Đêm nghĩ thêm ở Lục Đầu giang

Thịnh tình của ông bạn quý nhường hẳn cho đám bạn từ Hà thành một căn khá khang trang cùng tiện nghi lọt thỏm khu vực yên tĩnh Kiếp Bạc. Vậy mà chúng tôi cứ thao thức hết nằm lại ngồi.

Loài ong mật cần mẫn có đi cõng phấn trong đêm không ấy ư? Chả biết lẫn để ý! Vậy mà hình như có đấy? Đêm cứ lấn sâu vào tiết tận xuân sơ hạ, âm thanh rù rì cánh ong bay như hư như thực lẩn quất mơ hồ đâu đây trong bạt ngàn hoa của vườn bao quanh những nhãn xoài ngâu sói?

Kiếp Bạc - Vạn Kiếp, địa danh linh thiêng từ việc ghép tên của hai địa danh vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Khu vực Đền Kiếp Bạc hõm một dấu lặng xanh duyên dáng trù phú. Ba phía có dãy núi Rồng bao bọc. Mặt tiền là Lục Đầu Giang, nơi hội tụ của các sông Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình.

Đền Kiếp Bạc, đầu mối huyết mạch giao thông đường thủy bộ trấn giữ cửa ngõ phía đông Kinh thành Thăng Long. Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo đã chọn khu vực này làm trung tâm chỉ huy của phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, tạo thế cự giặc nối mạch từ biên giới Lạng Sơn tuột thẳng ra biển Đông. Vững chãi một thế trận chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288).

Cổng Đền Kiếp Bạc- Vạn Kiếp khắc câu đối của Thám hoa Vũ Phạm Hàm

Khoảng năm 1300 một cụm đền đài khiêm nhường đã được dân lập dựng sau khi Trần Hưng Đạo mất.

Dưới gầm giời Nam, có hàng nghìn di tích thờ Hưng Đạo đại vương. Nhưng Vạn Kiếp là vùng đất gắn bó rất sâu sắc với cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Vạn Kiếp, Kiếp Bạc với những tình cảm mà Đức Thánh Trần gắn bó cả khi người còn sống và khi người hiển thánh mất đi. Vạn Kiếp - Kiếp Bạc trong tâm thức của dân gian như là một vùng Thánh địa!

… Hồi tối, cuộc tụ bạn bè chừng như hơi bị bốc mãi lên. Mà có nguy cơ vỡ trận khi một ông nhẩn nha trích dẫn về chữ THU trong câu đối của Thám hoa Vũ Phạm Hàm khắc ở cồng Đền Kiếp Bạc vào đầu thế kỷ XX.

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí

Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.

(Núi Vạn Kiếp chỗ nào cũng có hơi kiếm (bốc tỏa lên).

Sông Lục Đầu không có sóng nào là không có tiếng thu (gầm thét vang).

Đành nhẽ vế đối ấy là thần sầu là trác tuyệt! Nhưng cái… chết lại là nằm ở chữ thu này!

Đám bạn chúng tôi thi nhau nói lên các điều đã nghe, đã đọc.

Rằng vào những năm 60 của thế kỷ XX, một văn nhân lại rộng chữ là Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đã đề nghị đổi chữ “thu thanh” thành “trang thanh” (tiếng đóng cọc), nhằm đối “chỉnh hơn” với chữ “kiếm khí” (hơi gươm kiếm) của vế thứ nhất.

Rằng chữ “trang thanh”, về mặt nghĩa dụng ý nhắc lại dư âm trận chiến đóng cọc gỗ tiêu diệt đạo đại thủy binh Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Đại Vương. Rồi tiếp theo là những bài viết trên báo chí trong hội thảo tán đồng cùng phản biện ý này!

Hầu hết cho rằng đôi câu đối, khi được khắc lên cổng đền đã bị ghi nhầm chữ “thung” ra chữ “thu”.

Câu đối. Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí… & một đoạn trong bài Phú Thu thanh của Âu Dương Tu (thủ bút của XB)

Rằng chữ “kiếm” đối với chữ “thung” chỉnh hơn là với chữ “thu”, vì “kiếm” và “thung” đều là vật “cụ thể”, còn “thu” chỉ là “trừu tượng” mà thôi”. Ngoài ra, về âm đọc, chữ này được đọc bằng hai âm, đọc “thung” thì có nghĩa là đánh đập, đọc là “trang” thì có có nghĩa là cái cọc. Do đó, câu đối phải được khắc lại!

Cũng cần lưu ý rằng, phái ủng hộ “thung thanh” (hoặc “trang thanh”) và “chê” chữ “thu thanh”, hơn nửa thế kỷ qua quy tụ toàn những bậc thức giả tên tuổi lẫy lừng.

Nhưng ngoài giời lại còn có… giời! Cao nhân hữu tắc cao nhân… cãi! Và đã có một vị (chừng như đại biểu cho một phái?) lặng lẽ đưa ra một dẫn chứng để minh định.

Vị ấy cầu cứu đến bài phú nổi tiếng THU THANH thi sĩ Âu Dương Tu Đời Tống (1007-1072).

Trong phần đầu “Thu thanh phú”, Âu Dương Tu viết thế này:

“Lạ thay! Lúc đầu rì rầm, vi vu, rồi chợt sầm sập, mạnh mẽ, như sóng nước kinh động ban đêm, gió mưa thổi đến thình lình, chạm vào vật leng keng, loảng xoảng, tiếng vàng, tiếng sắt kêu vang, lại như đoàn quân tiến đến hàng ngũ địch, ngậm tăm chạy mau, không nghe thấy hiệu lệnh, chỉ nghe thấy tiếng người, ngựa đi”.

Thẩm những âm thanh như dạng sóng âm giữa đêm thanh vắng, Âu Dương đã giải mã một thông điệp của Tạo hóa mà chỉ bực thức giả mới ngộ được?

“Y hy! Bi tai! Thử thu thanh dã, hồ vi hồ lai tai! Tôi (Than ôi! Thương thay! Đó là tiếng thu, sao lại vọng đến đây)

Có lẽ chỉ dẫn ra bấy nhiêu đó thôi, thiên hạ thấy bao thứ giật mình!

Rằng chữ “thu thanh” không chỉ hiểu đơn thuần là “tiếng mùa thu”, nhẹ và lạc nghĩa rất xa so với “hơi gươm kiếm”. Lại càng chả phải vụn vặt lẩn thẩn “thung” hay “trang” nào đó?

Trong cách luận của Âu Dương Tu thì “thu binh thỉ dã” (mùa thu tức là mùa binh vậy), chữ “thu thanh” điển cố rút từ “Thu thanh phú” cần được hiểu là “tiếng đao binh”, đối rất sát với chữ “kiếm khí” (hơi gươm kiếm).

Rằng với một bậc đại khoa như Vũ Phạm Hàm, việc dùng đến một điển cố như chữ “thu thanh”, hẳn nhiên không phải là quá khó, cũng không hề là việc xa lạ.

Một đôi câu đối đã tồn tại hơn trăm năm, làm nên thần khí Đại Việt, vỡ vạc nối dài nét cảm thức dân tộc, đã có nguy cơ không bị sửa sang đục bỏ ở Cồng Đền Kiếp Bạc!

(Viết đến đây không thể không nhớ đến chữ THU điển chữ THU mà Cụ Hồ dùng khi viết câu Thu thủy tàn hà thính vũ thanh – trong bức thư lần thứ 3 vời cụ Bùi Bằng Đoàn ra giúp nước! Xin khất bạn đọc một dịp khác)

2. Một ông khác trong đám bạn thì tặc lưỡi than tiếc mãi không thôi.

Lão đương dẫn ra phóng sự của bực túc nho Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (1902-1977) trên Tạp chí Tri Tân (số 17 tháng 10-1941) khi cụ bộc bạch rằng:

Trong 3 tòa Đền Kiếp Bạc, thơ và câu đối rất nhiều đều viết bằng Hán văn. Duy có câu sau này bằng tiếng Việt khiến tôi rất cảm động nên xin chép ra đây.

Uy tan giặc Bắc trận Sát Thát quân reo, một tay chống lại sơn hà quét bụi Tống rửa thù Nguyên, nòi giống vẻ vang hồn lịch sử/

Ơn khắp miền Đông đền đại vương quốc tế, mảnh đá in còn sự nghiệp, tiếng sóng Bạch Đằng, vầng mây Kiếp khói hương phảng phất bóng anh hùng!

Có lẽ tiếng Việt mà cụ Hoa Bằng nói ở đây là bằng chữ Nôm? Chứ khó mà bằng quốc ngữ hệ latinh như bây giờ?

Lão bạn bộc bạch rằng, đã soát xét lại nhiều lần ký ức lẫn ảnh chụp những dịp chiêm bái Vạn Kiếp. Lại tỷ mẩn tra mấy lượt danh sách các hoành phi câu đối đền Kiếp Bạc thấy mấy dẫn dụ trên đây mà cụ Hoa Bằng từng trưng trong Tri tân (số 17 tháng 10/1941) lâu nay đã không còn hiện diện ở Khu di tích này?

Cẩn thận hơn, lão còn điện hỏi một nhân sĩ xứ Đông vốn am tường về đền đài miếu mạo xứ Hải Dương, vị này cũng nói Đền không có câu đối Nôm ấy!

Hay đương lưu lạc phương nào?

3. Âm thanh các cung bậc cười bỗng rộ trong đêm khi có lão dẫn ra một bài thơ. Mà bài thơ một dạo cộng đồng mạng đã khẳng định… chắc khừ là của… Cụ Hồ?

Bài ấy như này.

Cũng cờ, cũng kiếm, cũng anh hùng,

Tôi- Bác chung nhau nghiệp kiếm cung.

Bác phá quân Nguyên, thanh kiếm bạc,

Tôi trừ giặc Pháp, ngọn cờ hồng.

Bác đưa một xứ qua nô lệ,

Tôi dẫn năm châu tới đại đồng.

Bác có anh linh, cười một tiếng,

Mừng tôi cách mạng đã thành công.

Trên mạng lại cẩn thận dẫn ra cụ thể là thời điểm năm 1946 hoặc năm 1948 chi đó, Cụ Hồ có bí mật về thắp hương Đền Kiếp Bạc và đề thơ.

Nhưng giới nghiên cứu sưu tầm đã nhanh chóng cái việc điều tra minh định.

Trong bộ “Hồ Chí Minh – Tuyển tập văn học”, 3 tập, gần 1.500 trang (Lữ Huy Nguyên sưu tầm-tuyển chọn. NXB Văn học xuất bản, H, 1995) tra tầm kỹ cũng không có bài này.

Trong cuốn “Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử”, tập 3 (1945- 1946), NXB CTQG, H. tái bản năm 2006 – một cuốn biên niên ghi chép tỉ mỉ những hoạt động của Cụ Hồ trong từng ngày, thậm chí đến từng giờ, cũng tuyệt nhiên không thấy nói đến sự kiện này!?

Chả cần phải nhọc công tìm ra sự tìm ra sự tương đồng giữa hai nhân vật lịch sử Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo và Hồ Chí Minh, một lãnh tụ cách mạng giản dị, chẳng hề có mũ mão, cân đai, cờ quạt, đao kiếm... Chỉ riêng cái cách xưng hô tôi – bác, bác – tôi thân mật đặc thù trong lúc trà dư, tửu hậu cũng thấy gợn.

Ta hẵng ngoái lại nhớ lại, Cụ Hồ - Hồ Chí Minh, trong các bài viết của mình, đã nhiều lần nhắc đến Trần Hưng Đạo với thái độ tôn kính. Năm 1928, ở Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc đã viết Bài ca Đức Thánh Trần, gọi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Ngài, tôn ông là Thánh.

Rồi trong Diễn ca Lịch sử nước ta (viết năm 1945), trong kỷ nhà Trần, Cụ Hồ nhắc.

Dân ta nào có chịu hèn,

Đồng tâm hiệp lực mấy phen đuổi Tàu.

Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu

Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang.

Chẳng có cái ý cái lý nào mà Cụ Hồ lại đường đột làm cái việc xưng hô xách mé đồng vai phải lứa bác bác tôi tôi với các bậc tiên liệt, thánh nhân?!

Năm 1946, được tin cụ Nguyễn Văn Ấm ở Hải Kiến-Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) đã 94 tuổi vẫn chịu khó đi học Bình dân học vụ, Cụ Hồ viết thư động viên: “Cháu được tin rằng bình dân học vụ thôn ta có 17 vị trở lên… riêng cụ đã 94 tuổi mà vẫn chịu khó đi học, thật là quý hóa… Mong rằng bao giờ học xong, cụ sẽ viết thư cho cháu”.

Tháng 5-1948, được biết cụ Phùng Lục, người Ứng Hòa, Hà Đông, nhân dịp 90 tuổi, đã xóa bỏ lễ mừng thượng thọ, đem số tiền 500 đồng quyên vào Quỹ kháng chiến, Cụ Hồ đã viết thư cảm ơn: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn Cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe…”

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dem-nghi-them-o-luc-dau-giang-post1516821.tpo