Đề xuất quy định độ tuổi người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về tuổi đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Góp ý vào dự thảo Luật, nhiều ý kiến ghi nhận, đây là dự thảo Luật đột phá và thiết thực, góp phần nâng cao bảo vệ an ninh trật tự quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, cần bổ sung làm rõ tiêu chuẩn lựa chọn người tham gia, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tính toán cân đối nguồn lực, nhất là ở những địa phương còn khó khăn.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) nhận định, về tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật (công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, đảm bảo sức khỏe) mà chưa đưa ra giới hạn độ tuổi tối đa là chưa phù hợp.

Đại biểu Lam đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường sáng 27/10. Ảnh: QH

Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ, dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về tuổi đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bởi hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chỉ đề cập đến việc đảm bảo sức khỏe.

Đại biểu Hòa lý giải, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng xem như cánh tay nối dài, hỗ trợ cho lực lượng công an xã, công an phường (như đi tuần tra, canh gác ban đêm…). Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo Luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý. Theo đại biểu, trưởng thôn, trưởng ấp có thể lớn tuổi, nhưng riêng lực lượng này cần có quy định chặt chẽ về tuổi đời.

Cũng liên quan đến độ tuổi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đồng tình với quy định của dự thảo Luật, đó là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có nguyện vọng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng quan trọng là những người có sức khỏe, có tinh thần tự nguyện và trách nhiệm với cộng đồng thì nên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Làm rõ nhiệm vụ nào là thực hiện, nhiệm vụ nào là hỗ trợ

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) ghi nhận Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, đã giải trình rõ ràng, hợp lý các nội dung. Dự thảo làm rõ nhiều nội dung đại biểu còn băn khoăn, còn ý kiến khác nhau.

Góp ý về Điều 8 dự thảo Luật về hỗ trợ xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu rõ, đây là một trong những chức năng chính quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Thực tế cho thấy, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc huy động Nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố, nhất là trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật, phát hiện tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện được đầy đủ và chưa rõ nhiệm vụ của lực lượng này trong việc xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Do đó, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cần quy định rõ nhiệm vụ nào là hỗ trợ lực lượng Công an xã trực tiếp triển khai phong trào và nhiệm vụ nào phối hợp với các lực lượng khác để triển khai thực hiện.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) phát biểu tại hội trường sáng 27/10. Ảnh: QH

Bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Góp ý tại Điều 26 về nhiệm vụ chi của địa phương, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cho rằng, các nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại địa phương nhiều, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương hằng năm rất lớn nên vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương còn rất khó khăn, ngân sách chủ yếu là phụ thuộc vào Trung ương.

Trong khi đó, chính sách do Trung ương đã ban hành và được ban hành mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025 chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Do vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ, các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Góp ý về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo sự không công bằng về chế độ giữa các địa phương do các tỉnh có điều kiện tự cân đối ngân sách sẽ có khả năng kinh phí để quy định mức chi cao hơn các địa phương khác có điều kiện khó khăn hơn trong khi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của các địa phương là giống nhau về bản chất.

Do đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi theo hướng quy định cụ thể mức chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoặc có thể chia theo mức hỗ trợ của các vùng, miền gắn với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của các địa bàn.

Không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với các tổ chức tự nguyện khác

Góp ý nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và đề nghị không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với các tổ chức tự nguyện, tự quản khác hỗ trợ lực lượng công an đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ không phù hợp với vị trí, vai trò cũng như tính chất hoạt động của tổ chức do chính quyền thành lập.

Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ, theo khoản 2, và khoản 3 người chưa tham gia bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Đại biểu Nga cho rằng người tham gia lực lượng dù có tham gia hay chưa tham gia bảo hiểm y tế thì cũng được hỗ trợ như nhau. Điều này sẽ không khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế. Do vậy đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cho phù hợp...

Quy định về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại điều 23 của dự thảo Luật cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Theo dự thảo, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Nhiều đại biểu đề nghị cần nghiên cứu việc chi trả chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tại cơ sở bằng mức lương cụ thể, tính hệ số lương, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và thu hút được các đối tượng tham gia tích cực, hiệu quả hơn./.

Đỗ Thoa

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/de-xuat-quy-dinh-do-tuoi-nguoi-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-co-so-650504.html