Đến toilet cũng có app thuê phòng

Được giới thiệu lần đầu tại CES 2024, Flush là ứng dụng cho thuê nhà vệ sinh theo giờ ở các quán cà phê, nhà hàng... để tránh khách xài chùa.

 App này giải quyết bài toán toilet miễn phí thường không được vệ sinh, bảo trì thường xuyên. Ảnh: Chí Hùng.

App này giải quyết bài toán toilet miễn phí thường không được vệ sinh, bảo trì thường xuyên. Ảnh: Chí Hùng.

Ở các thành phố lớn, WC công cộng thu hút rất nhiều lượt khách, phục vụ cả dân du lịch lẫn người dân. Song, không phải nơi nào cũng có nhiều toilet miễn phí hoặc dọn vệ sinh thường xuyên.

Thay vì đợi biện pháp từ chính quyền, các nhà khởi nghiệp đã nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo cho vấn đề toilet công cụ. Ngoài phát triển app bản đồ theo dõi vị trí của nhà vệ sinh, một số startup còn xây WC di động công nghệ cao. Chúng có khả năng tự làm sạch, đầy đủ tiện nghi và có thể được đặt trước qua app.

Vừa tăng doanh thu cho quán, vừa giúp người đi đường được đi vệ sinh

Trong khi đó, công ty Flush đã nảy ra ý tưởng tận dụng nhà vệ sinh của những cửa hàng, địa điểm sẵn có và biến thành nơi công cộng. Tại triển lãm công nghệ CES 2024, start-up đã ra mắt ứng dụng cho thuê toilet ở các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn và các địa điểm đông người đến khác.

Công ty này được thành lập bởi Elle Szabo - một cựu sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính Đại học Nam California. Ý tưởng này ra khi cô bực bội vì không thể tìm ra nhà vệ sinh công cộng khi đi du lịch.

 Giao diện ứng dụng Flush. Ảnh: Flush.

Giao diện ứng dụng Flush. Ảnh: Flush.

“Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó. Khi chỉ mới lái xe được vài phút, tôi buộc phải dừng xe ở tòa nhà gần nhất để đi vệ sinh. Nơi duy nhất tôi có thể tìm thấy trong trường hợp này là bệnh viện. Tôi tự hỏi liệu người khác có gặp vấn đề giống mình không”, cô nói.

Theo TechCrunch, Flush đã tạo ra một thị trường mới cho nhu cầu sử dụng toilet công cộng. Chủ doanh nghiệp có thể cho thuê nhà vệ sinh với giá tối đa là 10 USD. Ngược lại, người dùng có thể tìm và đặt WC có sẵn thông qua ứng dụng Flush.

Để tránh trường hợp khách làm bẩn khu vực vệ sinh, Flush tích hợp một hệ thống đánh giá hiển thị khi chủ toilet nhận đơn đặt phòng. Start-up độc đáo này cũng đang nghiên cứu một số cách thức bảo hiểm để bồi thường cho các chủ WC, nếu họ phải chịu thiệt hại do khách gây ra, như hư đường ống nước, nghẹt bồn cầu…

"Sử dụng Flush, một quán cà phê có thể tạo ra một nguồn lợi nhuận mới mà không cần phải thêm bất kỳ chi phí nào. Ngoài tăng doanh thu, Flush còn tạo ra cách thức độc đáo cho các cửa hàng thu hút khách hàng mới không cần marketing”, nhà sáng lập Szabo nói với TechCrunch.

Thách thức cho mô hình kinh doanh toilet công cộng

Với start-up Flush, họ nhìn thấy một tương lai đầy tiềm năng khác. Khi ứng dụng này phổ biến, các nhà hàng, quán ăn sẽ dành một lối đi riêng, giúp người dùng Flush không cần xếp hàng hay trả tiền mua nước, gọi món để được vào quán đi vệ sinh.

“Flush giúp mọi người được sử dụng một phòng tắm sạch sẽ, đáng tin… Airbnb rất thành công vì đáp ứng đúng nhu cầu của mọi người: có nơi tựa lưng ngủ khi đi xa. Flush cũng đang làm điều tương tự với nhu cầu dùng toilet”, Szabo chia sẻ.

 Ngoài Flush, nhiều start-up khác cũng thử ý tưởng cho thuê nhà vệ sinh nhưng thất bại. Ảnh: Washingtonian.

Ngoài Flush, nhiều start-up khác cũng thử ý tưởng cho thuê nhà vệ sinh nhưng thất bại. Ảnh: Washingtonian.

Nhưng ý tưởng độc đáo này sẽ vấp phải không ít thách thức vì không phải ai cũng chịu trả 5 USD chỉ để sử dụng WC, ngay cả khi gặp trường hợp khẩn cấp. Với những quốc gia không cần trả tiền cho nhà vệ sinh công cộng như Việt Nam, nhiều người sẽ không thích ứng dụng này. Thậm chí, ở những nước có toilet tính phí như Italy, chi phí ở đây cũng rẻ hơn rất nhiều so với Flush - khoảng 1 USD/lần.

Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng cho thuê nhà vệ sinh đã được thử nghiệm trước đó nhưng thất bại. Giống với Flush, Good2Go từng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để cho thuê nhà vệ sinh, tính phí và chia hoa hồng chủ sở hữu. Mặc dù có sẵn những khách hàng cao cấp và gọi vốn 7 triệu USD, Good2Go cuối cùng chuyển sang bán hệ thống kiểm soát cửa vì không thể duy trì tài chính.

Restpace là một dịch vụ cho thuê toilet vẫn còn hoạt động Restpace. Nhưng họ tính phí sử dụng theo từng phút và được đánh giá là mô hình kinh doanh có khả năng sinh lời cao hơn so với Flush.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/den-toilet-cung-co-app-thue-phong-post1453371.html