Đi bộ đường trường cũng là một cách để thiền

Sau nhiều tháng đi bộ đường trường, Robert Moor cảm thấy những thay đổi tế vi trong tinh thần của bản thân giống như đang thực hành thiền.

Robert Moor chụp ảnh tại đường mòn Appalachian. Ảnh: Robert Moor.

Các nhà tiên tri đại kết thường nói có rất nhiều con đường dẫn lên núi. Chỉ cần nó giúp một người xoay xở được giữa thế gian này và hướng thiện, thì về bản chất, con đường đã có giá trị. Rất hiếm khi ta gặp một nhà lãnh đạo giảng rằng chẳng có con đường nào dẫn đến giác ngộ. Một vài Thiền sư từng dạy gần như thế, nhưng cả Dogen vĩ đại cũng khẳng định rằng thiền định “là con đường chân chính để giác ngộ trong Phật giáo”.

Về phương diện này, triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti nổi bật hơn cả. “Chân lý không có đường”, ngài viết. “Quyền uy xui khiến người khác, ở bất cứ hình thức nào, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng và nhận thức, là thứ hủy diệt và xấu xa hơn hết thảy”.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi đường lối “không có con đường” của ông thu hút ít môn đồ hơn những hướng dẫn của Muhammad hay Khổng Tử, vốn tỉ mỉ và khiến người khác an tâm. Lạc lối giữa những trập trùng của cuộc đời, nhiều người sẽ chọn sự giới hạn của một đường mòn thay vì cái tự do chóng mặt của chốn hoang sơ không dấu tích.

Nếu coi là tôi có theo đạo hay một con đường tâm linh nào đó, thì đường mòn chính là đạo của tôi. Tôi xem việc đi bộ đường trường như một hình thức thiền hành mộc mạc, tinh giản, đặc trưng ở Mỹ.

Giá trị chủ yếu mà cấu trúc giới hạn của đường mòn đem lại là nó giải phóng tâm trí để tự do theo đuổi nhiều chiêm nghiệm hơn. Mục tiêu khiến tôi vội theo đạo đường mòn là để di chuyển nhịp nhàng, để sống giản đơn, để lĩnh hội trí tuệ từ tự nhiên hoang dã và để bình thản quan sát dòng chảy liên tục của các hiện tượng. Khỏi cần phải nói, tôi gần như thất bại.

Mãi gần đây, khi nhìn lại những trang nhật ký của mình, tôi mới thấy thay vì dành nhiều ngày trong trạng thái tĩnh tâm quan sát, hầu hết thời gian tôi lại đi phàn nàn, mơ tưởng, lo lắng về cung ứng và mơ về đồ ăn. Tôi chẳng được khai sáng gì cả. Nhưng nhìn chung tôi hạnh phúc và khỏe mạnh hơn bao giờ hết.

Sau vài tháng đầu tiên, tốc độ của tôi dần tăng lên, từ mười dặm một ngày lên mười lăm rồi tới hai mươi dặm. Tôi tiếp tục tăng tốc khi đến những dãy tương đối thấp tại Maryland, Pennsylvania, New Jersey, New York, Connecticut và Masachusetts. Đến lúc vào địa phận Vermont, tôi đã có thể vượt ba mươi dặm một ngày. Sải chân tôi dài ra. Những chỗ phồng rộp cứng lại thành vết chai sần. Toàn bộ mỡ thừa, một chút cơ bắp đã được chuyển hóa thành năng lượng.

Tâm trí tôi cũng thay đổi, một cách tế vi. Một người đi bộ lão làng huyền thoại tên Nimblewill Nomad từng bảo tôi rằng, 80% những đôi chân từng bỏ cuộc giũa Đường mòn Appalachian đã từ bỏ với lý do tinh thần, không phải thể chất. “Họ không thể chịu nổi cái thử thách hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng phải ở ngoài kia, giữa thinh lặng”, ông nói.

Có những ngày sau hàng dặm trường, tôi trượt vào trạng thái tinh thần sáng suốt, bình tâm, không tạp niệm. Như các thiền sư vẫn nói: “Tôi chỉ cần thiền hành mà thôi”.

Robert Moor/NXB Phụ Nữ Việt Nam & Huy Hoàng Bookstore

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-bo-duong-truong-cung-la-mot-cach-de-thien-post1470500.html