Dệt may Thành Công: Thị trường chưa hồi phục, thực hiện ESG là yếu tố sống còn của ngành dệt may Việt Nam

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Dệt may Thành Công cho biết thị trường dệt may chưa hồi phục như kỳ vọng và ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Bangladesh.

Thực hiện ESG là yếu tố sống còn trước sức ép từ Trung Quốc, Bangladesh

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã cổ phiếu: TCM – sàn: HoSE) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 30/6. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh Dệt may Thành Công nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung đang chịu tác động nặng nề từ việc sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Chia sẻ tại Đại hội, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Dệt may Thành Công nhận định thị trường dệt may vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng.

"Vào đầu năm, chúng tôi đã kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục từ quý 3, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng. Mặc dù tín hiệu chỉ số của Mỹ về lạm phát đã được kiểm soát, nhưng đơn hàng chưa thấy một cách rõ ràng. Các đơn hàng nhỏ rất nhiều, điều này có nghĩa khách hàng sợ phải tồn kho nên họ đặt một cách nhỏ giọt và cẩn trọng hơn", ông Trần Như Tùng cho biết.

 Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công ông Trần Như Tùng cho biết thực hiện ESG là yếu tố sống còn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công ông Trần Như Tùng cho biết thực hiện ESG là yếu tố sống còn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay.

Tại châu Âu và Hoa Kỳ, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự mua sắm trở lại, dẫn tới nhu cầu không cao và các hãng dễ bị tồn kho. Điều này thể hiện rõ qua tình hình đơn hàng của Dệt may Thành Công. Công ty rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng trong quý 2/2023, dẫn tới các nhà máy không thể hoạt động đủ công suất; và hiện mới chỉ nhận được 77% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý 3/2023.

Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công cũng cho biết biên lợi nhuận của các đơn hàng cũng giảm trong bối cảnh nhu cầu thấp và cạnh tranh cao như hiện nay.

"Lý do là khi Trung Quốc mở cửa lại thì những đơn hàng từ nước này sẽ làm gia tăng nguồn cung, tăng cạnh tranh, trong khi cầu lại không tăng. Điều này ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Trần Như Tùng chia sẻ. "Việt Nam rất khó cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện có thông tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đang kích thích xuất khẩu và hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ, do đó khả năng cạnh tranh của họ sẽ cao hơn".

Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh – nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công nhấn mạnh ngành dệt may Bangladesh đang có lợi thế hơn so với việc Việt Nam về chi phí nhân công và đồng nội tệ Taka của Bangladesh giảm mạnh hơn so với đồng Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may Bangladesh chú trọng hơn vào việc thực hiện các trách nhiệm Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), coi trọng việc “xanh hóa” chuỗi giá trị ngành hàng. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến ngành dệt may Việt Nam đang mất dần các lợi thế cạnh tranh truyền thống.

Xem thêm bài viết “Chuỗi cung ứng biến động, dệt may có chậm một nhịp?” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ông Trần Như Tùng nhấn mạnh Dệt may Thành Công đã thực hiện ESG từ lâu nhưng nay sẽ đẩy nhanh hơn “dưới áp lực từ phía khách hàng” và cho biết ESG hiện là yếu tố sống còn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Kỳ vọng phục hồi sau năm 2023

Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công cũng chia sẻ: “Thị trường vẫn chưa hồi phục rõ ràng, các đơn hàng nhỏ rất nhiều, điều này có nghĩa khách hàng sợ phải tồn kho nên họ đặt một cách nhỏ giọt và cẩn trọng hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng trong kịch bản khả quan nhất, đến hết năm nay thị trường dệt may mới phục hồi”.

Trong bối cảnh nhu cầu yếu, Dệt may Thành Công đặt mục tiêu kinh doanh năm nay thận trọng với kế hoạch doanh thu thuần 3.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 245 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và giảm 13% so với mức thực hiện trong năm 2022. Con số này đã bao gồm lợi nhuận khoản 1,3 triệu USD thu được từ việc Dệt may Thành Công thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (mã cổ phiếu SAV - sàn: HoSE).

Ước tính 6 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu 1.571 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 106 tỷ đồng, giảm tương ứng 28% và 17% so với cùng kỳ. Nếu so với kế hoạch đề ra, công ty đã thực hiện 40% kế hoạch doanh thu và 43% kế hoạch lợi nhuận.

Ông Trần Như Tùng cho biết việc công ty có đạt được kế hoạch hay không còn tùy thuộc vào đơn hàng sắp tới. "Nếu quý 4 đơn hàng tích cực hơn thì chúng ta sẽ đạt kế hoạch. Nhưng nếu không, chúng ta cũng sẽ mấp mé kế hoạch đề ra", ông Trần Như Tùng cho biết.

Đẩy mạnh khai thác lợi thế chuỗi khép kín “từ sợi đến may”

Trong năm nay, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện ESG, Dệt may Thành Công cho biết sẽ tập trung khai thác các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… để mở rộng tập khách hàng và sử dụng lợi thế cạnh tranh chủ động được nguyên vật liệu để đáp ứng các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt là khai thác thị trường châu Âu khi thị trường mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của thị phần của Dệt may Thành Công.

Hiện tại, Dệt may Thành Công có tỷ lệ khép kín từ sợi trở đi đạt 35% và từ vải trở đi đạt 85% nhờ sở hữu quy trình sản xuất khép kín. Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh này còn giúp Dệt may Thành Công đạt vị thế tốt hơn các doanh nghiệp cùng ngành trong việc đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết.

Xem thêm bài viết “Dệt may Thành Công: Dự kiến lợi nhuận 2023 giảm 13%, mở rộng thị trường nhờ chuỗi khép kín “từ sợi đến may” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Ngoài ra, công ty cũng sẽ theo đuổi chiến lược gia tăng công suất nhà máy ngành nhuộm, dệt thông qua việc hợp tác cùng các đối tác trong ngành.

Dệt may Thành Công cho biết sẽ tuyển dụng lao động để đạt công suất kế hoạch của nhà máy may Vĩnh Long 2 tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long) ngay sau khi thị trường có dấu hiệu hồi phục. Năm 2022, Công ty hoàn thành thi công nhà máy may này với quy mô 1.500 công nhân, tổng vốn đầu tư là 190 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công chia sẻ công ty không có ý định mở rộng thêm dự án ở Vĩnh Long, vì chi phí triển khai lớn và công suất mà tỉnh Vĩnh Long cấp phép không đạt kỳ vọng. Vì thế, doanh nghiệp dự định chuyển nhượng phần đất còn lại (gần 7ha).

Ông Trần Như Tùng cho biết công ty đã thuê mảnh đất này ở mức 26 USD/m2 và nếu chuyển nhượng theo giá thị trường bây giờ là 80-85 USD/m2. “Doanh nghiệp sẽ dùng tiền chuyển nhượng này để M&A để mua lại nhà máy khác. HĐQT đánh giá đây là phương án hiệu quả hơn. Công ty sẽ tìm kiếm nhà máy hiện hữu để M&A, có thể gần TP.Hồ Chí Minh”, theo ông Trần Như Tùng.

Tại Đại hội, cổ đông Dệt may Thành Công đã thông qua việc chia cổ tức năm 2022 ở mức 20%, bao gồm 7% tiền mặt và 13% cổ phiếu. Trong đó, công ty đã tạm ứng 7% cổ tức tiền mặt. Cổ tức năm 2023 dự kiến ở mức 15%.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công đạt 56.300 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/det-may-thanh-cong-thi-truong-chua-hoi-phuc-thuc-hien-esg-la-yeu-to-song-con-cua-nganh-det-may-viet-nam-106795.htm