Để xây dựng Quốc hội chuyên nghiệp, phải đề cao hơn nữa cơ quan dân nguyện

Sáng 27/2, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về 'Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội' chủ trì hội thảo về Đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng chủ trì Hội thảo.

Công tác dân nguyện là của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, có vai trò hết sức quan trọng. Quan điểm “lấy dân làm gốc”, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của Đảng và Nhà nước ta đã được quy định rõ trong Hiến pháp và các văn bản Luật. Tuy nhiên, hoạt động dân nguyện vẫn còn có những mặt tồn tại, hạn chế, bất cập về vị thế, thẩm quyền, phạm vi và điều kiện hoạt động. Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội chuyên nghiệp, phải đề cao hơn nữa cơ quan dân nguyện.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, trên thế giới có 4 mô hình cơ quan chuyên trách công tác dân nguyện của Quốc hội trên thế giới, nhưng theo tiêu chuẩn chung, 60% các nước là mô hình Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện, cần nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri và quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội. Công tác dân nguyện là của cả Quốc hội, do đó, cần nâng tầm hoạt động dân nguyện bằng việc xây dựng Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội, để Quốc hội thực sự là của dân, do dân, vì dân, là cơ quan đại diện, đại biểu cao nhất của nhân dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Khắc Phục - Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-xay-dung-quoc-hoi-chuyen-nghiep-phai-de-cao-hon-nua-co-quan-dan-nguyen-212073.htm