Đến với bài thơ hay: Thiêng liêng 'Ngày khai trường'

Mùa Thu về gọi học trò đến trường, tiếp tục cuộc hành trình bay cao, bay xa giữa bầu trời trong xanh và bao la quá đỗi.

Ảnh minh họa: INT

Nguyễn Bùi Vợi

Ngày khai trường

Sáng đầu Thu trong xanh

Em mặc quần áo mới

Đi đón ngày khai trường

Vui như là đi hội

Gặp bạn, cười hớn hở

Đứa tay bắt mặt mừng

Đứa ôm vai bá cổ

Cặp sách đùa trên lưng

Nhìn các thầy, các cô

Ai cũng như trẻ lại

Sân trường vàng nắng mới

Lá cờ bay như reo

Từng nhóm đứng đo nhau

Thấy bạn nào cũng lớn

Năm xưa bé tí teo

Giờ lớp Ba, lớp Bốn

Tiếng trống trường gióng giả

Năm học mới đến rồi

Chúng em đi vào lớp

Khăn quàng bay đỏ tươi.

Bao nỗi niềm của những ngày Hè xa cách giờ ngồi lại bên nhau rôm rả giãi bày, rôm rả nhớ thương. Nỗi niềm ấy, không khí ấy được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thể hiện một cách đầy tinh tế qua bài thơ “Ngày khai trường” mà biết bao thế hệ học trò đã rất yêu mến.

Bài thơ bắt đầu với hình ảnh quen thân của một buổi sáng đầu Thu trong xanh, “em mặc quần áo mới” hớn hở đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Dường như tâm trạng tràn ngập niềm vui như đi dự hội đang hiện rõ trên từng ánh mắt, nụ cười của các cô cậu học trò. Những lời thơ miêu tả một cách đầy tự nhiên về không khí và tâm trạng của các em trong ngày đầu Thu đến lớp. Chợt như bắt gặp sự đồng điệu cảm xúc giữa những dòng thơ với cảm xúc của nhà văn Thanh Tịnh: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”, ngay trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ:

“Sáng đầu Thu trong xanh

Em mặc quần áo mới

Đi đón ngày khai trường

Vui như là đi hội”.

Góc sân trường, ghế đá hành lang, bóng râm nho nhỏ… Đâu đâu cũng có những mái đầu chụm lại sẻ chia kỷ niệm vui buồn của bao ngày xa vắng. Những ánh mắt vô tình bắt gặp giữa nắng vàng tươi đẹp, ngác ngơ, ngạc nhiên rồi vỡ òa vui sướng trong vòng tay thắt chặt tình yêu thương. Dường như cặp sách cũng vui vẻ hơn nên đang “đùa trên lưng” các em trong ngày đầu tiên của năm học mới.

Tác giả đã diễn tả rất trúng niềm vui của các cô cậu học trò trong khoảnh khắc gặp lại nhau sau những ngày Hè xa cách qua các cụm từ “tay bắt mặt mừng”, “ôm vai bá cổ”. Đó còn là khoảnh khắc “cười hớn hở” chan chứa niềm vui mà nhà thơ đã ghi lại một cách đầy chân thực:

“Gặp bạn, cười hớn hở

Đứa tay bắt mặt mừng

Đứa ôm vai bá cổ

Cặp sách đùa trên lưng”.

Ảnh minh họa: INT

Một trong những niềm vui, sự hồi hộp của các cô cậu học trò còn là khoảnh khắc được gặp lại thầy, cô giáo. Thầy cô luôn trẻ ra trong mắt học trò, nhất là ở khoảnh khắc ngày khai trường lung linh nắng mới. Có lẽ sự rạng ngời, hạnh phúc khiến thầy cô thêm trẻ trung hơn trong mắt học trò chăng? Hình ảnh “sân trường vàng nắng mới” thật đẹp. Nắng mới phủ vàng sân trường hay sân trường tô thêm màu nắng mới? Dường như là cả hai. Và “lá cờ bay” cũng khác mỗi ngày. Với biện pháp so sánh, hình ảnh lá cờ như cũng đang reo vui đón thầy cô, học trò trở lại trường học sau bao ngày xa vắng:

“Nhìn các thầy, các cô

Ai cũng như trẻ lại

Sân trường vàng nắng mới

Lá cờ bay như reo”.

Thầy cô thì “trẻ lại” còn các trò “bạn nào cũng lớn” khôn hơn. Nhà thơ đã ghi lại khoảnh khắc từng nhóm bạn “đứng đo nhau” một cách đầy vui vẻ, háo hức. Dường như có sự ngỡ ngàng của các bạn trước sự trưởng thành của chính mình. Sự lớn khôn ấy cũng đem lại thêm niềm vui, nụ cười cho chúng bạn. Và đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người lái đò thầm lặng. Cũng từ đây, dường như người đọc lớn tuổi sẽ cảm nhận được tuổi thơ của mình trong khổ thơ này một cách rất rõ:

“Từng nhóm đứng đo nhau

Thấy bạn nào cũng lớn

Năm xưa bé tí teo

Giờ lớp Ba, lớp Bốn”.

Nhưng có lẽ, khoảnh khắc “tiếng trống trường gióng giả” trong lễ khai giảng vẫn là thiêng liêng nhất đối với bao thế hệ học trò, trong đó có nhà thơ. Tiếng trống trường trong khoảnh khắc ấy vừa như lời giục giã vừa như niềm hân hoan khó tả thành lời. Tiếng trống làm rung rinh tán lá cây bàng, hàng phượng. Mấy tháng Hè buồn tênh giờ đây tiếng trống thổi vào hồn trường lớp không khí nô nức, náo nhiệt của tình cảm bè bạn, cô thầy. Tiếng trống trường thiêng liêng vang vọng. Những tháng Hè “Cái trống lặng im/ Nghiêng đầu trên giá”. Và để giờ đây khi nàng Thu sang, những bước chân tuổi mộng mơ tung tăng đến trường “trống mừng vui” đến độ kêu vang:

“Tùng! Tùng! Tùng! Tùng

Vào năm học mới

Giọng vang tưng bừng”.

Tiếng trống đầu năm bao giờ cũng có cái âm vang lắng sâu vào tâm hồn của học trò cũng như thầy, cô giáo. Chừng ấy thanh âm của tiếng trống thôi cũng khiến lòng người thêm bâng khuâng muốn quay về những ngày khai trường đầu tiên xa ngái… Có lẽ, như ý thức được điều đó, tiếng trống trường trong ngày khai giảng được thi nhân để vang bay trong khổ thơ cuối cùng của bài thơ:

“Tiếng trống trường gióng giả

Năm học mới đến rồi

Chúng em đi vào lớp

Khăn quàng bay đỏ tươi”.

Bài thơ khép lại với hình ảnh “khăn quàng bay đỏ tươi” của các em khi “đi vào lớp” với nhiều sức gợi. Đó có thể là hình ảnh các em học sinh với tâm trạng tươi vui, hồ hởi, quyết tâm cao trong năm học mới. Đó cũng có thể là hình ảnh của sự lạc quan, hi vọng vào nhiều điều tốt đẹp ở tương lai.

“Ngày khai trường” là bài thơ hay. Sự thành công trước hết của thi phẩm là ở việc nhà thơ đã khai thác được tứ thơ quen thuộc – khoảnh khắc thiêng liêng của ngày khai trường. Rộn ràng mà lắng đọng ấm áp, háo hức mà xúc động. Đọc bài thơ, độc giả cảm nhận được không khí từ phố phường đến những thôn bản xa xôi hẻo lánh, hình ảnh những tà áo trắng tinh khôi, âm vang rộn rã tiếng cười, vang bay tiếng trống trong ngày đầu Thu. Ngày khai trường đã đến cũng là lúc biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của học trò, thầy cô cùng mái trường bắt đầu thắp lên…

Nguyễn Đình Ánh (Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-thieng-lieng-ngay-khai-truong-post653635.html