Để xây dựng một nền văn hóa trong kinh doanh

QĐND - Xây dựng văn hóa trong kinh doanh là vấn đề khó khăn nhất. Tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng đi đôi với phát triển văn hóa. Khi văn hóa trong kinh doanh kém phát triển thì kinh tế thị trường trở nên hoang dại…

Định nghĩa “Văn hóa trong kinh doanh”

Trong những năm 60, 70 thế kỷ XX, khi kinh tế Nhật Bản đạt được những thành tựu thần kỳ, làm thế giới kinh ngạc, nhiều người nghiên cứu trên thế giới đã đến tìm hiểu những nguyên nhân gì giúp Nhật Bản đạt được những thành tựu thần kỳ đó. Người ta đã điều tra, phỏng vấn những người công nhân trong các xí nghiệp lớn ở Nhật nguyên nhân vì sao mà công nhân Nhật ra sức lao động như vậy. Câu trả lời là vì 4 nguyên nhân: Vì Tổ quốc Nhật hoàng, vì truyền thống của công ty, vì lương tâm và trách nhiệm của người thợ, vì tiền thưởng.

Sản xuất khí tại Nhà máy xử lý khí Dinh Cố.

Trong 4 nguyên nhân đó, 3 nguyên nhân đầu thuộc về văn hóa. Như vậy, văn hóa đã trở thành một động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế. Cũng trong giai đoạn đó, người ta thấy xuất hiện ở Nhật những chủ doanh nghiệp lớn đã làm việc quên mình vì sự thành đạt của công ty. Có trường hợp một công ty đang có nguy cơ phá sản, tổng giám đốc công ty tự nguyện làm việc quên mình, không cần tiền lương, để vực công ty đứng vững. Đối với họ, vực công ty đứng vững có nghĩa là đảm bảo được đời sống cho hàng nghìn người đang có nguy cơ rơi vào thất nghiệp, cũng có nghĩa là bảo vệ danh dự và truyền thống của công ty. Như vậy, trong hoạt động kinh doanh, kinh tế, bao giờ cũng ẩn chứa những giá trị văn hóa. Doanh nhân thành đạt, trong hoạt động của mình, bao giờ cũng hướng tới những giá trị tinh thần cao đẹp. Với ý nghĩa đó, dù doanh nhân không đồng nghĩa với danh nhân, nhưng trong số rất nhiều doanh nhân, có thể nảy sinh ra một số người đáng được gọi là danh nhân.

Những nước phương Đông thành công trong phát triển kinh tế thị trường có nét tương đồng là họ có những thành công nhất định về vấn đề "văn hóa trong kinh doanh" của nước mình. Theo kết quả nghiên cứu của nước ngoài thì văn hóa trong kinh doanh ở phương Đông có một số đặc điểm chung trong phong cách quản trị doanh nghiệp. Thứ nhất là làm gương cho người khác noi theo (ở phương Tây dựa trên luật lệ, nguyên tắc). Thứ hai, quản lý dựa trên quan hệ tình cảm, thứ bậc, tuổi tác. Thứ ba, có pháp chế, quy ước chung để mọi người noi theo. Thứ tư, quản lý dựa trên cơ sở tư tưởng nhân ái, hòa đồng. Cuối cùng là lòng trung thành với sự nghiệp.

Để xây dựng một nền văn hóa trong kinh doanh

Khi khảo sát 139 văn phòng của 29 công ty trên 15 quốc gia kinh doanh trên 15 mặt hàng và dịch vụ khác nhau, nhà kinh tế học Đa -vít H.Mai -xtơ đưa ra một câu hỏi chung: Quan điểm của công nhân có tương quan với sự thành công về tài chính hay không? Câu trả lời đều dứt khoát: Có. Và ông đi đến khẳng định: Nhân tố con người là mối dây then chốt trong những chuỗi hoạt động tạo ra lợi nhuận. Những văn phòng thành đạt nhất là những văn phòng có các nhân viên nhiệt tình, tận tâm và chuyên môn cao hơn.
Theo GS. TS Hoàng Ngọc Hiến, văn hóa trong kinh doanh biểu hiện tập trung ở thái độ ứng xử với con người trong sản xuất và tiêu dùng, thông qua phương thức tổ chức quản lý kinh tế. Phân tích kinh nghiệm Đông - Tây và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam hơn 20 năm qua, có thể rút ra hai nội dung làm nền tảng xây dựng nền văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Thứ nhất, phát huy tinh thần yêu nước một cách thiết thực trong xây dựng kinh tế. Yêu nước là giá trị lớn nhất của dân tộc ta, là một phẩm chất văn hóa nội sinh của mỗi người Việt, dù làm việc gì, sinh sống ở đâu. Trước đây, phẩm chất ấy được thể hiện phong phú trong văn hóa dân tộc, được phát huy cao độ trong kháng chiến. Ngày nay, phẩm chất ấy cần được khai thác trong xây dựng kinh tế, xã hội.

Muốn phục hồi phát triển giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay phải bắt đầu từ khâu then chốt: Xây dựng văn hóa trong kinh doanh bằng cách phát huy phẩm chất văn hóa nội sinh của mỗi người là lòng yêu nước.

Thứ hai, trong thời đại hiện nay, xu thế kinh tế của thời đại là phát triển bền vững, tức là phải giải quyết vấn đề xã hội và môi trường ngay trong quá trình phát triển kinh tế. Thực chất của xu thế phát triển bền vững là hình thành mối quan hệ thân thiện giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên, tạo ra những con người mới, nền kinh tế mới, xã hội mới. Chính từ xu thế này mà một nền văn hóa mới phát sinh và phát triển, bắt đầu trước hết từ doanh nghiệp. Đối với nước ta, phát triển bền vững là nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa trong cuộc sống, chứ không dừng lại trong hội nghị, xã luận, khẩu hiệu tuyên truyền.

Bài và ảnh: Nguyễn Hà Nam

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/107/107/107/183855/Default.aspx