Đến lượt USD tự do loạn cào cào: Nơi vọt lên đỉnh 25.700 đồng, nơi giảm 70 đồng

Đến lượt USD loạn cào nơi, có nơi điều chỉnh giá vọt lên đỉnh 25.700 đồng nhưng có nơi giảm 70 đồng xuống chỉ còn 25.480 đồng.

Đến lượt USD tự do loạn cào cào

Sau 1 tuần điều chỉnh, trong phiên giao dịch của tuần này, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do lại “dậy sóng”. Tuy nhiên, trước đây, các cửa hàng thường đồng thuận một xu hướng thì trong phiên 11/3, tỷ giá lại loạn cào cao, nơi vọt lên đỉnh 25.700 đồng, nơi giảm 70 đồng.

Cụ thể, tại Hàng Bạc, Hà Trung – những “phố ngoại tệ” nổi tiếng ở Hà Nội, có cửa hàng đẩy tỷ giá USD/VND lên mức đỉnh 25.700 đồng/USD nhưng ở nơi khác, giá USD giảm 70 đồng/USD so với đầu giờ sáng xuống chỉ còn 25.380 đồng/USD – 25.480 đồng/USD.

Trong khi đó, trên thị trường ngân hàng, đồng USD đồng loạt giảm sâu.

Đến lượt USD loạn cào nơi, có nơi điều chỉnh giá vọt lên đỉnh 25.700 đồng nhưng có nơi giảm 70 đồng xuống chỉ còn 25.480 đồng. Ảnh minh họa

Vào cuối giờ chiều 11/3, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá USD/VND đang được niêm yết 24.450 đồng/USD – 24.790 đồng/USD, giảm 50 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh tỷ giá USD/VND giảm 30 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra xuống 24.470 đồng/USD – 24.780 đồng/USD. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tỷ giá được giao dịch ở mức 24.478 đồng/USD – 24.788 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD.

Ngân hàng TMCP (VietinBank) là trường hợp đặc biệt khi niêm yết giá USD ở mức: 24.473 đồng/USD – 34.813 đồng/USD, tăng 40 đồng/USD chiều mua vào nhưng giảm 40 đồng/USD chiều bán ra.

Áp lực tỷ giá tiếp tục kéo dài

Công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu áp lực trong hai tháng đầu năm 2024 khi tỷ giá trên thị trường tự do ghi nhận mức mất giá của VND so với đồng USD là 1,56% so với thời điểm đầu năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở hai tuần gần nhất.

Tại đây, diễn biến của hai tháng đầu năm có phần khác với diễn biến thường thấy tại hai năm trước đó khi quý 1 thường là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước có thể tích cực gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối thông qua các nguồn vốn ngoại tệ chảy vào Việt Nam như kiều hối, thặng dư thương mại và FDI.

Bên cạnh đó, theo Mirae Asset, diễn biến bất thường đồng thời cũng được ghi nhận tại lãi suất trên kênh liên ngân hàng khi lãi suất liên ngân hàng đối với kỳ hạn qua đêm bật tăng lên 4,14% ngày 21/2 trước khi hạ nhiệt ở những phiên gần nhất về 2,4% vào ngày 28/02.

“Tại đây, chúng tôi cho rằng hệ thống liên ngân hàng có thể đang gặp áp lực thanh khoản ngắn hạn khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán cũng như việc Kho Bạc Nhà Nước tích cực giải ngân đầu tư công trong tháng 2 cũng là một yếu tố tác động đến thanh khoản trên kênh liên ngân hàng; đặc biệt khi áp lực thanh khoản hiện tại chỉ xuất hiện tại các kỳ hạn dưới 2 tuần và không kéo dài lâu”, Mirae Asset bình luận.

So với kỳ báo cáo gần nhất, Mirae Asset tiếp tục kỳ vọng việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn so với năm 2023 với nguồn ngoại hối từ thặng

dư thương mại (2023: 28,3 tỷ USD; ước tính 2 tháng đầu năm 2024: 4,72 tỷ USD), giải ngân FDI (2023: 36,6 tỷ USD; 2 tháng đầu năm 2024: 2,8 tỷ USD) và kiều hối

(2023: 16 tỷ USD). Hơn nữa, Mirae Asset quan sát thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì dự trữ ngoại hối tối thiểu 3 tháng nhập khẩu kể từ năm 2018.

Mirae Asset đánh giá áp lực tỷ giá tiếp tục kéo dài khi thị trường thay đổi kỳ vọng về lộ trình cắt lãi suất đến từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Biên bản cuộc họp tháng 1 của FOMC đã nhanh chóng hạ nhiệt mức kỳ vọng có phần quá lạc quan của giới đầu tư khi thị trường hạ mức định giá theo hợp đồng tương lai với lãi suất điều hành của Fed chỉ còn 3 lần cắt lãi suất trong năm 2024 (so với mức định giá từ 5 đến 6 lần cắt lãi suất vào tháng 1), tương ứng với mức cắt lãi suất 75 điểm cơ bản, với lần cắt lãi suất đầu tiên được kỳ vọng diễn ra vào kỳ họp tháng 6 với xác suất 52% theo ước tính của CME FedWatch.

Bên cạnh đó, các chỉ số đo lường lạm phát như CPI và PCE tại Mỹ đều đang cho thấy chặng cuối của lộ trình suy giảm lạm phát về mục tiêu bền vững 2% có phần bấp bênh và gập ghềnh hơn so với diễn biến được ghi nhận vào giai đoạn cuối 2023. Trong đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của tháng 1 ghi nhận mức tang mạnh nhất kể từ tháng 9/2023 sau khi tăng trưởng 0,3% so với tháng trước và 2,4% so với cùng kỳ.

Cùng với bối cảnh trên, chỉ số sức mạnh của đồng USD (DXY) kéo dài đà tăng trong tháng 2 năm 2024 (+0,85% so với tháng trước và +2,8% so với đầu năm) kết hợp với việc thay đổi kỳ vọng về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed đã giúp lợi suất trái phiếu chính phủ tại Mỹ đều bật tăng trong tháng 2 và dần tiệm cận vùng đỉnh lãi suất xác lập vào tháng 10 năm 2023; riêng lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đóng cửa tại vùng 4,25%.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/den-luot-usd-tu-do-loan-cao-cao-noi-vot-len-dinh-25700-dong-noi-giam-70-dong-post287534.html