Đẹp thơ mộng những cây cầu bắc qua sông Lam nối Nghệ An - Hà Tĩnh

Cầu Bến Thủy I và II, cầu Cửa Hội, cầu vượt cao tốc Bắc - Nam là 4 cây cầu vượt sông Lam, kết nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Dự kiến một cây cầu khác sẽ tiếp tục được xây dựng, nhằm phục vụ đi lại, kết nối 2 địa phương bên sông và phát triển kinh tế liên vùng.

Nghệ An, Hà Tĩnh là 2 tỉnh cùng thuộc vùng văn hóa xứ Nghệ, nhưng bị ngăn cách bởi dòng sông Lam mênh mông. Đoạn sông Lam chảy qua khu vực Bến Thủy, nằm trên tuyến quốc lộ 1A rộng khoảng 650m. Do nhu cầu cần có cây cầu vĩnh cửu, mặt cầu rộng, vì thế những cây cầu nối đôi bờ sông Lam dần được xây dựng.

Năm 1986, cầu Bến Thủy I được khởi công xây dựng. Đây là cây cầu đầu tiên trên Quốc lộ 1A nối nối liền TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Tháng 5/1990, cầu Bến Thủy 1 được khánh thành, đưa vào sử dụng.

Công trình có chiều dài 630,5m với 13 nhịp. Cầu được xây dựng theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép.

Từ khi được đưa vào sử dụng cho đến này, cầu đã trải qua nhiều đợt sửa chữa, nâng cấp.

Đầu cầu Bến Thủy 1 phía TP Vinh (Nghệ An) hiện có trạm thu phí BOT thu phí ô tô qua lại.

Cầu Bến Thủy có ý nghĩa to lớn đối với giao thông vận tải trên toàn tuyến quốc lộ 1A, đặc biệt có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng như các địa phương Khu IV.

Sau cầu Bến Thủy I, vào tháng 3/2010, dự án cầu Bến Thủy II được khởi công xây dựng nối từ xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) sang huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Công trình được hoàn thành trong thời gian 30 tháng, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Đây là công trình góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho cầu Bến Thủy I, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ quốc gia và trong khu vực; nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến tránh Vinh. Cầu Bến Thủy II còn kết nối với Quốc lộ 8, đảm bảo giao thông liên tục trên Quốc lộ 1A cả trong mùa mưa lũ.

Cầu Bến Thủy II được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, với công nghệ đúc hẫng và khoan cọc nhồi, là công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Cầu có tổng chiều dài 3.640m, trong đó cầu dẫn và cầu chính vượt sông dài 996m, đường đầu cầu hai bên dài 2.644m.

Bề rộng mặt cầu 25m, bố trí 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.

Tháng 2/2019, cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được khởi công.

Dự án có tổng chiều dài tuyến là 5,271 km; phần cầu dài 1,728 km, chiều rộng cầu nhịp chính 18,5m, cầu dẫn 16m.

Điểm nhấn của cầu Cửa Hội là ở nhịp chính sử dụng kết cấu dây văng đúc hẫng cân bằng Extradosed - một công nghệ thi công cầu hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Cầu Cửa Hội có 22 trụ, 85 phiến dầm Super-T. Bề rộng cầu chính 18,5 m, bề rộng cầu dẫn 16 m. Tổng mức đầu tư của dự án là 950 tỷ đồng.

Điểm nhấn kiến trúc của cầu nằm trên đỉnh cột bê tông với biểu tượng hình búp sen. Cột bê tông này cũng là nơi lắp dây văng dẫn xuống phía dưới.

Phần đường của dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường 11 m, bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Cầu Cửa Hội khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện tuyến đường ven biển qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông khu vực Bắc Trung Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực, kết nối với Quốc lộ 8B, Quốc lộ 1 và giảm tải giao thông trên Quốc lộ 1.

Cầu Hưng Đức nằm trên tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt. Đây là cây cầu thứ 4 bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.

Cây cầu có thiết kế rộng 17m với tổng giá trị hơn 1.200 tỷ đồng.Sau khi hoàn thiện, đây là cây cầu dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Cầu có thiết kế lớn, kết cấu phức tạp nên nhiều công nhân phải tập trung cao độ để làm việc.

Sau 2 năm thi công, đến nay cầu Hưng Đức đã hoàn thành được 61% tiến độ. Dự kiến cầu sẽ được hợp long trước Tết Nguyên đán 2024 và hoàn thành vào tháng 5/2024.

Phạm Trường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dep-tho-mong-nhung-cay-cau-bac-qua-song-lam-noi-nghe-an-ha-tinh-post1598378.tpo