Đến với bài thơ hay 'Mưa cố đô ướt mềm nỗi nhớ'

Tôi đón nhận 'Mưa cố đô ướt mềm nỗi nhớ'của nhà thơ Nguyễn Văn Hoàtrong một ngày mưa đổ sầm sập như ai đó trút ẩn ức.

Mưa cố đô ướt mềm nỗi nhớ. Ảnh internet

MƯA CỐ ĐÔ ƯỚT MỀM NỖI NHỚ

Trong giấc mơ tôi phố cứ dài hun hút

Nỗi nhớ non xanh màu hò hẹn buổi đầu

Mưa thoáng lạnh nắng đã tràn tóc rối

Phố vẫn cứ chờ người đã về đâu?

Xa tít Phú Yên vẫn trong veo mùa cũ

Nhớ phố-người-xe mưa nắng lướt qua nhau

Gác trọ ngày xưa giờ thay chủ

Hành trang đi đầy gió phố rêu màu

Đêm nay lạnh trời Phú Yên trở gió

Nằm vọng Cố đô cơn mưa phố ướt mèm

Năm tháng cũ cựa hoài tiềm thức

Nhớ thương này thao thức phố xưa.

(Thơ Nguyễn Văn Hòa, Báo Văn nghệ số 31/2023)

Lời bình – Nhà giáo Quốc Tuấn

Tôi đón nhận Mưa cố đô ướt mềm nỗi nhớcủa nhà thơ Nguyễn Văn Hoàtrong một ngày mưa đổ sầm sập như ai đó trút ẩn ức. Có lẽ cũng là một cơ duyên khi đã sắp bày bối cảnh để cho sự ngẫu nhiên tương phùng của một tâm hồn yêu mưa với một bài thơ mưa, trong khoảng không gian mưa như đang ngâm timvà lồng ngực dường như muốn vữa nát.

Nếu không phải là người có tâm hồn nghệ sĩ thì có thể sẽ tránh được sự “nhói tim” khi đến Huế. Còn đã là nghệ sĩ thì đến Huế sẽ không thể nào không để lại chút gì đó cho Huế. Bởi vì Huế là bối cảnh đểthăng hoa nghệ thuật. Sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền…không gian, miền cảnh Huế đều rất thương. Khiến cho ai đến rồi đi cũng sẽ man mác trong lòng vì nét dịu dàng rất Huế.

Nguyễn Văn Hòa không gọi tên Huế trong thơ, chỉ nói về cố đô, gợi miền nhớ một Huế xưa trầm mặc, cổ kính, như nỗi lòng tác giả hoang hoải một nét đền đài rêu phong. Giấc mơ hiện tiền, nhắc nhớ tác giả về ngày hẹn hò buổi non xanh: Tình yêu nẩy nở nơi Huế thương và rồi cũng đã hóa dở dang. Bởi vì tâm thức của Huế là tâm thức của kẻ chờ người mong: “Có ai chơài qua Trường Tiền/ ngắm ai nhìn ai trên mạn thuyền…”. Và chắc hẳn anh đã đánh rơi ở Huế một chiếc khăn mới thêu trong buổi hoàng hôn khi nắng qua đèo, để rồi đặt để một câu hỏi tu từ lưu cửu, da diết nỗi ngóng trông: Phố chờ, người đã về đâu? Tôi nhớ Hàn Mặc Tử cũng lỡ chuyến chở trăng về cho kịp tối nay và giờ Nguyễn Văn Hòa cũng đã khơi đống tro tàn, nhen lò kỉ niệm và đặt một câu hỏi không lời đáp, hoặc đáp số là khôn cùng. Kỉ niệm của mưa thoáng, nắng tràn trên mái đầu rối rắm, chắc hẳn trước khi rối bời đó phải là mái tóc dài (dài mới dễ rối) của một người con gái trong chiếc áo dài lụa thiết tha. Em gái Huế ẩn hiện trong bài thơ với nét dịu dàng mê hoặc tạo ra cảm giác vừa bí mật lại vừa thôi thúc chủ thể trữ tình khám phá, kiếm tìm. Nếu ai đó đã lỡ đắm đuối mái tóc thề của gái Huế từng vô tình quất rát môi người, thì thực lòng họ đã rơi vào lưới bẫy của tình yêu trăng nước, nhìn nhau đắm đuối nhưng chẳng bao giờ thuộc vềnhau...

Khổ thứ hai, không gian nghệ thuật neo đậu tại thực tại. Vậy là nhà thơ đã khẳng định xa Huế và nhìn thấy trong hư ảo, cái trong veo của Huế. “Mùa cũ”, hình ảnh phiếm chỉ cả bầu trời kỉ niệm vừa khắc khoải, khôn nguôi; vừa xôn xao, thầm lặng. Kí ức, giấc mơ, cõi mộng được nói trong bài thơ nhòe mờ không cụ thể, bởi vì đó là quá khứ hiện về trong tâm tưởng. Nhưng tác giả lại khẳng định ở hiện tại rằng nó “trong veo”. Cái “trong veo” về cái “nhòe mờ” về cái đã xa, đã mất, đã không thể nào nắm bắt được nữa, cũng đâu còn in hình, đong dáng mà sao vẫn đong đưa giao cảm và dậy tiếng sóng lòng dư âm thao thiết.

Phú Yên và Huế là hai địa danh/ không gian của quá khứ, hiện tại. Nơi là quê hương trở về, nơi là miền đất đã từng sống một khoảng đời êm đềm, đẹp đẽ. Nơi đó, có cái không thể nào quên là cái lần đầu nẩy nở niềm yêu nỗi nhớ. Nhà thơ ngấm sâu trong một nỗi buồn cổ điển: Gác trọ, hành trang, phố cũ, người xưa, nắng mưa trên gió phố rêu màu. Hình ảnh “gió phố rêu màu” tạo nên một ấn tượng nội tâm và mở ra những ảnh tượng tâm tưởng buồn bã, xa vắng: Màu thời gian, màu rêu phong tháp cổ, màu mưa trên phốHuế, màu khoảnh khắc đợi chờ, nhớ mong, yêu thương, màu của nỗi lòng chia xa, phôi pha chẳng thể nào khỏa lấp.

Ở khổ thơ thứ ba, cảm xúc nỗi nhớ được tô kẻ đậm đà. Đêm mưa tạo ra khoảng trống bất tận cho nỗi nhớ nẩy nở. Nguyễn Văn Hòa nghe rõ động tác trở mình của gió mà nhớ mưa xưa. Dòng nội tâm cuaảnh cũng theo gió mà chuyển tải và được tẩm trong mưa “ướt nhèm”. Dường như niềm vui, hạnh phúc nào cũng hóa nỗi lòng, bởi vì thời gian như một hải hành khi qua đi còn lại những bọt sóng bồng bềnh, tan loãng. Con người không thể nào không ôm giấu một bóng hình xưa cũ, dẫu xếp nếp, gói ghém và cất đặt nó vào địa mộ thời gian vẫn có ngày vô tình bị rơi ra, người lại nhặt lên phủi bụi mù phủ mà vén bức mành để kỉ niệm ùa về rồi lại không khỏi thao thức. Trải nghiệm bài thơ như đang đọc một bức thư tình của người xưa kẻ cũ và hiện ra cảnh xưa, người cũ.

Phố được nhắc đến trong bài thơ với bốn tên gọi/ biểu đạt/ sắc thái khác nhau: Phố chờ/ Phố rêu màu/ phố ướt mèm/ phố xưa. Chắc hẳn trên những con phố đó đã in hình đong dáng bước chân hai người lưu ấn trong bước chân vạn người lưu niên qua lại. Phố đã chứng kiến những ngày tháng hạnh phúc của tình đầu chưa trọn vẹn đó. Tôi nhớ một giai điệu: “Có đường phố nào quen/ cho ta qua một lần”. Giả định nếu được trở về phố xưa để đi lại trên con đường kỉ niệm đó lần hai liệu tác giả có dám không? Nếu hóa thân vào nỗi lòng tác giả, tôi rất sợ đối diện với thực tại của cái đã mất đó. Mới chỉ ở xa để nhớ mà đã thao thức đến độ này…Tôi lại liên tưởng đến một giai điệu nữa: “Đưa em về dưới mưa/ Nói năng chi cũng thừa”. Phố và mưa được Nguyễn Văn Hòa nhắc nhiều như thế là có dụng ý. Vì tác giả đã đưa ai đó về dưới mưa, qua cầu Trường Tiền… để rồi chính mưa trong hiện tại đã tạo ra nôĩthương nhớđến khôn cùng.

Nhan đề Mưa cố đô ướt mềm nỗi nhớ, nói về mưa xưa nhưng nỗi nhớ là của hiện tại khi nhà thơ đã trở về quê cũ. Thực tại/ quá khứ nhất thể hay chính tác giả mơ màng chẳng phân định được nữa. Nguyễn Văn Hòa nhắc đến nỗi nhớ mềm, nghĩa là trước đó nó đã được hong khô, kết đọng và đã được chôn sâu trong lòng. Giờ chính mưa đã làm mềm, thấm ướt và nhỏ giọt, rỉ ứa những thương nhớ đợi chờ…

Quốc Tuấn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/den-voi-bai-tho-hay-mua-co-do-uot-mem-noi-nho-a22477.html