Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 8/12, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa VII bước vào ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến, kiến nghị của đại biểu.

ĐẠI BIỂU NAY Y BLUNG, BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH HĐND HUYỆN SƠN HÒA: Quan tâm đầu tư giao thông, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất

Trong năm 2020, cùng với các địa phương, ban ngành trong tỉnh, huyện Sơn Hòa đã nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Vấn đề mà các cử tri trên địa bàn huyện đang quan tâm hiện nay đó là bờ sông Ba, đoạn qua các huyện Sông Hinh (xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây), huyện Sơn Hòa (thị trấn Củng Sơn, xã Sơn Hà) trong những năm qua có hiện tượng sạt lở, gây ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân. Vì vậy, huyện đề nghị UBND tỉnh quan tâm, sớm có phương án đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở đoạn bờ sông này.

Ngoài ra, tuyến đường ĐT650 từ xã Sơn Nguyên đi xã Sơn Xuân (cao nguyên Vân Hòa) trên địa bàn huyện, cử tri kiến nghị nhiều năm nhưng chưa được đầu tư xây dựng. Đây là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển kinh tế vùng, vì vậy đề nghị UBND tỉnh quan tâm, sớm đầu tư tuyến đường này. Cùng với đó, huyện cũng đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh kéo dài thời gian thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn các xã miền núi đến hết năm 2021.

Từ cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, tình hình hạn hán kéo dài dẫn tới tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở nhiều địa phương, nhất là đối với vùng miền núi. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp hiệu quả để phòng, chống hạn, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thời gian tới. Đồng thời quan tâm đầu tư hệ thống kênh tưới nội đồng của Hồ chứa nước Suối Vực, thủy điện Sông Ba Hạ, Hồ chứa nước La Bách để phát huy hiệu quả của các hồ chứa trên địa bàn các huyện miền núi, đảm bảo phục vụ phát triển công nghiệp và nông nghiệp.

* TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH ĐẶNG THỊ HỒNG NGA: Tăng cường các giải pháp thu ngân sách nhà nước

Trong năm 2020, bên cạnh một số thuận lợi, tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng thời tiết; dịch bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi tiếp tục tái diễn. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động không thuận lợi đến tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân và kết quả thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và có nhiều mặt phát triển. Trong 17 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu năm 2020, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt…

Mặc dù kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu tăng so với cùng kỳ, nhưng tỉ lệ tăng rất thấp so với các năm gần đây và có 5/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, như tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động. Trong các chỉ tiêu không đạt kế hoạch thì chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được nhiều cử tri quan tâm nhất. Có 9/17 khoản thu không hoàn thành dự toán tỉnh giao với tổng số hụt thu là 4.028,5 tỉ đồng, trong đó thu tiền sử dụng đất hụt 3.512,4 tỉ đồng. Nhiều dự án, nhiều khu vực đấu giá quyền sử dụng đất đã thực hiện cách nay vài tháng nhưng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục nên chưa thể tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất.

Tỉnh, các địa phương và ngành Thuế cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, tăng cường các giải pháp quản lý và cưỡng chế nợ thuế theo quy định; chỉ đạo khai thác có hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất để đảm bảo kế hoạch.

* PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN TỘC HĐND TỈNH KA SÔ CHIỂU: Đầu tư thêm cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi của tỉnh. Song, được sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương, sự lãnh đạo của tỉnh nên tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh tiếp tục ổn định. Các chương trình, chính sách đầu tư vào vùng đồng bào DTTS được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng mục tiêu và đạt được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS hàng năm giảm từ 4-5% so với tổng số hộ DTTS trên địa bàn tỉnh. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững…

Tuy nhiên, hiện nay ở các địa phương miền núi, tình trạng dịch bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và hoạt động sản xuất của nông dân. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của nông dân miền núi hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh, không ổn định. Vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng chỉ mới định hình ban đầu, chưa có sản phẩm thế mạnh, chủ lực và định hướng ổn định lâu dài. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn biến hết sức phức tạp… Các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS mong muốn tỉnh quan tâm hơn nữa và tiếp tục triển khai các chính sách, kết nối để các địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư.

Tỉnh và ngành Nông nghiệp cần có quy hoạch, định hướng, đưa ra các giải pháp và có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp nông dân miền núi phát triển sản xuất, giúp tiêu thụ được sản phẩm với giá cả ổn định, đầu tư mới các nhà máy chế biến nông lâm sản. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, đặc biệt là chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS theo Nghị định 75 của Chính phủ.

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH TRẦN CÔNG HOAN: Đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm trật tự xã hội

Trong năm 2020, tình hình tội phạm và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế và giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, một số loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều vụ có tính chất manh động, liều lĩnh gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân, cần phải đấu tranh quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tội phạm, tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng; tội phạm giết người tăng cao so với cùng kỳ, với hành vi dã man, mất nhân tính gây hoang mang dư luận; tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, hoạt động băng nhóm, bảo kê, đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng diễn ra ở nhiều địa phương gây lo lắng, bất an trong nhân dân.

Để kiểm soát tốt tình hình tội phạm, bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, của Tỉnh ủy liên quan đến công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh trật tự.

Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng công an kịp thời đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm về ma túy, kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng băng nhóm bảo kê, cho vay lãi nặng và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, không để tội phạm lộng hành; nâng cao chất lượng tỉ lệ điều tra xử lý tội phạm và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

ANH NGỌC - KIỀU MY (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/249800/de-xuat-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html