'Derby Việt Nam' - hụt hẫng và động lực

Trận đấu giữa Mito Hollyhock gặp Yokohama FC tại vòng 36 J.League 2 được người hâm mộ bóng đá Nhật Bản gọi là “derby Việt Nam”. Bởi đây là cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng mà 2 tuyển thủ quốc gia Việt Nam, Công Phượng và Tuấn Anh đang đầu quân.

Tuấn Anh bỏ lỡ cuộc đối đầu với Công Phượng. Ảnh: Mito

Cần học tính chuyên nghiệp của người Nhật

Sau trận chung kết tại giải giao hữu Tứ hùng Aya Bank Cup tại Myanmar hồi đầu tháng 6, cả Tuấn Anh, Công Phượng đều phải vội vã ra sân bay trở lại Nhật Bản tập trung cùng Yokohama và Mito Hollyhock để chuẩn bị cho cuộc đối đầu giữa hai CLB này tại lượt đi J.League 2.

Dù trong trận đấu đó, cả hai cầu thủ của HA.GL đều không được vào sân phút nào bởi lý do chưa đảm bảo thể lực. Thế nhưng, vai trò chính của họ là kéo khán giả Việt Nam đến sân và tham dự một chương trình giao lưu đã được sắp đặt từ trước đó mang tên “Ngày Việt Nam tại Yokohama”.

Phía Yokohama đã đưa ra thông báo trước trận là các CĐV Việt Nam đến xem trận đấu này được mua vé với mức giá ưu đãi. Bên cạnh đó, 500 khán giả Việt Nam đầu tiên đến mua vé sẽ tham dự chương trình bốc thăm trúng thưởng với giải nhất là áo đấu có chữ ký của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh. Và thế là dù chỉ ngồi xem trận đấu, Tuấn Anh và Công Phượng cũng giúp các đội bóng Nhật Bản hút khách.

Đến trận lượt về, Mito Hollyhock được thi đấu trên sân nhà trong cuộc tiếp đón Yokohama FC. Để chuẩn bị cho trận đấu này, Tuấn Anh và Công Phượng đã phải bỏ lỡ trận giao hữu của ĐT Việt Nam với Indonesia cũng như chuyến tập huấn Hàn Quốc để quay lại Nhật Bản tập trung. Đây là trận đấu mà người hâm mộ Nhật Bản gọi là “derby Việt Nam”. Chính vì vậy mà hai nhân vật chính không thể vắng mặt.

CLB Mito Hollyhock đã thiết kế riêng bộ trang phục màu đỏ (màu truyền thống của ĐTQG Việt Nam) cho trận “derby Việt Nam”. Nhưng Công Phượng và Tuấn Anh vẫn chỉ đóng kép phụ khi không được xếp đá chính. Tuấn Anh thậm chí còn không được đăng ký thi đấu do gặp chấn thương, còn Công Phượng chỉ được đưa vào sân ở những phút cuối trận. Thế nhưng trận đấu vẫn có khoảng 400 CĐV Việt Nam đến sân với mong muốn được chứng kiến sự xuất hiện của Công Phượng và Tuấn Anh.

Từ 2 lần tập trung đó, cả Tuấn Anh và Công Phượng đều ý thức được tính chuyên nghiệp khi phải làm nhiệm vụ cho cả CLB lẫn ĐTQG. Chính bản thân HLV Nguyễn Hữu Thắng dù không muốn “nhả” người trong giai đoạn quan trọng này nhưng vẫn phải chấp nhận. HLV xứ Nghệ cho rằng đó là tính chuyên nghiệp mà các cầu thủ phải chấp hành và chính ông cũng phải làm quen với điều đó. Chẳng nói đâu xa, hãy nhìn cái cách khán giả Việt vẫn đến sân đông dù nhân vật chính không được đá chính là đủ hiểu môi trường bóng đá nơi đây khiến CĐV cũng phải thay đổi tư duy như thế nào.

Chờ đợi gì ở Công Phượng, Tuấn Anh?

Sau 10 tháng thi đấu tại Nhật Bản, tính đến trước vòng 36 J.League 2, Công Phượng đã ra sân 6 lần trên mọi đấu trường (đá chính 2, dự bị 4). Trong đó, tại J.League 2, Phượng ra sân 4 lần và chỉ đá chính 1 trận. Sau 195 phút thi đấu, Công Phượng chỉ mới tung ra 1 cú sút và chưa ghi được bàn thắng nào. Trong khi đó, Tuấn Anh đã ra sân đá chính 2 trận trên mọi đấu trường nhưng lại chưa thi đấu 1 phút nào ở J.League 2. Sau 210 phút, anh đã có 1 bàn thắng và 1 pha kiến tạo cho Yokohama FC.

Nhìn vào thông số của những ngôi sao Việt Nam, nhiều người không khỏi thất vọng. Thế nhưng khi theo dõi các trận đấu của Mito Hollyhock và Yokohama tại J.League 2, cụ thể là những trận có các tuyển thủ Việt Nam tham dự, mới hiểu rõ được vì sao họ luôn phải ngồi dự bị. Bởi đó đều là những trận đấu có tính chuyên môn và cường độ cao mà các cầu thủ đến từ Việt Nam phải cần 2 - 3 năm để thích nghi và đó cũng chính là lộ trình mà các đội bóng Nhật đã vạch ra để phát triển những tài năng này.

Thực tế, mặc dù không được ra sân thường xuyên thi đấu nhưng cả Công Phượng và Tuấn Anh đều nói rằng, môi trường bóng đá tại Nhật giúp họ học hỏi được nhiều điều, đặc biệt là việc cải thiện thể lực cũng như ý thức tự giác trong sinh hoạt và thi đấu. Hình ảnh Công Phượng phải đi phát tờ rơi cũng là ý thức rất chuyên nghiệp mà môi trường bóng đá Nhật đang xây dựng.

Và những gì Công Phượng, Tuấn Anh và cả Xuân Trường đang thi đấu trong màu áo Incheon United (Hàn Quốc) học hỏi được từ môi trường bóng đá nước ngoài đã được chính những cầu thủ này trả lời khi trở về thi đấu trong màu áo ĐT Việt Nam. Dù bị hoài nghi do không được ra sân thường xuyên nhưng họ vẫn thi đấu xuất sắc (ngoại trừ Công Phượng chỉ thi đấu 20 phút). Gần như chắc chắn bộ đôi Tuấn Anh - Xuân Trường sẽ là trụ cột và linh hồn ở tuyến giữa mà HLV Hữu Thắng lựa chọn cho AFF Cup 2016.

Chính Công Phượng đã thừa nhận, anh buồn khi không được thi đấu thường xuyên. Đó là thực tế và sẽ là động lực để Công Phượng, Tuấn Anh và cả Xuân Trường sẽ phải phấn đấu rất nhiều để có một vị trí chính thức khi thi đấu ở nước ngoài. Và cũng chính môi trường chuyên nghiệp đang giúp họ có được khát khao đó. Thế nên, cái sự học của các cầu thủ trẻ này là thực tế chứ không ảo tưởng như người ta vẫn thấy.

Hy vọng sự khát khao, động lực của các cầu thủ trẻ này được tôi luyện một phần nào đó khi thi đấu ở nước ngoài sẽ được thể hiện cụ thể trong màu áo ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2016.

*Trận đấu derby” (tiếng Anh) là cụm từ ám chỉ những trận thi đấu giữa các đối thủ trong cùng một vùng, một địa phương. Thông thường thuật ngữ này được sử dụng nhiều trong bóng đá, để chỉ những trận đấu giữa các CLB trong cùng một thành phố, hay một vùng thậm chí có thể là trong cả một quốc gia.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/derby-viet-nam-hut-hang-va-dong-luc-601824.bld