Để vùng đất chín rồng cất cánh

Sông Cửu Long - hay Cửu Long Giang, là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Cửu Long Giang chia thành hai sông Tiền Giang, Hậu Giang rồi đổ ra biển qua 9 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc, Trần Đề. Vùng đất chín sông như chín con rồng uốn lượn đã nuôi dưỡng vựa lúa, thủy sản, trái cây làm nên một vùng kinh tế sông trù phú.

Ảnh minh họa

Mạch nguồn làm nên “vựa lúa” đất Chín rồng

Những ngày cuối năm 2023, thông tin gạo Việt Nam giành giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế năm 2023 diễn ra tại Cebu, Philippines đã làm nức lòng các doanh nhân lúa gạo, nông dân, cũng như người dân Việt. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đã đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 7,75 triệu tấn, cao nhất trong những năm gần đây. “Giá lúa gạo Việt Nam đã cao nhất thế giới. Đến nay, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 41,17 triệu tấn, kế hoạch đạt trên 43 triệu tấn có tính khả thi rất cao. Như vậy vừa phục vụ cho 100 triệu dân, vừa đảm bảo đủ chế biến, dự trữ, chăn nuôi và làm giống”, ông khẳng định.

Gạo Việt Nam đã tạm biệt điệp khúc: “Lượng nhiều, không thương hiệu, giá trị ít”, giờ đây gạo Việt Nam đã ghi danh và kiêu hãnh có mặt trên hàng trăm hệ thống siêu thị lớn tại nhiều nước như Pháp, Anh… Từ tháng 9/2020, Lộc Trời đã là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào Châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhưng tháng 9/2022 lại là dấu mốc hoàn toàn khác khi Lộc Trời trở thành doanh nghiệp đầu tiên, chủ động và tự tin bước vào sân chơi quốc tế bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của mình - Cơm Việt Nam Rice, vào Carrefour và Leclerc, hai hệ thống phân phối hàng đầu với tổng cộng gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp.

Châu Âu nói chung, Pháp nói riêng vốn là những thị trường khó tính, với những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được người tiêu dùng nơi đây thực sự là điều không hề dễ dàng và thực sự là thành công lớn của gạo Việt. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời từng chia sẻ với báo chí rằng khi nhìn thấy gói gạo có hình chữ S đỏ thắm mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” xuất hiện trên các kệ hàng ở 2 hệ thống siêu thị lớn nhất Châu Âu là Carrefour và Leclerc, nhiều người Việt đã rất xúc động và bản thân ông không ngăn được những giọt nước mắt hạnh phúc. Ông đã mơ về một ngày gạo Việt không còn vô danh nữa và giấc mơ đã thành hiện thực. Ông cũng chia sẻ lòng biết ơn đối với vùng đất “chín rồng”đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi dưỡng cây lúa, ban cho hạt “lộc trời”.

100.000 tỷ cho nông nghiệp vùng sông nước

Những dòng sông chở nặng phù sa của vùng ĐBSCL đã mang tới cho người dân nơi đây nhiều “hạt ngọc” và không chỉ lúa gạo mà còn ban tặng cho người dân hai sản vật khác là thủy sản và trái cây. Sông nước là một đặc trưng tự nhiên và nổi bật ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ xưa đến nay, hầu như mọi hoạt động đời sống xã hội của cư dân nơi đây đều gắn với sông nước, “không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây”, “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Do đó, vai trò của các con sông là không thể tách rời khi nhắc về đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế, tiềm năng to lớn của mình, đồng bằng sông Cửu Long hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Trong đó, kinh tế sông đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long; sản lượng gạo, cá tôm và cây trái xuất khẩu nơi đây dẫn đầu cả nước.

Theo Bộ NN&PTNT, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng, đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Để thúc đẩy kinh tế sông, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như cho thuê đất với thời hạn dài, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất, phí, lệ phí cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Theo Bộ NN&PTNT, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.

Trong số này, có các dự án như Dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại Long An, có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thực phẩm Đồng An; Dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại Tiền Giang, có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiên Phong; Dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau…

Các dự án đầu tư này đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức vừa qua, đại diện các nhà đầu tư vùng ĐBSCL, ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, cho biết Chính phủ Australia khuyến khích doanh nhân đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vì nhìn thấy tiềm năng vùng nông nghiệp kinh tế sông rộng lớn.

Để vùng đất “chín rồng” cất cánh

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ cho nông sản, phát triển về logictis, phát huy lợi thế kinh tế sông… Theo ông Nam, ngoài việc quan tâm vào thế mạnh đầu tư lúa gạo, trái cây, thủy sản, nhà đầu tư nên quan tâm những lĩnh vực mới là đầu tư vào khai thác nuôi trồng dọc bờ biển và dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp. Ngoài ra, quan điểm của Bộ là đẩy mạnh đầu tư vào logistics lĩnh vực nông sản.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm, Bộ NN&PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án về logistics nông sản, trong đó tập trung vào việc đầu tư xây dựng ở các vùng nguyên liệu ở các vùng miền để đảm bảo kho chứa nguyên liệu, dịch vụ tư vấn kỹ thuật, giúp cho người nông dân. Tại đây sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã làm trung tâm dịch vụ, có kho chứa, có sân phơi, có nơi tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có mục tiêu gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất ngành hàng lúa gạo theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường. Đó thực sự là tin vui tròn đầu xuân này, cũng là hướng đi đúng đắn để phát huy tiềm năng kinh tế sông và là một phần giúp kinh tế vùng đất chín rồng cất cánh!

Nam Phương

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/de-vung-dat-chin-rong-cat-canh-20180504224294971.htm