cũ với đủ chủng loại hàng hóa: các loại chai rượu đã qua sử dụng, thiết bị điện tử, đồ đồng, giày dép, đồ gia dụng… Nhìn bề ngoài, những cửa hàng đồ cũ này mang cái vẻ bừa bộn, đôi khi luộm thuộm, bởi bên cạnh những gian hàng được chất đống trong những ngôi nhà chật chội, đa phần người bán hàng bày đồ ngay trên vỉa hè, khách mua đều phải ngồi xổm lựa đồ. Có lẽ, vì thế nó hợp với cái kiểu chân chất, quê mùa.

Một cửa hàng bày bán đồ cũ trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM)

Vòng sang đường Phạm Văn Đồng, không khó để bắt gặp thêm những gian hàng đồ cũ trên hè phố như thế. Cũng là bày biện trên vỉa hè, nhưng mọi thứ dường như có phần ngăn nắp hơn. Hay trở ngược sang đường Phổ Quang, đoạn gần giao với đường Trường Sơn, vỉa hè chật chội cũng trở thành điểm tập kết đồ cũ, không ít thời điểm đông đúc người dừng mua.

Ở TPHCM, ngoài những chợ đồ cũ mọc lên tự phát, sau này có nhiều khu chợ đã có tên tuổi, phân theo ngành hàng khá rõ rệt. Ví như, muốn mua các loại linh kiện, thiết bị điện tử không thể không ghé chợ Nhật Tảo (quận 10). Đường Lê Công Kiều (quận 1) trở thành phố đồ cổ nức tiếng. Chợ Dân Sinh (quận 1) được xem là nơi lưu giữ ký ức thời “ông bà anh” với rất nhiều món đồ gợi nhớ về thời kỳ bao cấp, chiến tranh. Chợ Hoàng Hoa Thám, Nghĩa Hòa (quận Tân Bình) hay chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) lại là “thủ phủ” của các loại quần áo “sê cân hen” (second hand - PV). Chợ Phạm Văn Bạch, đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) hay đường Hà Huy Giáp (quận 12)… tập trung đồ gia dụng cũ. Muốn mua sách cũ, không thể không ghé đường Trần Nhân Tôn (quận 5)…

Với những chợ đồ cũ họp theo phiên, chỉ vào cuối tuần như ở đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) hay họp mỗi ngày, không khó để bắt gặp không khí mua bán luôn sôi động. Người tìm đến các phiên chợ đồ cũ thuộc đủ giai tầng. Có những người thuộc lứa U70, U80 muốn tìm lại những món đồ của ký ức hoặc chỉ đơn giản đi chợ để nhìn ngắm. Người trẻ đến với các gian hàng ngoài mục đích mua đồ giá rẻ cũng tò mò những món đồ có tuổi thọ gấp nhiều lần tuổi đời của mình sẽ như thế nào. Nhiều người sưu tầm đồ cũ hầu như hiếm khi vắng mặt, với mong muốn tìm được những món đồ còn thiếu trong bộ sưu tập của mình. Và, cứ như thế, cái sôi động, nhộn nhịp của các khu chợ đồ cũ cũng đang góp phần vào bức tranh muôn màu của thành phố phương Nam này.

Theo thời gian, đi chợ đồ cũ còn là xu hướng, là biểu hiện của lối sống xanh. Người ta mang các món đồ đến các phiên chợ hay bày bán trên các trang mạng xã hội, đặc biệt thu hút giới trẻ với tâm lý “cũ người mới ta”. Chuyện giá rẻ đã thành một lẽ, mua một món đồ cũ từ quần áo, sách vở hay một vài vật dụng gia đình cũng là cách “truyền tay”, góp phần nối dài vòng đời cho chúng. Những phiên chợ cũ như thế còn là nơi để chia sẻ kinh nghiệm sử dụng đồ tái chế, làm các món đồ tái chế từ những thứ tưởng chừng bỏ đi.

Chợ cũ nhờ thế, lại được khoác thêm một chiếc áo mới, ý nghĩa hơn, nhân văn hơn và ngày càng có sức lan tỏa trong đời sống.

MINH KHÔI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/di-cho-do-cu-post686823.html