Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả cho nhiều bệnh, trong đó có cả ung thư

Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với hướng tăng quyền lợi cho người tham gia.

Có 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, đó là: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh, phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả cho nhiều bệnh, trong đó có cả ung thư

Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý, Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B. Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho 2 bệnh ung thư.

Theo bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế, việc mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả bảo hiểm y tế dựa trên tiêu chí đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh có tỉ lệ mắc cao, đạt hiệu quả khi can thiệp sớm. Từ đó, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn muộn.

Ung thư vú và ung thư cổ tử cung là những bệnh ung thư hay gặp ở nữ giới. Theo Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam có 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong vì ung thư vú. Ung thư vú nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5 - 86,7%, chi phí điều trị cũng tiết kiệm được rất nhiều, tuy nhiên khoảng hơn 1/2 số ca phát hiện ở giai đoạn muộn. Ung thư cổ tử cung chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú.

Nhận định của giới chuyên gia, việc sàng lọc bệnh sớm có thể sẽ gây gánh nặng lên quỹ bảo hiểm y tế thời gian đầu nhưng sau đó sẽ giúp giảm chi phí điều trị chuyên sâu. Vì vậy, sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến quỹ trong tương lai. Điều này cũng góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-bao-hiem-y-te-chi-tra-cho-nhieu-benh-trong-do-co-ca-ung-thu-315220.html