Đi bộ một đoạn lại tập tễnh: Triệu chứng cảnh báo nguy cơ xơ vữa động mạch

Đau cách hồi (Tiếng Anh: Claudication) là một triệu chứng cảnh báo nguy cơ xơ vữa động mạch, có liên quan tới rủi ro tim mạch và đột quỵ tăng lên. Đau cách hồi dễ bị nhầm lẫn với đau dây thần kinh chi dưới.

Đau cách hồi là dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch, có nghĩa là mảng bám đã tích tụ trong động mạch ở chân của bạn và gây tắc nghẽn. Điều này khiến máu khó lưu thông hơn.

1. Triệu chứng đau cách hồi

Đau cách hồi là gì? Đau cách hồi được mô tả là cảm giác đau và khó chịu ở đùi, bắp chân hoặc mông xảy ra khi vận động và giảm bớt sau khi nghỉ ngơi bằng cách thõng chân.

Thông thường, chứng đau cách hồi bao gồm chuột rút và đau ở nhiều cơ chân khác nhau khi đi bộ, sau đó sẽ thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng có xu hướng lặp đi lặp lại (tái phát) sau một khoảng thời gian đi bộ nhất định và biến mất sau vài phút nghỉ ngơi, sau đó khi bạn di chuyển lại, cơn đau lại tiếp tục xảy ra khiến bạn phải khập khiễng nhiều hơn để di chuyển từng đoạn ngắn, vừa đi vừa nghỉ.

Nếu người bệnh hoạt động nặng, chạy nhanh, đi lên dốc, hoặc lội nước, cơn đau sẽ xuất hiện sớm hơn so với đi trên đường bằng phẳng.

Đau cách hồi khiến một người gặp khó khăn khi di chuyển một quãng đường (Ảnh: ST)

Triệu chứng này được cho là có liên quan tới một hoặc nhiều nhóm cơ chính ở chân bao gồm bắp chân, đùi, mông hoặc bàn chân. Cơn đau cách hồi có thể khác nhau tùy từng vị trí cơn đau ở tay hay ở chân cũng như nhóm cơ bị ảnh hưởng. Bắp chân là vị trí thường xuất hiện các triệu chứng nhất, đặc biệt là chuột rút. Đau cách hồi ở mông chủ yếu là đau nhức và cảm thấy yếu khi leo cầu thang.

Như đã nói ở trên, đau cách hồi thường là triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên, trong đó các động mạch ở chân và tay bị co lại, ảnh hưởng đến tuần hoàn. Bởi vì thế mà đau cách hồi ở chân có thể xuất hiện cùng với các triệu chứng khác của bệnh động mạch ngoại biên, bao gồm:

- Yếu cơ

- Lông chân bị rụng

- Da có cảm giác mịn màng, sáng bóng, tái nhợt chân khi giơ lên cao

- Tê

- Ngón chân lạnh hoặc hay bị tê...

Ở giai đoạn nặng hơn có thể xuất hiện các vết loét và vết loét lâu lành kèm theo các cơn đau dữ dội dẫn tới liệt.

Đau cách hồi ở tay

Mặc dù tình trạng đau cách hồi tường thấy ở chi dưới (chân) nhưng bệnh động mạch ngoại biên cũng có thể ảnh hưởng tới cánh tay. Theo Very Well Health, khoảng 10% người bị bệnh động mạch ngoại biên bị đau, chuột rút, tê và yếu cơ ở cánh tay.

Phân biệt triệu chứng đau cách hồi do bệnh động mạch và đau nhức chân do nguyên nhân thần kinh

Khác với các triệu chứng đau cách hồi thì đau nhức do nguyên nhân thần kinh khiến một người có cảm giác đau tăng lên khi di chuyển, đặc biệt là khi bắt đầu di chuyển ở những bước đầu tiên tới toàn bộ quãng đường di chuyển (đau cách hồi là từng quãng nhỏ). Theo thời gian, khi dây thần kinh bị chèn ép mà không được kiểm soát chữa trị có thể gây ra các triệu chứng như kiến bò, tê ran chi, teo cơ hoặc giảm cảm giác bàn chân,... trong khi mạch máu ở chân vẫn lưu thông máu tốt, nhìn thấy rõ ràng, hồng hào và ấm khi sờ vào.

2. Nguyên nhân gây ra chứng đau cách hồi là gì?

Lưu lượng máu đến các chi không đủ được cho là nguyên nhân gây ra chứng đau cách hồi. Đặc điểm đặc trưng của bệnh động mạch ngoại biên là xơ vữa động mạch, khiến động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do các mảng mỡ tích tụ và quá trình lưu thông máu kém đi.

Có một số yếu tố nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch, bao gồm:

- Hút thuốc là yếu tố quan trọng nhất

- Bệnh tiểu đường type 2

- Cholesterol cao

- Huyết áp cao

- Bệnh thận maxnt ính

- Tuổi tác (nam trên 55 tuổi và nữ trên 60 tuổi)

- Không có thói quen hoạt động thể chất

- Bị thừa cân hoặc béo phì

- Tiền sử gia đình từng có người bị xơ vữa động mạch.

3. Chẩn đoán

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra chứng đau cách hồi là gì, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng đau mà bạn gặp phải, đó có thể là:

- Vị trí đau, cường độ đau và thời gian kéo dài cơn đau

- Các bệnh lý hiện tại đang gặp phải là gì?

- Tình trạng sưng, đỏ, đau nhức hoặc vết loét chậm lành như thế nào?

- Có đang hoặc từng có thói quen hút thuốc lá không?

- Tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim hoặc các tình trạng tim mạch khác.

Tùy từng tình trạng mà bác sĩ có thể chỉ định thêm:

- Các kiểm tra thể chất (bao gồm kiểm tra mạch ở chân hoặc tay, kiểm tra lưu lượng máu bất thường bằng ống nghe, đánh giá trực quan các vết thương)

- Xét nghiệm máu (kiểm tra cholesterol, chất béo trung tính, lượng đường trong máu)

- Chỉ số huyết áp cổ chân - cánh tay (ABI)

- Đánh giá chỉ số ABI sau khi gắng sức

- Bài test đi bộ 6 phút (Six-minute walking test)

- Siêu âm Doppler đo dòng chuyển động trong mạch máu

- Chụp động mạch vành thông qua chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ,...

Tùy từng cá nhân mà phương pháp điều trị chứng đau cách hồi sẽ được điều chỉnh khác nhau (Ảnh: ST)

4. Điều trị tốt nhất cho chứng đau cách hồi là gì?

Tùy từng cá nhân mà phương pháp điều trị chứng đau cách hồi sẽ được điều chỉnh khác nhau bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và các liệu pháp khác đều đóng một vai trò nhất định. Mục tiêu điều trị chính là cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh động mạch ngoại biên trở nên nghiêm trọng hơn hoặc nguy hiểm hơn.

Điều cơ bản trong điều trị đau cách hồi liên quan tới quản lý các yếu tố nguy cơ của tình trạng này, bao gồm:

- Bỏ hút thuốc lá: Do thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đáng kể với bệnh động mạch ngoại biên nên việc bỏ thuốc lá là điều cần thiết để kiểm soát chứng đau cách hồi.

- Tập thể dục: Vận động thể chất thường xuyên hơn để kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Đi bộ theo chương trình mà bác sĩ trị liệu vạch ra, đó có thể là đi bộ có kiểm soát tốc độ và độ dốc khi cơn đau ở mức vừa phải sau 5 - 7 phút và nghỉ ngơi cho cơn đau dịu bớt sau đó đi bộ trở lại với mục tiêu khoảng 30 phút mỗi ngày.

- Quản lý tốt bệnh tiểu đường: Kiểm soát bệnh tiểu đường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cơn đau cách hồi. Do tiểu đường không chữa khỏi hoàn toàn được nên bạn cần tuân thủ theo phác đồ điều trị duy trì của bác sĩ bao gồm thuốc kiểm soát lượng đường trong máu, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục đầy đủ.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống là nguyên tắc để quản lý cân nặng hiệu quả, giảm bớt áp lực lên chi dưới cũng như giúp giải quyết các vấn đề liên quan tới tiểu đường và cholesterol cao.

Thuốc cũng có thể được chỉ định, bao gồm pentoxifylline giúp giảm độ nhớt (độ dày) của máu để máu có thể lưu thông dễ dàng hơn trong các mạch máu nhỏ hay cilostazol ngăn ngừa kết tập tiểu cầu và mở rộng mạch máu.

Các loại thuốc để hạ huyết áp, giảm triệu chứng và kiểm soát các tình trạng liên quan như thuốc ức chế ACE, thuốc điều trị cholesterol cao, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống đông máu,... sẽ được kê tùy vào tình trạng bệnh mãn tính bạn đang gặp phải là gì. Thuốc chẹn beta có thể không được kê trong trường hợp bị đau cách hồi do những tác dụng phụ không phù hợp lên tuần hoàn máu ngoại vi của nhóm thuốc này.

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bệnh động mạch ngoại biên tiến triển nghiêm trọng. Phẫu thuật giúp làm sạch các động mạch bị tắc và ảnh hưởng.

Đau cách hồi nếu không được điều trị và kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng chẳng hạn như các cơn đau liên tục gây khó khăn trong đi lại và thực hiện các sinh hoạt hàng ngày; rụng tóc; liệt chi; nhiễm trùng da nặng như hoại tử; nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới cắt cụt chi, thương tật vĩnh viễn, đau tim, đột quỵ;...

Nhìn chung, mặc dù có thể khó khăn trong việc kiểm soát một số yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên và chứng đau cách hồi nhưng bạn có thể giảm thiểu đáng kể rủi ro sức khỏe bằng việc không hút thuốc lá; ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh mãn tính sẵn có; xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hạn chế chất béo bão hòa và chất béo trans; hoạt động thể chất thường xuyên hơn;...

Nguồn: Very Well Health, Medical News Today

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/di-bo-mot-doan-lai-tap-tenh-trieu-chung-canh-bao-nguy-co-xo-vua-dong-mach-20240417173239343.htm