Để xe khách không còn là nỗi ám ảnh!

Dù đã có chế tài, lực lượng chức năng xử lý vi phạm; thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát được lắp đặt trên ô tô kinh doanh vận tải... Nhưng những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe khách vẫn liên tiếp xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Vô tư phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn để rồi gây tai nạn

Thường xuyên di chuyển trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, anh Đình Ngọc quê Ninh Bình hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội không khỏi ngán ngẩm, thậm chí đến mức ám ảnh mỗi khi di chuyển trên tuyến đường này cùng với những xe khách, xe hợp đồng lao vun vút.

Anh Ngọc cho biết, có lần anh đưa gia đình về quê chơi ngày cuối tuần cũng là thời điểm giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ áp lực nhất, phương tiện đông đúc di chuyển khá từ tốn.

Thế nhưng không biết từ đâu một chiếc xe khách đánh lái vào làn khẩn cấp cùng với tiếng còi liên hồi rồi vọt lên phía trước xe anh với tốc độ cao. Thực sự đó là một cảm giác rất phẫn nộ trước hành vi lái xe ẩu, bất chấp quy định và xem thường mạng sống người khác của tài xế xe khách.

 Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Đồng Nai khiến 5 người tử vong. Ảnh: TL.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Đồng Nai khiến 5 người tử vong. Ảnh: TL.

Không khó để tìm kiếm thông tin trên mạng Internet về những hình ảnh, clip lái xe khách phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, chèn ép... được gọi bằng cái tên xấu xí “quan tài bay”. Và vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khiến 5 người tử vong vào ngày 30/9 vừa qua đòi hỏi cần giải pháp mạnh mẽ từ các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn tình trạng này.

Khoảng 2h30 phút ngày 30/9, xe khách giường nằm loại 52 chỗ của Công ty TNHH Thành Bưởi (nhà xe Thành Bưởi) chở theo 32 hành khách lưu thông trên Quốc lộ 20, hướng Đồng Nai đi Lâm Đồng.

Khi đến Km48, đoạn thuộc ấp 3 (xã Phú Vinh, huyện Định Quán), xe khách giường nằm vượt bên trái xe tải điều khiển đi cùng chiều phía trước.

Tuy nhiên tài xế xe giường nằm không đảm bảo khi vượt, dẫn đến đầu xe giường nằm bên phải đâm vào phía sau bên trái của xe tải. Sau đó, xe khách lấn qua phần đường chiều ngược lại và đâm trực diện vào một xe ôtô loại 16 chỗ.

Khu vực xảy ra tai nạn giữa xe khách giường nằm và xe khách 16 chỗ có tốc độ tối đa 50km/h. Qua kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, xe Thành Bưởi khi va chạm chạy tốc độ 69km/h, vượt quá quy định, không giữ khoảng cách an toàn.

Đặc biệt, lái xe khách đang bị tạm giữ giấy phép lái xe 3 tháng do vi phạm tốc độ trước đó. Điều đó có nghĩa lái xe không được điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu giảm tốc độ 5% thì số vụ va chạm giao thông nghiêm trọng giảm tới 30%. Tải trọng xe càng lớn, tốc độ càng cao thì hậu quả khi có va chạm càng lớn. Vì vậy, các loại phương tiện có tải trọng lớn như xe khách thường có giới hạn tốc độ thấp hơn xe con trên cùng một tuyến đường.

Vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe là 5 yếu tố có nguy cơ cao gây tai nạn.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát, chất vấn và giám sát chuyên đề, chất vấn đối với lĩnh vực giao thông vận tải; Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá có hiện tượng đơn vị kinh doanh vận tải ép thời gian giao hàng, tăng chuyến dẫn đến tài xế phải lái xe quá giờ, làm việc quá thời gian hoặc phải chạy quá tốc độ.

Xử phạt mạnh tay, loại bỏ bất cập

Thực tế phương tiện kinh doanh vận tải đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Sau mỗi chuyến đi, nhà xe kiểm tra “hộp đen” của từng xe xem xét lỗi lái xe vi phạm trên đường. Nếu doanh nghiệp nghiêm khắc xử lý các lỗi như chạy quá tốc độ, dừng đỗ không đúng nơi quy định, chở quá tải,... để từ đó lái xe chấp hành nghiêm quy định.

Ngược lại khi doanh nghiệp làm ngơ, không kiểm tra, giám sát, xử lý, mới dẫn đến việc lái xe vi phạm, thậm chí vi phạm nhiều lần. Và phương tiện vi phạm cả nghìn lần/tháng hay một doanh nghiệp có hàng chục đầu xe vi phạm/tháng có nghĩa doanh nghiệp, lái xe “nhờn luật”, coi thường pháp luật.

 Xử lý mạnh tay, quyết liệt những vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Ảnh minh họa.

Xử lý mạnh tay, quyết liệt những vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Ảnh minh họa.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trung bình mỗi tháng đơn vị thu hồi phù hiệu khoảng 700 - 800 phương tiện vận tải do vi phạm quy định về tốc độ (5 lần vi phạm/tháng/1.000km). Đáng chú ý có phương tiện trong 1 tháng vi phạm gần 1.500 lần hay một nhà xe có hàng chục phương tiện vi phạm bị thu hồi phù hiệu.

Còn số liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam qua 9 tháng của năm 2023, các Sở GTVT đã thu hồi phù hiệu gần 470.000 ô tô kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ. Ngoài ra gần 250.000 phương tiện có vi phạm tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu đã bị nhắc nhở.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện một số tồn tại, trong đó có quy định về thu hồi phù hiệu.

Nghị định 86 trước đây quy định, thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ từ 1 - 2 tháng. Xe bị tước phù hiệu thì 2 tháng sau mới được cấp lại phù hiệu mới. Tuy nhiên khi sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nội dung này đã không quy định việc này.

Do không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nên doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình chưa đủ cơ sở pháp lý để chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Bởi theo quy định, loại thiết bị ghi nhận dữ liệu làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính phải được công nhận phù hợp quy chuẩn và phải được kiểm định định kỳ.

Trong khi đó, thiết bị giám sát hành trình được công nhận hợp quy chuẩn nhưng chưa được kiểm định theo định kỳ.

Ngoài ra, phần mềm quản lý dữ liệu cần được nâng cấp đủ thông minh để thống kê dữ liệu tự động, tạo sự tiện lợi cho người khai thác, quản lý thay vì khi xe nào xảy ra tai nạn mới tập trung rà soát, thống kê.

Phần mềm cũng cần có tính năng cảnh báo trực tiếp trên thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe. Khi tài xế chạy quá tốc độ sẽ cảnh báo ngay để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thay vì người theo dõi dữ liệu kiểm tra hay hậu kiểm mới phát hiện.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xe-khach-khong-con-la-noi-am-anh-post269100.html