Đèn 'xin đường' cho người đi bộ: Có cũng như không

Từ năm 2017, Hà Nội đã thực hiện thí điểm lắp đặt nhiều cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường với nút bấm chủ động. Tuy nhiên, đến nay một số điểm rơi vào tình trạng hư hỏng, không hoạt động, số ít còn hoạt động nhưng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống trên tuyến đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nơi có nhiều trường học, tòa nhà văn phòng..., lượng người đi bộ qua lại đông đúc. Tuy nhiên, hệ thống đèn "xin đường" cho người đi bộ sang đường tại đây không hoạt động từ lâu, hệ thống chỉ nhấp nháy đèn vàng. Nhiều học sinh, sinh viên đi bộ qua đường cắt ngang dòng phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đèn 'xin đường' cho người đi bộ: Có cũng như không.

Người đi bộ tại khu vực đường Xuân Thủy (gần cổng trường đại học Sư phạm Hà Nội), nơi có hệ thống đèn điểu khiển dành cho người đi bộ sang đường, tuy nhiên đèn tín hiệu chỉ báo màu vàng do vậy người đi bộ vẫn đi trên vạch kẻ và phương tiện như ô tô, xe máy không giảm tốc độ vẫn cố gắng đi nhanh qua.

Em Nguyễn Quang Huy (học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết: "Nhiều lần em đã ấn nút xin đường và chờ khoảng 5 phút nhưng hệ thống đèn tín hiệu không thay đổi gì chỉ nhấp nháy đèn vàng nên em tự vẫy tay để sang đường".

Em đi đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ nhưng nhiều phương tiện không giảm tốc độ mà cố vượt qua, mỗi lần sang đường là một thử thách nguy hiểm", Huy nói.

Lương Ngọc Hà (Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Có một vài lần mình đã bấm đèn tín hiệu rồi nhưng nó không hoạt động, mình cảm thấy rất nguy hiểm cho người đi bộ khi sang đường, đặc biệt là trẻ con và người già”.

"Em vẫn sử dụng đèn tín hiệu cho người đi bộ trên đường Xuân Thủy để đi sang trường. Tuy nhiên nhiều lúc ấn mà đèn không lên nên em vẫn phải tự sang đường, dù rất sợ bị xe cộ đi lại nườm nượp trên đường tông vào", một bạn học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cho biết.

"Dù người đi bộ giơ tay xin tín hiệu nhưng dòng xe cộ vẫn cứ đi qua rất nguy hiểm cho mọi người. Mình hy vọng tín hiệu đèn dành cho người đi bộ sẽ được hoạt động để mình cùng mọi người đi bộ sang đường được an toàn", sinh viên Lương Ngọc Hà nói.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… số lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, mật độ xe cộ đông đúc khiến việc qua đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Để khắc phục vấn đề này, năm 2017, thành phố Hà Nội đã lắp đặt thí điểm các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường ở những nơi không thể xây cầu vượt hay hầm đi bộ.

Đèn tín hiệu này được thực hiện ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố như đường Xuân Thủy (đoạn qua trường đại học Sư Phạm Hà Nội), ngã tư Kim Mã (Giang Văn Minh), nút giao Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống (Lê Thái Tổ), trước cửa bưu điện thành phố Hà Nội

Khác với hệ thống đèn dành cho người đi bộ sang đường, hệ thống đèn trên tại khu vực trước cửa bưu điện Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi hệ đèn báo hoạt động, nhưng xe máy, ô tô vẫn bất chấp lao qua và không có dấu hiệu dừng lại nhường đường.

Trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định “Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ…”.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/den-xin-duong-cho-nguoi-di-bo-co-cung-nhu-khong-169240402124222063.htm