Để xe buýt thật sự là phương tiện chủ lực-Kỳ 3: Xe buýt quá tải và những hệ lụy

Nhồi nhét, quá tải là hiện trạng phổ biến của xe buýt Hà Nội hiện nay. Số lượng và số tuyến xe buýt không phải là ít nhưng vào giờ cao điểm quá đông hành khách khiến cho xe buýt trở nên “nghẹt thở”. Là phương tiện công cộng hướng tới văn minh đô thị nhưng những thực trạng của xe buýt hiện nay như nhồi nhét khách, móc túi, trộm cắp trên xe đã khiến cho nhiều người dân Thủ đô có cái nhìn nghi ngại về loại phương tiện văn minh này.

-

Hành khách đợi xe buýt trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy).

Không thể phủ nhận một thực tế rằng xe buýt Hà Nội hiện nay đang quá tải. Tình trạng nhồi nhét khách xảy ra trên tất cả các tuyến xe nhất là vào giờ cao điểm, kể cả các tuyến đi trong nội thành và các tuyến đi ra ngoại thành. Đặc biệt là các tuyến hướng tâm, chạy qua các trường ĐH, bến xe thì lượng chuyên chở khách càng lớn. Ông Nguyễn Thủy, Trưởng Trung tâm điều hành xe buýt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết: “Hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt hiện nay đạt bình quân toàn mạng là 80%. Đây là mức rất cao (Xinhgapo cũng chỉ đạt 50-55%). Giờ cao điểm hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt càng cao hơn (bình quân là 140%), đặc biệt ở các tuyến trục hành lang lên gần 200%”.

Những con số trên cho thấy xe buýt đang phải gồng mình lên trước lượng hành khách như hiện nay. Bởi vậy, cứ nói đến xe buýt là người ta nghĩ ngay đến cảnh ngột ngạt, chen chúc. Đây cũng là một trở ngại khi vận động người dân đi xe buýt thay cho phương tiện cá nhân.

Quá tải xe buýt không chỉ trong giờ cao điểm. Đối với các tuyến xe 21, 01, 32, 05, 08, nếu hành khách không lên từ đầu bến thì rất khó có chỗ đứng thoải mái chứ chưa nói tới có ghế ngồi. Thiết kế chung của xe buýt hiện nay là hai hàng ghế và 2 dãy đứng có cần treo để vịn tay. Thế nhưng hầu hết các xe hiện nay đều phải xếp khách đứng chật hết lối khiến cho việc đi lại và di chuyển trên xe gặp nhiều khó khăn. Nếu vào giờ cao điểm hay những ngày hè nóng bức, lên xe buýt như là một cực hình vì ngột ngạt, đôi khi tới mức không thở nổi.

Tình trạng quá tải diễn ra trên hầu hết các tuyến xe buýt.

Khi là sinh viên, tôi đã từng là hành khách quen thuộc của một số tuyến xe buýt nên hiểu rất rõ cảm giác của người đợi xe. Trong những ngày nóng nực đứng đợi xe quả là một cực hình, và khi xe buýt tới, nhất là khi đang vội thì mong muốn lớn nhất là lên được xe bất chấp xe đã đông cứng khách, nếu không lên sẽ bị muộn giờ học. Đối tượng đi xe buýt nhiều nhất là sinh viên, cho nên các tuyến chạy qua các khu vực có các trường đại học, cao đẳng luôn trong tình trạng “nóng”.

Rất nhiều tuyến xe được xếp vào tình trạng quá tải trầm trọng như tuyến 39, 27, 32,… Để đợi lên được một xe tuyến 39, hành khách còn phải “chôn chân” tại điểm chờ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là chuyện bình thường. Đó là chưa kể khi xe đến hành khách còn bị bỏ bến vì xe đã không còn chỗ nào để nhét khách nữa. Cũng như tình trạng của tuyến xe 39, xe buýt tuyến 27 lúc nào cũng trong tình trạng “phụ xe còn không có chỗ đứng”. Vấn đề quá tải đang là tình trạng chung của hầu hết các tuyến xe buýt Hà Nội.

Giải thích cho tình trạng xe buýt đang quá tải, ông Lương Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (đơn vị thuộc Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, số lượng xe buýt vẫn đủ đáp ứng nhu cầu đi lại nhưng vẫn xảy ra tình trạng quá tải vì nó không được sử dụng hết năng lực. Có những trục đường chưa đến 30 giây đã có 1 xe buýt đi qua, ví dụ như đường Nguyễn Trãi. Tại một mặt cắt nhất định mà vẫn giữ được tần suất đó thì không có gì để nói, nhưng trên mặt cắt đường đó còn rất nhiều các phương tiện khác cũng lưu thông tạo ra độ trễ cho xe buýt. Đó là nguyên chính mà xe buýt không tải hết được số lượng khách trong giờ cao điểm”.

Còn theo ông Nguyễn Thủy, Trưởng Trung tâm điều hành xe buýt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội: “Chưa ở đâu mà xe buýt không đông vào giờ cao điểm. Nếu ta đến Quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc) hay Hàn Quốc vào giờ cao điểm thì xe buýt thậm chí không đóng được cửa. Vào giờ đấy, ai cũng muốn đi, ai cũng muốn về nhà sớm thì đông là bình thường. Việc kêu gọi nhân dân sử dụng phương tiện công cộng nói chung và trước mắt là xe buýt là hoàn toàn phù hợp nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí xã hội”.

Tình trạng quá tải và nhồi nhét trên xe buýt đã vô tình tạo điều kiện cho nhiều hành vi xấu trên xe. Đi xe buýt bị móc túi, hay bị sàm sỡ đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự quá tải, chen chúc của xe buýt làm “đất kiếm ăn” và thực hiện các hành vi xấu. Chính tôi trong một lần chờ xe buýt đã gặp tình trạng này. Chỉ thoáng lơ đãng một lúc, nhìn xuống đã thấy chiếc cặp của mình bị kéo hết khóa ra. Giật mình tôi nhìn sang bên cạnh thì thấy một đối tượng người nhỏ thó đang giả vờ ngơ ngác đợi xe. Quay sang bác xe ôm thì bác này lắc đầu tỏ vẻ bất lực.

Điểm đen về tình trạng móc túi, trộm cắp là điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy, các tuyến xe có lưu lượng đông như 32, 08, 34, 22… Nhiều người tận mắt chứng kiến hành vi móc túi nhưng không dám nói bởi sự liều lĩnh của các đối tượng trộm cắp. Để giải quyết tình trạng này, từ tháng 11/2011, Công an TP Hà Nội đã thành lập tổ công tác 142 truy quét các nhóm móc túi trên xe buýt. Chỉ trong vòng 3 tháng, 10 tổ công tác 142 đã bắt được 100 đối tượng. Đặc biệt trong số đó có những đối tượng nhiễm HIV nên rất liều lĩnh, manh động.

Mặc dù nhiều đợt truy quét trộm cắp, móc túi trên xe buýt đã được triển khai song người dân vẫn tỏ ra e ngại xe buýt bởi tình trạng nhồi nhét giờ cao điểm và những hệ lụy của nó.

Nam Hoàng - Thu Trang - Tạ Nguyên

Kỳ 4: Để có “văn hóa xe buýt”

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/152n20120417233639586t129/de-xe-buyt-that-su-la-phuong-tien-chu-lucky-3-xe-buyt-qua-tai-va-nhung-he-luy.htm