Đề xuất cấm kinh doanh Bảo vật Quốc gia

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đề xuất Bảo vật Quốc gia thuộc sở hữu chung, riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ở trong nước theo quy định và không được kinh doanh

Lá đề trang trí chim phượng bằng đất nung thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long là Bảo vật Quốc gia

Ngày 12-3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) thay thế cho Luật Di sản văn hóa hiện hành được ban hành từ năm 2001. Trong đó có quy định về kinh doanh Bảo vật Quốc gia.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 101 điều, tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành có 7 chương, 73 điều.

TS Nguyễn Xuân Năng, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, kiến nghị nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và Bảo vật Quốc gia để có ứng xử phù hợp.

Ông Năng cho rằng hiện cả nước mới có 300 hiện vật là bảo vật quốc gia, vì vậy phải coi bảo vật quốc gia là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt và thuộc loại hiện vật quý hiếm. "Với Bảo vật Quốc gia, không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Với cổ vật, không cho phép kinh doanh ở nước ngoài" - ông đề nghị.

TS Nguyễn Xuân Năng, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam

Đối với di vật không phải là những hiện vật thuộc dạng quý hiếm hay có giá trị tiêu biểu hay đặc biệt tiêu biểu như cổ vật và Bảo vật Quốc gia, nên cho phép mua bán cả trong và ngoài nước, để các bảo tàng có cơ hội sưu tầm được nhiều hiện vật phục vụ trưng bày giới thiệu cho công chúng.

Nhắc tới quy định về cấm kinh doanh Bảo vật Quốc gia, TS Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhất trí theo phương án 1 tại điều 41, dự thảo luật, theo đó quy định "Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh".

Theo ông Hùng, phương án này có các ưu điểm như hạn chế quyền kinh doanh Bảo vật Quốc gia được quy định trong luật (Luật Di sản văn hóa), bảo đảm thống nhất với quy định "Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản" và quy định "Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định" tại khoản 1 Điều 163, khoản 1 Điều 196 Bộ luật Dân sự.

TS Nguyễn Văn Hùng đồng ý với phương án không được kinh doanh Bảo vật Quốc gia

Quy định này cũng phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có Công ước 1970 của UNESCO "về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa".

TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng Bảo vật Quốc gia là hiện vật hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với Quốc gia.

Việc cấm kinh doanh những Bảo vật Quốc gia giúp ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép; ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng danh hiệu Bảo vật Quốc gia để trục lợi, đồng thời bảo tồn được giá trị văn hóa của Bảo vật Quốc gia, không bị tác động bởi giá trị kinh tế, giúp đảm bảo di sản văn hóa này được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và lịch sử Quốc gia.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-cam-kinh-doanh-bao-vat-quoc-gia-196240312192552054.htm