Dệt may Việt Nam dần chiếm lĩnh thị phần trong nước

VOV.VN -Các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực đầu tư cho sản xuất, mở rộng kênh phân phối, đẩy lùi hàng nhập ngoại kém chất lượng.

Thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 5 năm qua, các sản phẩm may mặc của Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Cùng với những kết quả đáng khích lệ từ cuộc vận động, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực đầu tư cho sản xuất, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị phần, đẩy lùi hàng nhập ngoại kém chất lượng.

Vào những ngày cuối tuần, tại hệ thống Vinatexmart, 25 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, lượng người đến mua hàng khá nhộn nhịp. Tại đây có nhiều sản phẩm Việt với chất lượng, mẫu mã phong phú, đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn.

Chị Nguyễn Thu Hằng (phố Thái Hà, quận Đống Đa) và anh Cao Hải Phong (phố Ngọc Lâm, quận Long Biên) chia sẻ, từ lúc các con khoảng 3-4 tuổi, gia đình anh chị đã hay mua đồ của Vinatex, Hanosimex và những nhãn hàng Việt Nam chất lượng cao. Hàng Việt Nam sản xuất đa dạng mẫu mã, 100% cotton mặc mát và dễ chịu.

“Tôi sử dụng sản phẩm áo sơ mi của Việt Tiến rất lâu rồi. Những thương hiệu dệt may nổi tiếng của Việt Nam như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè có chất lượng khá tốt, mẫu mã dần cải thiện. Tuy nhiên, tôi thấy giá cả còn khá cao. Hy vọng là thời gian tới giá của các sản phẩm này có thể giảm xuống để nhiều người tiêu dùng có thể được mặc, sử dụng sản phẩm này”, chị Hằng cho biết.

Nhiều sản phẩm hàng may mặc Việt Nam được người tiêu ưa chuộng. (Ảnh: Thy Hạt)

Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên tích cực mở rộng và phát triển thị trường nội địa. Với trên 4.000 cửa hàng, đại lý, phân phối 60.000 mặt hàng với tỷ lệ 100% hàng Việt Nam, các sản phẩm may mặc nội ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Toàn ngành đã mở rộng kênh phân phối, với hơn 50 cửa hàng Vinatex Mart tại 34 tỉnh, thành khắp cả nước, giúp việc quảng bá hàng dệt may Việt đến với người dân hiệu quả hơn. Hiện tổng doanh thu nội địa của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng dần từ 15.740 tỷ đồng năm 2010 lên 20.800 tỷ đồng vào năm 2013. Riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu nội địa của Tập đoàn đạt gần 12.000 tỷ đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các đơn vị thành viên Tập đoàn đã mở rộng đầu tư, phát triển và quảng bá các thương hiệu mới như Grusz (Tổng Công ty May 10), Merriman (Tổng Công ty Hòa Thọ), Mattana (Tổng Công ty Nhà Bè)… và cho ra đời một số nhãn hàng thời trang cao cấp, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn đối với sản phẩm dệt may Việt Nam chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, Tổng công ty đặt người tiêu dùng vào trung tâm phục vụ. Các công ty trả công cho những dây chuyền sản xuất hàng nội địa cao gấp 1,5 lần so với hàng xuất khẩu, đồng thời thực hiện theo đúng tiêu chí những hàng gì tốt nhất thì phải dành cho người Việt Nam. Có như vậy sản phẩm của công ty mới có thể tiếp cận được người tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường đang xuất hiện nhiều sản phẩm dệt may Việt Nam giả, hàng nghìn cửa hàng giả danh của Việt Tiến hoặc những doanh nghiệp nổi tiếng của Việt Nam. Bên cạnh đó, phân khúc giá rẻ đang bị hàng dệt may Trung Quốc chiếm lĩnh.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, trước thực trạng này, Nhà nước cần sớm ban hành các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm trong nước trên thị trường nội địa. Có các chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.

Về phía doanh nghiệp, cùng với việc quảng bá, phát triển thương hiệu trong thời gian tới, cần thường xuyên thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Đồng thời, tăng cường mạng lưới liên kết, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với mạng lưới bán hàng và cần có chính sách hỗ trợ đơn vị nắm mạng lưới.

“Nếu không tạo được sự liên kết giữa các doanh nghiệp ngành hàng khi xử lý việc này sẽ rất lúng túng. Qua đó phải khuyến khích được sản xuất trong nước qua việc phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm bớt phụ thuộc với nước ngoài. Khuyến khích các sản phẩm sản xuất tốt, sản xuất đảm bảo môi trường để tăng cường xây dựng thương hiệu tốt. Bên cạnh đó phải chống hàng lậu, tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp Việt tích cực tham gia cuộc vận động này”, ông Tô Hoài Nam khẳng định.

Hiện nay, bản thân các doanh nghiệp dệt may đang có định hướng phát triển nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Trong đó tăng cường tổ chức các chuyến hàng lưu động về nông thôn, phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là một cách hữu hiệu để người dân tiếp cận với hàng Việt./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/det-may-viet-nam-dan-chiem-linh-thi-phan-trong-nuoc-348245.vov